Quảng Trị:

Dân hoang mang vì sạt lở đất nghiêm trọng

(Dân trí) - Nhiều hộ dân sống ven sông Nhùng, thuộc thôn Xuân Lâm, xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng hết sức hoang mang khi đoạn bờ kè trước nhà đột nhiên bị sạt lở khá nghiêm trọng, cuốn đi nhiều m3 đất và đường dân sinh.

Người dân địa phương cho biết, tình trạng sạt lở trên xuất hiện vào trưa ngày 5/11 và tiếp tục kéo dài đến ngày 6/11, khiến đoạn đường dân sinh dài gần 100m bị đứt gãy, ăn sâu vào bên trong gần 15m. Rất nhiều m3 đất bị cuốn trôi tuột xuống sông.


Anh Nguyễn Tư ở thôn Xuân Lâm cho hay, những năm trước, tình trạng sạt lở đất chỉ xảy ra vào lúc có mưa lũ lớn. Tuy nhiên năm nay dù chưa xuất hiện mưa lũ nhưng đã xảy ra sạt lở đất khá nghiêm trọng khiến người dân vô cùng hoang mang, lo lắng.

Hiện tuyến giao thông liên thôn ở khu vực nói trên đã bị đứt đoạn. Sáu hộ dân sinh sống dọc bờ sông bị ảnh hưởng, trong đó có 3 hộ cần di dời khẩn cấp.

Điểm sạt lở chỉ cách nhà anh Tư khoảng 10m
Điểm sạt lở chỉ cách nhà anh Tư khoảng 10m
Tuyến đường dân sinh bị đứt gãy một đoạn dài gần 100m
Tuyến đường dân sinh bị đứt gãy một đoạn dài gần 100m

Theo ghi nhận, điểm sạt lở này chỉ cách nhà anh Nguyễn Tư khoảng 10m. Anh Tư cho biết, vào khoảng 11 giờ 30 phút ngày 5/11, khi cả nhà đang ăn cơm trưa thì bỗng nghe những tiếng ầm ầm rất lớn vang lên ngoài đường cạnh mép sông. Chỉ vài phút sau đó, toàn bộ phần đường, bờ đất cạnh mép sông và nhiều bụi tre, tràm và các cây trồng khác đã bị tuột xuống sông.

Rất nhiều cây cối bị trôi tuột xuống sông
Rất nhiều cây cối bị trôi tuột xuống sông

Được biết, Hải Lâm là xã nằm trên vùng bán sơn địa, đây cũng là địa bàn thường xuyên xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất, đe dọa cuộc sống của người dân.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Lâm, ông Hoàng Hoa Thám cho biết, ngay sau khi xảy ra sạt lở, cán bộ UBND xã Hải Lâm đã xuống kiểm tra tình hình thực tế và vận động người dân hướng di dời đi nơi khác; đồng thời xã đã báo cáo sự việc đến ngành chức năng nhằm tìm phương án xử lý.

“Từ những năm trước, do tính cấp thiết cần phải di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, thường xuyên chịu ảnh hưởng của lũ ống, lũ quét và sạt lở đất nên cấp trên đã phê duyệt và cho xây dựng khu tái định cư. Theo quy hoạch, sẽ bố trí cho khoảng 300 hộ dân trên địa bàn di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhưng hiện tại mới chỉ có khoảng 170 hộ di chuyển. Qua xem xét, nếu hộ dân nào đồng thuận di dời, xã sẽ hỗ trợ cấp đất và tạo thuận lợi để họ an tâm xây dựng cuộc sống” - ông Thám nói.

Đăng Đức