1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Phú Yên:

Dân kêu trời vì phải đi cầu “dỏm” giá cao

(Dân trí) - Nhiều năm qua, dù cầu gỗ An Hải liên tục sập, gãy làm người, phương tiện rơi xuống đầm nhưng hàng ngày, người dân trong và ngoài huyện Tuy An (Phú Yên) vẫn phải đi qua cầu với mức phí “cắt cổ”.

Cầu gỗ An Hải bắc qua đầm Ô Loan, huyện Tuy An (Phú Yên) có chiều dài hơn 240m, rộng hơn 1,5m, được lắp đặt, chống đỡ tạm bợ bằng những cây gỗ tròn. Cầu nối hai xã An Ninh Đông và An Hải, đã được đưa vào sử dụng hơn 12 năm nay.
 
Dân kêu trời vì phải đi cầu “dỏm” giá cao - 1

Cầu gỗ cũ kỹ mục nát vẫn thu phí cao

 

Ngày 2/11/2011, nước lớn cộng với gió mạnh đã làm sập hơn 50m cầu gỗ An Hải; rất may không gây thương vong về người. Trước đó, vào ngày 10/5/2011, chiếc cầu này đột ngột gãy ba nhịp với tổng chiều dài hơn 13 m làm 12 người đang đi bộ và xe máy trên cầu rơi xuống đầm Ô Loan, 5 người đu bám được vào chân cầu, 7 người chới với giữa dòng được người dân cứu vớt sau gần một giờ ngâm mình dưới dòng nước lạnh.

 

Cây cầu xập xệ và nguy hiểm là thế nhưng hiện nay, mỗi lần qua cầu, người đi xe máy phải trả 8.000 đồng/người/2 lượt; đi bộ phải trả 2.000 đồng/người/lượt. Tiền phí được thu trực tiếp chứ không có phiếu thu. Vào dịp lễ, Tết, phí qua cầu còn tăng gấp nhiều lần.

 

Chị Lê Thị Thanh Hoàng, một hộ dân ở xã An Ninh Đông, cho biết: “Mỗi ngày tôi phải qua cầu đến 4 lượt, vị chi mất 16.000 đồng. Mặc dù tôi rất quen mặt nhưng người thu phí vẫn thu tất tần tật. Không chỉ riêng tôi mà rất nhiều người địa phương cũng phải chịu cảnh tương tự”. Nỗi bức xúc của người dân không phải không có cơ sở bởi cây cầu bị thu phí đã có 12 năm tuổi, là cầu gỗ liên tục gãy, sập chứ không phải cầu mới an toàn. Vì điều kiện cơ sở hạ tầng kém, người dân đành chấp nhận nguy hiểm mà đi qua, tại sao vẫn phải mất tiền phí?

 

Với mức thu phí như trên và mật độ qua lại cầu của người dân trong ngoài huyện Tuy An, có thể thấy khoản thu mỗi ngày không nhỏ. Số tiền này vào túi ai? Chính quyền địa phương có biết?
 
Dân kêu trời vì phải đi cầu “dỏm” giá cao - 2
Chiếc cầu bị sập vào ngày 10/5/2011

 

Trao đổi vấn đề này với chúng tôi, ông Huỳnh Ngọc Hân, Chủ tịch UBND xã An Hải, huyện Tuy An, cho biết: địa phương hợp đồng giao cho tư nhân thu phí cầu với thời hạn 12 năm (từ năm 1998-2010), nhưng đến năm 2009, mưa lũ phá hỏng gần như toàn bộ cầu. Để có kinh phí sửa chữa cầu, UBND xã đã tiếp tục thỏa thuận, tạo điều kiện cho tư nhân thu phí theo giá được duyệt. Ông Hân cho biết thêm, theo quy định của xã, người điều khiển mô tô thu với giá 3.000 đồng/lượt; xe đạp và người đi bộ thu 1.000 đồng/lượt, xã chỉ thu 1,2 triệu đồng/năm nộp ngân sách.

 

Được biết, vào ngày 22/12/2007, tỉnh Phú Yên đã cho khởi công xây dựng cầu bê tông An Hải (cách cầu gỗ khoảng 50 m) có chiều dài hơn 170m, rộng 9 mét, tổng kinh phí trên 30 tỷ đồng thay cho cầu gỗ tạm bợ bắc qua đầm Ô Loan. Theo kế hoạch, cầu sẽ hoàn thành sau 15 tháng, nhưng đến nay công trình mới đạt hơn 63% giá trị hợp đồng.

 

Một người dân ở xã An Hải bức xúc: “Qua 4 mùa mưa rồi, chúng tôi khắc khoải chờ cầu mới nhưng mãi vẫn chỉ thấy mấy cái trụ không đứng chơi vơi giữa trời. Mỗi ngày chúng tôi vẫn phải liều mình, bấm bụng đi qua chiếc cầu gỗ đã mục ruỗng này. Ai hiểu cho nỗi khổ của chúng tôi?”.

 

Văn Nhân