Dân làng nghề: tuổi thọ thấp, bệnh tật nhiều
(Dân trí) - Song song với việc phát triển về kinh tế thì nguồn chất thải phát sinh tại nhiều làng nghề đang gây suy thoái môi trường nghiêm trọng. Người dân sống trong các vùng làng nghề là những nạn nhân đầu tiên phải hứng chịu hậu quả do ô nhiễm môi trường.
Cho đến nay làng nghề vẫn đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo ở nông thôn và giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 11 triệu người lao động, tập chung chủ yếu ở các vùng nông thôn. Song vấn đề ô nhiễm, suy thoái môi trường đã và đang tác động trực tiếp đến sức khỏe của người dân sinh sống trong khu vực làng nghề, trở thành nỗi nhức nhối chưa được giải quyết.
Không khí, đất, nước ô nhiễm nhiễm nặng nề
Báo cáo mới nhất về Môi trường làng nghề Việt Nam 2008, do Bộ Tài nguyên môi trường (TN&MT) thực hiện cho thấy, chất lượng môi trường tại hầu hết các khu vực sản xuất trong làng nghề không đạt tiêu chuẩn. Trong khi đó có tới 95% người lao động có nguy cơ tiếp xúc với bụi; 85,9% tiếp xúc với nhiệt; 59,6% tiếp xúc với hóa chất.
Kết quả đợt khảo sát 52 làng nghề trên toàn quốc cũng cho thấy: 46% làng nghề có môi trường bị ô nhiễm nặng (không khí, nước, đất hoặc cả ba loại). Trong đó, các làng nghề tái chế phế liệu (ở Nam Định, Hưng Yên, Hà Nội, Quảng Nam), người dân phải sống trong môi trường cực kỳ độc hại do quá trình tái chế và gia công, nguồn phế liệu sinh ra một lượng lớn khí độc như axit, kiềm, axit kim loại… Bên cạnh đó, việc đốt và sử dụng than chất lượng thấp để sản xuất lại tiếp tục phát sinh ra lượng lớn bụi và các khí độc hại như CO2, CO, SO2, chất hữu cơ bay hơi.
Còn tại các làng nghề sản xuất vật liệu xây dựng và khai thác đá, ô nhiễm không khí cũng ở mức báo động do bụi.
Các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm như làng nghề làm bún Phú Đô- Hà Nội, bún Vũ Hội- Thái Bình, miến Yên Ninh- Ninh Bình… đặc biệt, là các cơ sở chăn nuôi và giết mổ đang phải đối mặt với mùi tanh thối khó chịu do ô nhiễm không khí đặc trưng do sự phân hủy các chất hữu cơ trong nước thải, chất thải rắn tạo nên.
Sở Công thương TP Hà Nội cũng đưa ra cảnh báo: sau khi mở rộng Hà Nội hiện có 255 làng nghề với 6 loại hình sản xuất khác nhau (nhuộm, thuộc da, chế biến lương thực thực phẩm, thủ công mỹ nghệ) hàng ngày vẫn đang xả thẳng nguồn nước hoàn toàn chưa được xử lý, góp phần “tích cực” giết chết môi trường nước mặt dòng sông Nhuệ, Đáy. Khối lượng chất thải rắn thuộc các làng nghề ở Hà Nội lên tới 90 tấn/ngày.
Mắc nhiều loại bệnh do ô nhiễm môi trường
Những báo cáo liên sức khỏe của người dân sống tại làng nghề nói chung đều đưa đến những kết quả buồn: Tại nhiều làng nghề, tỷ lệ mắc bệnh (đặc biệt là nhóm người trong độ tuổi lao động) đang có xu hướng tăng cao. Tuổi thọ trung bình của người dân tại các làng nghề thấp hơn 10 năm so với tuổi thọ trung bình trên toàn quốc.
Chương trình điều tra về sức khỏe do Cục bảo vệ môi trường mới thực hiện tại hàng loạt làng nghề đưa ra thống kê: Tại làng nghề đúc cơ khí Tống Xá (Nam Định), tuổi thọ trung bình của người dân ở đây là 60, thấp hơn 10 tuổi so với bình quân chung cả nước. Số người chết do ung thư phổi , gan, dạ dày từ năm 2000 đến nay chiếm tỷ lệ rất cao (25,5%). Đa số các ca trẻ chết sơ sinh đều bị dị tật bẩm sinh hoặc đẻ non. Rất nhiều dân sống trong vùng mắc những bệnh liên quan đến hô hấp, bệnh tai mũi họng và bệnh liên quan đến đường tiêu hóa. Đặc biệt có tới 67% chị em phụ nữ mắc bệnh phụ khoa.
Tình trạng bệnh tật cũng gia tăng nhanh đến mức báo động tại các làng nghề khác. Như bệnh viêm niêm mạc, nấm kẽ chân, nấm móng, dày sừng gan bàn chân, viêm chân tóc, viêm nang lông là những bệnh phổ biến gặp ở những làng nghề chế biến lương thực thực phẩm, chăn nuôi, giết mổ.
Những người dân sống ở làng nghề nhuộm, ươm tơ, thuộc da thì thường xuyên mắc phải các bệnh liên quan đến tiêu hóa, hô hấp và thần kinh. Còn bệnh đặc trưng của những người dân làng nghề sản xuất vật liệu xây dựng và khai thác đá là các bệnh về mắt, hô hấp, tiêu hóa và bệnh phụ khoa…
Ô nhiễm môi trường không chỉ làm suy giảm sức khỏe của người dân sống tại làng nghề mà còn gây ra những tổn thất kinh tế không nhỏ do chi phí điều trị, thời gian chữa bệnh và dẫn tới những xung đột môi trường trong cộng đồng.
Ô nhiễm môi trường tại các làng nghề đã trở thành nỗi nhức nhối, nó đe dọa môi trường và sức khỏe không chỉ của cả cộng đồng.
Cho đến nay, nhiều biện pháp bảo vệ môi trường đã được triển khai, nhưng tình hình ô nhiễm vẫn diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Ông Phạm Khôi Nguyên, Bộ trưởng Bộ TN&MT thừa nhận: đó là do còn nhiều sự bất cập của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn chưa đầy đủ và cụ thể hóa đối với các làng nghề. Đây cũng là nguyên nhân khiến chức năng của hệ thống cán bộ thực thi việc bảo vệ môi trường từ trung ương đến địa phương gần như bị lãng quên.
Thanh Trầm