1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Dân khốn đốn vì nước lòng hồ thủy điện dâng

(Dân trí) - Hơn một tháng nay, người dân xã Diên Bình, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum thuộc khu vực lòng hồ thủy điện Plei Krông khóc dở mếu dở vì nước lòng hồ thủy điện Plei Krông dâng lên cao, nhấn chìm cà phê, mì, bời lời, các loại cây ăn quả… và cả nhà cửa trong biển nước.

Khốn đốn vì nước ngập lâu ngày

 

Khu vực lòng hồ thủy điện Plei Krông những ngày này nước vẫn mênh mông trắng xóa. Đây đó lô nhô những loại cây trồng của người dân loi ngoi trong biển nước. Các hộ dân có tài sản ngập trong nước mặt buồn thiu, ai nấy cũng đang trông chờ vào sự đền bù của nhà nước để mong gỡ được chút vốn.

 

Chị Trần Thị Thanh, thôn 3, xã Diên Bình, có ngôi nhà nước ngập gần hết cửa ra vào. Rơm rớm nước mắt, chị mếu máo: “Trước đây Ban quản lý Dự án thủy điện 4 (BQLDATĐ 4) nói nước không ngập nên khi lập gia đình ra ở riêng, năm 2005 chúng em xây nhà ở đây. Mới ra ở riêng không có gì nhiều! Chỉ có 100 cây cà phê, 100 cây bời lời làm vốn. Nước non mãi vậy, vợ chồng em chết không sống nổi…!”.

 

Chị Thanh lau nước mắt, cho biết người nói không ngập là ông Kiên, phụ trách công tác đền bù khu vực Diên Bình.

 

Cách nhà chị Thanh không xa là nhà Bùi Thị Lan, nước ngập gần đến mái. Lan cũng giãi bày trong hàng nước mắt: “Ở đây hết đất thổ cư. Bố em cho miếng đất cuối vườn để làm nhà. BQLDATĐ 4 nói nước không ngập, cứ ở! Chúng em làm nhà!”.

 

Khi nước dâng, chồng Lan là Đoàn Thanh Trung đi làm ăn ở xa, một mình Lan ở nhà, thân gái ốm yếu, thấy nước dâng cứ như “gà mắc tóc”, lay hoay thế nào mà toàn bộ tài sản phải dầm nước hết. Còn vườn cây bời lời ngập nước, Lan sợ thối vỏ, tiếc của nên bỏ công gọt vỏ những cây gần mặt đất phơi khô để bán. Tài sản cha mẹ chồng cho gồm 120 cây cà phê, 100 cây bời lời đều đang chết chìm!

 

Ông Đặng Cường nắm tay tôi dẫn về chỉ ba ngôi nhà đang bị ngập, than: “Ba gia đình anh em chúng tôi Đặng Thị Nhị, Đặng Thị Nở và tôi, nhà cửa đều chìm trong nước. Năm 2005 khi hỏi mấy ổng, mấy ổng nói nước không ngập tới, chúng tôi xây nhà. Bây giờ nước ngập nhà hơn nữa mét. Mong nhà báo lên tiếng với BQLDATĐ 4 về đền bù, xem xét chỗ ở, cấp đất thổ cư cho!”.

 

Giếng nước sinh hoạt của bà con, cái ngập, cái nhiễm bẩn, rất mất vệ sinh và nguy hiểm cho sức khỏe nhưng không dùng thì lấy nước ở đâu. Nhiều hộ gia đình vẫn dùng liều. Mới đây hai con của chị Võ Thị Ngờ bị đau bụng, phải cấp cứu ở Trung tâm Y tế huyện.

 

Ngược về thôn 2, con đường từ Quốc lộ 14 được nhà nước đầu tư cũng bị nước dâng  ngập gần hết. Có chỗ nước dâng lên đến hơn nửa mét. Nước còn dâng ngập nhiều ngôi nhà, nhiều ao cá của dân. Như gia đình ông Đỗ Trọng Thủy, bỏ bao nhiêu vốn liếng, công sức đầu tư nuôi cá. Những con cá chép, trắm cỏ… trong ao đã gần đến ngày thu hoạch, chỉ sau một đêm nước dâng bất ngờ, cá ra sạch khỏi ao. Ông Thủy mất trắng hàng chục triệu đồng.

 

Riêng thôn 5, hơn 100 hộ gia đình đồng bào dân tộc Sê Đăng sống chủ yếu dựa vào cây sắn, nước ngập làm sắn thối, bà con đang có nguy cơ bị đói.

 

Ai chịu trách nhiệm?

 

Mặc dù BQLDATĐ 4 yêu cầu bà con giữ nguyên hiện trạng cây trồng trên đất bị ngập, nhưng xót của, nhiều hộ gia đình vẫn thuê mướn thuyền chèo đi thu hái cà phê, nhổ mì, gọt đẽo vỏ bời lời… Song bị ngâm nước lâu ngày, phần lớn sản phẩm vớt vát được bị hư thối nên giá trị kinh tế không đáng là bao.

 

Theo thống kê chưa đầy đủ của UBND xã Diên Bình, toàn xã có 324 hộ gia đình bị thiệt hại. UBND xã cùng với BQLDATĐ 4, Ban di dân - tái định cư thủy điện Plei Krông (DDTĐCTĐ) đang chờ nước rút để lập hồ sơ bồi thường, đánh giá mức độ thiệt hại.

 

Tại biên bản cuộc họp ngày 13/11 giữa đại diện UBND xã Diên Bình với đại diện BDDTĐCTĐ, BQLDATĐ 4 bàn về việc thống nhất phương án xử lý phát sinh, có nêu rõ sẽ đền bù thiệt hại cho dân. Tuy nhiên, người dân vẫn băn khoăn, liệu số tiền đền bù có đủ để bù đắp cho những thiệt hại, khốn khó dân đang phải chịu.

 

Hơn nữa, giá như BQLDATĐ 4 sớm thông báo cho dân về khả năng ngập nước thì đã không có chuyện hàng trăm hộ dân khóc mếu như ngày hôm nay, nhà nước cũng đỡ một khoản lớn tiền đền bù.

 

Đó mới chỉ là câu chuyện ở xã Diên Bình. Nhiều xã, thị trấn khác của huyện Đăk Hà cũng bị nước dâng, thiệt hại còn lớn hơn nhiều...

 

Trần Văn Nhiên