1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Nghệ An:

Dân hò nhau đào đường phản đối nhà máy gây ô nhiễm môi trường

(Dân trí) - Sau nhiều lần phản ánh lên cơ quan chức năng mà không được giải quyết, sáng ngày 24/12/2009, hàng chục hộ dân xóm Bình Minh, xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn đã mang cuốc, thuổng… ra đào đường, ngăn cản cơ sở chế biến tinh bột sắn Hải Hoà hoạt động.

Được biết, cơ sở chế biến tinh bột sắn của ông Nguyễn Trung Hải có công suất chế biến 7 tấn tinh bột sắn (tương đương với 28 tấn sắn nguyên liệu)/ngày. Ông Hải cho biết sắp xây dựng hệ thống Bioga để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do việc chế biến tinh bột sắn gây nên.
 
Dân hò nhau đào đường phản đối nhà máy gây ô nhiễm môi trường - 1
Người dân xóm Bình Minh bức xúc đã đào đường chặn không cho chuyển nguyên liệu vào nhá máy sắn mini của ông Hải
 
Môi trường ô nhiễm và đoạn trường 7 năm làm đơn kêu cứu

Trao đổi với PV Dân trí, hàng chục hộ dân xóm Bình Minh sống cạnh cơ sở chế biến sắn này bức xúc: “Từ khi cơ sở chế biến tinh bột sắn Hải Hoà đi vào hoạt động, vô tư xả chất thải các loại ra môi trường đã ảnh hưởng lớn đến đời sống của hàng trăm người dân nơi đây. 7 năm nay, chúng tôi làm đơn đi kêu cứu mà không thấy ai giải quyết cho. Đã nhiều lần nhường nhịn, không còn cách nào khác, sáng ngày 23/12/2009, bà con chúng tôi kéo nhau lên huyện yêu cầu giải quyết. Huyện đã hứa sẽ về giải quyết ngay trong buổi chiều nhưng đợi mãi không thấy đâu. Cực chẳng đã chúng tôi mới phải đào đường để buộc cơ sở chế biến Hải Hoà ngừng hoạt động”.

Bà Nguyễn Thị Tư bức xúc: “Xóm Bình Minh phải gọi là xóm “thối” mới đúng. Chất thải từ cơ sở chế biến tinh bột sắn được xả thẳng xuống khe Son (còn gọi là khe Đông Phú), thối còn hơn cả phân lợn, không chịu được. Nhiều bữa gia đình đang ăn cơm, cơ sở chế biến bột sắn của ông Hải xả chất thải thì chỉ có nước vứt bát mà đứng dậy”.

PV Dân trí có mặt tại xóm Bình Minh ngày 25/12/2009, thất kinh bởi không khí hôi thối nồng nặc nơi đây. Cách cơ sở khoảng 100m, mùi thối vẫn xộc thẳng vào óc. Anh Nguyễn Hải Nam cho hay: “Mùi thế này đã ăn thua gì. Đó là từ chiều 23/12, ông Hải đã mở cửa đập, xả nước xuống khe Son để rửa khe, tống các chất thải đi rồi đấy”.
Dân hò nhau đào đường phản đối nhà máy gây ô nhiễm môi trường - 2
Nước thải được xả thẳng xuống khe Son

Dọc theo khe Son cách nhà máy này hơn 300m, nước khe vẫn đen ngòm, mùi khăm khẳm bốc lên nồng nặc; váng nổi lềnh bềnh, lơ lửng dưới dòng nước đen đó có những cục màu trắng mà theo những người dân nơi đây là do chất thải từ nhà máy sắn thải ra. Tuyệt nhiên không thấy bóng dáng của bất cứ một loài thuỷ sản nào trong khe. Tràn Đông Phú trên dòng khe Son cách nhà máy gần 3km vẫn mang một màu đen, hai bên bờ tràn thành một thứ chất sánh, màu đen như dầu đang bám chặt.

Còn hàng chục hộ dân làng Đông Phú - cách cơ sở chế biến tinh bột sắn hơn 1km - cũng bức xúc không kém: “Nước thải từ cơ sở chế biến tinh bột sắn Hải Hoà tràn xuống tận đây, gây ô nhiễm cho nguồn nước tưới của hàng chục ha lúa, không canh tác được, trâu bò cũng không có nước để uống”.

Tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra ở đây đã hơn 7 năm nay. Mùi hôi thối bốc lên suốt ngày, hôm trời nắng thì còn khủng khiếp hơn. Đêm thì tiếng xe tải, tiếng máy lọc sắn, rửa sắn ầm ầm không ngủ được. Giếng nước của các hộ gia đình cũng nổi đầy váng không dám dùng trực tiếp để nấu cơm, đun nước. Kêu mãi không được, hơn 20 hộ dân đã trưng biển bán nhà để đi nơi khác sinh sống nhưng “ô nhiễm thế này có bán hạ giá cũng chẳng có ai đến hỏi mua”.

Ô nhiễm đến bao giờ?

Về vấn đề trên, ông Nguyễn Trung Hải - Chủ cơ sở chế biến sắn Hải Hoà - cho biết: “Cách đây vài năm nói cơ sở chúng tôi gây ô nhiễm còn có lý. Từ đầu năm đến nay, chất thải từ việc chế biến tinh bột đã được chứa trong 8 cái bể, sử dụng thuốc để xử lý. Và mất 35 ngày sau mới cho ra môi trường nên không có chuyện cơ sở sản xuất của chúng tôi gây ô nhiễm được”.

