1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM:

Dân kiện UBND xã vì bị cưỡng chế phá bỏ container

(Dân trí) - Đặt container văn phòng trên mảnh đất mua giấy tay, người dân bị UBND xã cưỡng chế 2 lần, phá hỏng toàn bộ container với lý do vi phạm trật tự xây dựng đô thị. Người dân khởi kiện vì cho rằng container không phải là công trình xây dựng.

Ngày 4/8, ông Trần Văn Tùng (tạm trú tại khu phố 10, phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, TPHCM) cho biết đã ủy quyền cho luật sư bổ sung hồ hơ gửi đến TAND huyện Hóc Môn kiện UBND xã Thới Tam Thôn về quyết định cưỡng chế, phá hoại tài sản, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của ông.

Dân kiện UBND xã vì bị cưỡng chế phá bỏ container
Container ông Tùng đặt trên đất mình mua nhưng UBND xã Thới Tam Thôn cho đó là công trình nhà ở xây trái phép và cưỡng chế phá dỡ

Theo ông Tùng, ông có một nhà xưởng tại xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn. Tuy nhiên, năm 2010, cơn hỏa hoạn đã thiêu rụi toàn bộ nhà xưởng, hàng hóa. Để khắc phục hậu quả, ông Tùng bán toàn bộ nhà cửa, xe cộ để trả nợ. Sau thời gian cố gắng làm ăn, kinh tế gia đình dần hồi phục, ông gom tiền mua giấy tay lô đất rộng 89m2 tại tổ ấp Đông 1, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn.

Do bức bách chỗ giao dịch, đầu năm 2014, ông Tùng có mua một container được thiết kế như văn phòng về đặt tại mảnh đất trên và xây thêm công trình phụ. Đến ngày 7/3/2014, UBND xã Thới Tam Thôn đến lập biên bản vi phạm và tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ toàn bộ công trình phụ. Riêng container văn phòng thì để lại.

Ngày 19/6, ông Tùng nhận được thông báo của UBND xã Thới Tam Thôn với yêu cầu phải tháo dỡ container trước ngày 25/6. Sau đó ông Tùng gửi đơn khiếu nại với lý do container không phải là công trình xây dựng. Bênh cạnh đó, ông Tùng trình bày, từ ngày cưỡng chế ông không xây dựng gì thêm, vẫn giữ nguyên hiện trạng, nên không đồng ý với quyết định trên của xã.

Ngày 24/6, ông Tùng làm đơn gửi Chủ tịch UBND xã Thới Tam Thôn trình bày, vì không đồng ý với quyết định cưỡng chế của xã nên đã khởi kiện lên TAND huyện Hóc Môn về quyết định trên. Ông Tùng đề nghị UBND xã tạm hoãn việc cưỡng chế tháo dỡ container dự kiến vào ngày 25/6 để chờ phán quyết của Tòa án. Tuy nhiên, ngày 27/6, phía UBND xã Thới Tam Thôn vẫn tiến hành cưỡng chế phá bỏ container văn phòng của ông Tùng.

Ông Tùng thắc mắc vì không có văn bản nào quy định container là công trình xây dựng
Ông Tùng thắc mắc vì không có văn bản nào quy định container là công trình xây dựng

Trao đổi với PV Dân trí, ông Phạm Xuân Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Thới Tam Thôn cho rằng, công trình của ông Trần Văn Tùng là nhà ở. Trong khi đó, mảnh đất này ông mua giấy tay, là đất nông nghiệp, nên việc xây dựng nhà ở là trái pháp luật. Phía UBND xã đã nhiều lần tống đạt thông báo tháo bỏ, quyết định di dời nhưng ông Tùng không thực hiện nên mới tiến hành cưỡng chế.

Ông Hà Ngọc Hùng, Trưởng phòng quản lý đô  thị huyện Hóc Môn lý giải thêm: bất cứ vật kiến trúc nào trên đất đều là công trình xây dựng. Xây dựng tại chỗ hay xây dựng từ nơi khác đem tới cũng là công trình xây dựng. Nếu công trình đặt ở trên đất thì phải có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền, và đất đó phải đúng mục đích sử dụng được xây dựng nhà ở.

Nếu phần đất mua mà có giấy tờ, chuyển mục đích đàng hoàng theo đúng quy định của pháp luật thì cấp phép. Trường hợp của ông Trần Văn Tùng thì mua đất không đúng với quy định pháp luật của nhà nước về đất đai, khi sử dụng đất cũng sai mục đích. Như vậy, ông Tùng chưa xin được giấp phép xây dựng mà đặt công trình là sai.

Cũng theo ông Hùng, container là một dạng công trình cần cấp phép. “Cũng có dạng container mà người ta miễn cấp phép với trường hợp là văn phòng của một công trình lớn nào đó đã được triển khai, trong trường hợp này container là công trình phụ nằm trong công trình lớn, công trình tạm phục vụ công trình chính sẽ được miễn cấp phép. Nhưng, ngay cả với trường hợp này thì vẫn phải có điều kiện là phải đặt trong phần đất của dự án được phê duyệt. Nếu container nằm ngoài đất dự án thì buộc phải xin phép”, ông Hùng cho biết thêm.

Quốc Anh