1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. Cháy nhà trọ 14 người chết

Nghệ An

Dân lập barie rào làng ngăn nạn trộm chó

(Dân trí) - Sau khi hàng trăm con chó bị bọn trộm câu mất, người dân nghĩ ra sáng kiến lập barie và quy định giờ giới nghiêm ra, vào xóm. Nạn trộm chó giảm hẳn nhưng người dân cũng gặp không ít phiền toái từ sáng kiến này.

Dân lập barie rào làng ngăn nạn trộm chó

Barie chống cẩu tặc của người dân xã Nghi Long

Chống cẩu tặc bằng cách rào làng

Vào khoảng từ giữa năm 2011 trở về trước, người dân xã Nghi Long, Nghi Lộc (Nghệ An) khốn khổ với nạn trộm chó hoành hành. Đến nỗi, có khi chỉ trong một đêm, có xóm đã mất tới 4-5 con chó. Không kể đêm hay ngày, bọn trộm chó cứ ngang nhiên lộng hành. Hai tên một chiếc xe máy, dây phanh xe đạp làm dụng cụ, chúng len lỏi vào từng ngõ xóm, đợi nhà ai sơ hở là vứt dây thòng lọng siết cổ con chó đang đứng ở vệ đường rồi lao xe đi. Chỉ nghe được tiếng chó rít lên một tiếng, người dân chạy ra tới nơi thì bọn cẩu tặc đã cao chạy xa bay.

Mất chó, xót của thì ít mà “ức” vì bị trộm ngay trước mắt thì nhiều, người dân tổ chức phục bắt. Nhưng bọn “cẩu tặc” thừa liều lĩnh, câu được con chó nào là chúng phóng đi bạt mạng, thậm chí còn quay trở lại hành hung khổ chủ. Mất thời gian công sức phục bắt nhưng chưa có cẩu tặc nào bị tóm, trong khi chó vẫn bị câu trộm.

Nằm tách biệt với các xóm khác trong xã nên xóm 2 chịu hậu quả nặng nề nhất của nạn trộm chó. Không lẽ phải sống chung với nạn trộm chó. Người dân xóm 2 ức lắm, mở hẳn các cuộc họp bàn phương kế. Cuối cùng “sáng kiến” lập barie ở các ngã đường để chống trộm và quy định giờ giới nghiêm ra, vào xóm được “duyệt”. Những chiếc barie chống trộm chó ra đời. Đó là những chiếc cửa bằng sắt do người dân trong xóm góp tiền dựng nên.

Ông Trần Hữu Tài (xóm 2, xã Nghi Long) khá tự hào về sáng kiến chống cẩu tặc của xóm mình: “Hồi chưa có mấy cái rào chắn này đêm dân chúng tôi ngủ không yên vì vừa sợ mất chó vừa bực mình mà không biết làm răng. Từ hồi có cái rào này, tình hình trộm cắp, nạn cẩu tặc cũng giảm hẳn. Cứ đúng 22h đêm là chúng tôi đóng barie, 5h sáng mở cho dân đi lại, trong khoảng thời gian đó “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Thấy có hiệu quả nên đến bây giờ, nhiều xóm trong xã đã học theo cách làm của xóm 2”.

Dân lập barie rào làng ngăn nạn trộm chó

Từ khi có những chiếc rào chắn này, nạn câu trộm chó gần như không còn

Thấy barie chống trộm chó của xóm 2 phát huy hiệu quả, lãnh đạo xã Nghi Long coi đây như là một phương án hữu hiệu để góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Xã đã tổ chức hẳn một cuộc họp dân để lấy ý kiến và được đồng tình cao. Tính đến thời điểm này, toàn xã Nghi Long có gần 100 cái barie chống cẩu tặc ở tất cả 16 xóm. Mỗi xóm đều cử ra một vài người có nhiệm vụ đóng mở các chốt, việc mở chốt rào chắn cứ đều đặn như giờ tàu chạy.