Khi được hỏi về những “vật thể lạ” trôi trên khe Son, ông Hải cho rằng đó là phân lợn. Nhưng khi chúng tôi vặn lại: “Xả trực tiếp chất thải chăn nuôi ra môi trường cũng gây ô nhiễm môi trường?”. Ông Hải trả lời ráo hoảnh: “Chính vì thế nên hôm qua chúng tôi đã bán hết gần 100 con lợn rồi”.
 
Dân hò nhau đào đường phản đối nhà máy gây ô nhiễm môi trường - 3

Theo thị sát của chúng tôi, 8 bể đựng nước thải trong cơ sở chế biến tinh bột sắn của ông Hải được đậy rất sơ sài bằng những tấm bạt, hoàn toàn không có nắp đậy bằng bê tông. Từ những bể chứa đó, mùi hôi thối bốc lên khiến chúng tôi buồn nôn. Ngay sau cơ sở chế biến, một ao chứa nước thải đã tháo cạn nước chỉ còn trơ đáy. Một lớp chất thải lắng lại, đã biến thành màu đen ngòm, mùi hôi thúi thì không thể tả xiết...

Khi biết tin người dân Bình Minh sẽ đào đường ngăn không cho cơ sở ông Hải chở nguyên liệu về sản xuất, Công an xã Nghĩa Lộc, công an huyện Nghĩa Đàn đã cử lực lượng có mặt tại địa phương giải quyết vụ việc.

Đại uý Nguyễn Đình Minh - công an huyện Nghĩa Đàn - yêu cầu ông Hải tạm ngừng sản xuất để đợi kết luận của các cơ quan chức năng nhưng ông Hải cho rằng Phòng CSMT tỉnh (PC36), Phòng Tài nguyên môi trường huyện cho phép tiếp tục sản xuất nên không đồng ý ngừng các hoạt động của cơ sở chế biến.

Tuy nhiên khi chúng tôi yêu cầu được xem các văn bản trên. Ông Hải chỉ xuất trình được thông báo của UBND huyện Nghĩa Đàn cho phép cơ sở của ông hoạt động từ ngày 12 - 22/12/2009 để cơ quan chức năng lấy mẫu phẩm phục vụ cho việc quan trắc, đánh giá tác động môi trường do cơ sở chế biến tinh bột sắn gây ra.
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Đức An - Trưởng Phòng Tài nguyên môi trường huyện Nghĩa Đàn cho biết: “Cơ sở chế biến tinh bột sắn Hải Hoà đã từng gây ô nhiễm môi trường và bị UBND huyện đình chỉ hoạt động vào tháng 4/2009. Nhưng sau đó, cơ sở này đã tiến hành sửa chữa, xây dựng thêm bể chứa nước thải, khắc phục tình trạng ô nhiễm nên lại được tiếp tục hoạt động. Tháng 11/2009, cơ sở chế biến tinh bột sắn này bước vào vụ sản xuất mới. Khi vừa sản xuất được vài ngày thì người dân ở xóm Bình Minh phản ánh tình trạng ô nhiễm do cơ sở này gây ra lên huyện. Huyện tiếp tục đình chỉ và mời CSMT về kiểm tra vào ngày 8/12. Tuy nhiên để kiểm tra cơ sở này có gây ô nhiễm hay không thì phải đợi kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng…”.

Ông An cũng cho biết thêm, nếu cơ sở sản xuất tinh bột sắn Hải Hoà gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thì Phòng Tài nguyên môi trường sẽ đề nghị tỉnh xử lý hoặc buộc cơ sở này phải chuyển đi nơi khác để đảm bảo môi trường sống cho nhân dân.
 
Dân hò nhau đào đường phản đối nhà máy gây ô nhiễm môi trường - 4
Dòng khe Son nước bị đen ngòm từ ngày nhà máy sắn mini này đóng trên địa bàn xóm Bình Minh
 
Dân hò nhau đào đường phản đối nhà máy gây ô nhiễm môi trường - 5
 
Dân hò nhau đào đường phản đối nhà máy gây ô nhiễm môi trường - 6
Dân hò nhau đào đường phản đối nhà máy gây ô nhiễm môi trường - 7
Một số nhà dân ở đây đã không chịu nổi cảnh ô nhiễm môi trường nên đã ráo bán nhà suốt mấy tháng nay nhưng cũng chẳng có ai dám ló mặt đến hỏi. Vì, họ cho rằng mua đất, nhà ở đây cũng khác nào rước "hỏa vào thân"...
 
Dân hò nhau đào đường phản đối nhà máy gây ô nhiễm môi trường - 8
Do nhà máy sắn mini gây ô nhiễm, gần 7 năm gửi đơn thư tới cơ quan chức năng vẫn không ăn thua gì. Người dân chỉ còn cách là đào đường như thế này để chặn lại mọi hoạt động của nhà máy này....
 
Dân hò nhau đào đường phản đối nhà máy gây ô nhiễm môi trường - 9
Ông Hải (ngồi) và lực lượng chức năng "xem" người dân đào đường.
 
Hồi tháng 4/2008, nhà máy sắn mini này cũng đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng:
 
Dân hò nhau đào đường phản đối nhà máy gây ô nhiễm môi trường - 10
Các bể chứa nước thải nổi trôi như thế này, mùi hôi thối bốc lên kinh hoàng....
 
Dân hò nhau đào đường phản đối nhà máy gây ô nhiễm môi trường - 11
Sau đó được thải ra một bể chứa đất tạm...
Dân hò nhau đào đường phản đối nhà máy gây ô nhiễm môi trường - 12
... rồi đổ thẳng ra khe Son.
 
  
Nhóm PV