1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thừa Thiên Huế:

Dân làng góp tiền xây cầu ngói tiền tỷ

(Dân trí) - Ngày 12/2, theo tin từ thôn Hiền Lương (xã Phong Hiền, huyện Phong Điền), cây cầu ngói Hiền Lương có kết cấu 3 gian 2 chái theo kiến trúc xưa vừa được hoàn thành với kinh phí gần 1 tỷ đồng. Nguồn vốn chủ yếu do nhân dân đóng góp.

Khởi công từ tháng 4/2011, đến năm 2012 phần cầu cơ bản được hoàn thiện, nhưng hết kinh phí nên công trình buộc phải tạm dừng một năm. Mất hơn một năm sau mới được xây phần mái ngói. Đến tháng 9/2014, cây cầu  hoàn thiện và được đưa vào sử dụng, bước đầu đáp ứng nhu cầu đi lại của hàng trăm hộ dân hai bên bờ sông.

Cầu ngói có thiết kế một nhịp hình cung, dưới cầu trên nhà ngói. Cây cầu này dài gần 25m, mặt cầu rộng 5,5m, phần trên có 8 trụ chống đỡ, chia làm 3 gian, 2 chái. Nóc nhà được lợp bằng ngói liệt màu cam. Đường nóc gắn lưỡng long triều nguyệt, hai đầu hồi khắc hình con dơi sải với mong muốn cầu may mắn và bình an cho dân làng.

Cầu ngói Hiền Lương

Cầu ngói Hiền Lương

Ở hai bên thành cầu có lối bộ hành rộng 70cm được lát gạch để người qua lại có thể dừng chân ngắm cảnh quê hương yên bình, kèm theo đó là hai thành lan can chắc chắn. Màu chủ đạo của cây câu là trắng và nâu. Đêm đến, cây cầu được thắp sáng điện bởi hệ thống đèn lồng trên trần nhà. Tổng thể công trình được thiết kế xây bằng xi măng cốt thép.

Ông Huỳnh Kim Mão, Trưởng ban vận động xây dựng cầu ngói tại địa phương cho biết: “Cây cầu có kinh phí gần 1 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp hơn 600 triệu đồng, phần còn lại là từ nguồn kinh phí của địa phương. Hiện làng đang tính ngày để khánh thành cây cầu nhằm cầu an cho người qua lại, tiếp tục quảng bá cây cầu ngói này đến với bà con khắp nơi và khách du lịch cho họ biết”.

Theo ông Trần Sỹ Ngọc, trưởng thôn Hiền Lương cho biết, việc lên ý tưởng và xây dựng cây cầu ngói  xuất phát từ tâm nguyện của nhân dân trong làng, đặc biệt là những thế hệ đi làm ăn xa có điều kiện kinh tế ổn định luôn một lòng hướng về quê hương . Ngoài ra, còn là  thực tế của làng: Mỗi lần muốn đi từ hai xóm Đồng Nhân sang 4 xóm An Hội, mọi người phải đi rất xa.

Bà Cao lệ Huyền (45 tuổi, trú xã Phong Hiền) chia sẻ: “Chúng tôi góp công góp của làm nên cây cầu này, vừa muốn là để đi lại hai bờ gần hơn, vừa muốn tạo nên một giá trị văn hóa để truyền dạy cho con cháu mai sau”.

Toàn cảnh cây cầu ngói do dân làng đóng góp tiền chủ yếu xây dựng

Toàn cảnh cây cầu ngói do dân làng đóng góp tiền chủ yếu xây dựng
Cầu có hình dáng cổ kính bên làng quê yên bình

Cầu có hình dáng cổ kính bên làng quê yên bình

Được biết tại Huế có một cây cầu ngói khác là cầu ngói Thanh Toàn (xã Thủy Thanh, Thị xã Hương Thủy) đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia, xây dựng từ rất lâu năm 1776 – có tuổi đời xấp xỉ với Chùa Cầu ở Hội An. Cầu ngói Thanh Toàn hiện là một điểm đến ưa thích của du khách.

Làng Hiền Lương trước đó có tên ở bờ Bắc trung lưu sông Bồ vốn làng tên là Hoa Lang, một trong những ngôi làng cổ xưa của xứ Thuận Hóa. Đến năm 1841, vì kỵ húy, vua Thiệu Trị nhà Nguyễn cho đổi tên làng thành Hiền Lương. Làng nổi tiếng với nhiều giá trị văn hóa – lịch sử lâu đời, đặc biệt là nghề rèn hàng trăm năm nay chuyên sản xuất các loại nông cụ rèn từ sắt như: lưỡi cày, lưỡi cuốc, liễn, hái, dao, rựa, phăng, mỏ xay…





Đại Dương – Minh Nguyệt