Còn ông Nguyễn Đình Bình, xóm 8, xã Nghi Long thì cho rằng: “Những chiếc barie này không chỉ làm giảm nạn câu trộm chó trong xã mà còn làm cho người dân chúng tôi đoàn kết với nhau hơn. Khi thấy xuất hiện các đối tượng khả nghi, các chốt chặn này sẽ được đóng lại, người dân cùng nhau xông ra với đủ dụng cụ trên tay để tóm gọn bọn chúng. Nói là nói vậy chứ từ khi có cái barie này người dân chúng tôi cũng chưa có cơ hội để tóm được tên trộm chó nào vì chẳng có đứa nào dám bén mảng vào đây”.

Thấy được hiệu quả từ những barie chống cẩu tặc này, các xã Nghi Thịnh, Nghi Xá, Nghi Hợp (Nghi Lộc) cũng bắt đầu học theo lập barie rào làng chống trộm cướp, nhất là trộm chó. Chỉ tính riêng xã Nghi Thịnh hiện có 9/15 xóm đã dựng rào chắn.

Phiền toái với giờ giới nghiêm

Từ khi có cái chốt chống trộm này quả thật an ninh trật tự yên ổn hẳn lên, đêm người dân có thể đánh thẳng một giấc đến sáng mà không phải giật mình thon thót vì tiếng rít cầu cứu của chó, tiếng nẹt pô, rú ga của cẩu tặc trên đường chạy trốn. Ấy thế nhưng chính những cái chốt này cũng gây không ít phiền toái cho chính người dân nơi đây.

Dân lập barie rào làng ngăn nạn trộm chó

Tuy nhiên "hàng rào chống cẩu tặc" này cũng gây không ít phiến toái cho người dân, nhất là vào giờ giới nghiêm

Theo quy định, sau 22h, những chiếc barie này sẽ được khóa lại, chìa khóa giao cho một hộ dân gần barie nhất. Người dân trong xóm có việc muốn ra ngoài sau giờ này phải gọi người giữ chìa khóa, trình bày lý do cụ thể thì mới được mở chốt. Từ ngày có rào chắn này, sinh hoạt của người dân cứ giống như trong quân ngũ, muốn đi chơi, thăm hỏi bà con xóm khác cũng phải canh giờ để về trước giờ đóng cửa làng. Lỡ có đi về muộn, chỉ có nước gửi xe máy ngoài làng rồi trèo cổng mà vào.

Ấy là chưa kể đến việc làng có người ốm đau đột xuất phải đi cấp cứu phải đi qua nhiều xóm với nhiều “lớp” rào chắn cũng mất không ít thời gian. Cũng không hiếm trường hợp, người dân ở nơi khác đến chơi, vì chưa biết quy định về giờ đóng cửa làng nên cứ phóng xe đi đến khi va vào rào chắn ngã cả người lẫn xe mới biết.

Người lớn vui mừng với hiệu quả của những chốt chống trộm chó này bao nhiêu thì bọn trẻ lại khốn đốn với giờ giới nghiêm của làng bấy nhiêu. Trai làng đi “tán” bồ ở nơi khác cứ phải nhấp nhổm  giờ để về. Còn các cô gái đến tuổi có người trồng cây si cũng nhiều phen khổ sở vì bị người yêu giận vì cái tội… đuổi người ta về sớm. “Cứ như thế này thì có khi con gái trong làng ế chồng mất thôi chị ạ”, Nguyễn Thị T. (xóm 2, Nghi Long) cười như mếu.

Ông Nguyễn Quốc Trưng - Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Long thẳng thắn: “Cái gì cũng có hai mặt của nó, khi thống nhất người dân lập các chốt chặn này chúng tôi đã lường hết được những phiền toái mà người dân sẽ gặp phải. Tuy nhiên, trước tình hình thực tế đang diễn ra thì đây chỉ là một giải pháp tình thế mà thôi. Chuyện lập chốt là nguyện vọng của đại đa số người dân và để phục vụ người dân thôi”.

Quang Anh