1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quảng Nam:

Dân hiến đất làm cầu, mong không còn cảnh “liêu xiêu” qua sông

(Dân trí) - Đây là niềm mong ước của hàng trăm hộ dân đôi bờ sông Bà Rén ở thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam trong ngày khởi công cây cầu Tân Tây bắc qua sông Bà Rén vào ngày 31/3.

Là một trong những người hiến đất nông nghiệp để làm cầu và đường dẫn, ông Lê Văn Chín (trú thôn Xuyên Tây 2, thị trấn Nam Phước) nói, cả thôn rất phấn khởi vì còn vài tháng nữa, khi cây cầu hoàn thành, người dân sẽ không còn cảnh phải đi qua sông trên cây cầu phao lắt léo; mùa màng thu hoạch sẽ được vận chuyển về nhà an toàn hơn…

Làm đường dẫn để thi công cầu
Làm đường dẫn để thi công cầu

Ông Chín đã hiến 4 sào đất màu của mình để địa phương thi công cầu và đường dẫn. Dù đang là mùa vụ, bắp, đậu đang lên tươi tốt nhưng ông không tiếc của khi phải nhổ bỏ. Ông nói, việc chung quan trọng hơn, nhà có mất vài sào đất màu cũng không sao.

Còn bà Trương Thị Sáu năm nay đã 80 tuổi (trú thôn Mỹ Phước 2, thị trấn Nam Phước) dù sức khỏe không còn như trước nhưng cũng nhờ con cháu dắt ra xem cây cầu được khởi công.


Rất đông người dân địa phương háo hức mong chờ cây cầu mới.

Rất đông người dân địa phương háo hức mong chờ cây cầu mới.

Bà bảo, mình già rồi mỗi lần đi qua cầu phao phải nhờ người dẫn đi, nếu không sẽ bị lọt xuống sông. Nay nhìn thấy cây cầu được khởi công, bà vui lắm. Bà nói: “Mấy tháng nữa xong cầu, tôi sẽ đi qua một lần cho thõa mãn”.

Cây cầu phao bắc qua sông Bà Rén trước kia là nỗi ám ảnh của người dân. Mỗi khi đi qua là mỗi lần nơm nớp lo sợ rớt xuống sông. Nhất là những lúc vào mùa vụ, khi chở nông sản về nhà qua cầu không cẩn thận là lọt sông.

Cuối năm nay đôi bờ sông Bà Rén sẽ được nối thông
Cuối năm nay đôi bờ sông Bà Rén sẽ được nối thông

Cầu Tân Tây được Tổng cục Đường bộ đầu tư với tổng vốn hơn 12 tỉ đồng. Cầu rộng 3,5m, dài gần 200m, thời gian thi công 8 tháng.

Cây cầu phao này cũng là nỗi đau của người dân có người thân không may qua cầu bị chết vì lọt xuống sông. Ông Đặng Mân Thiệt (69 tuổi, trú thôn Xuyên Tây 2, thị trấn Nam Phước) buồn nhớ lại: “Tôi có đứa cháu kêu tôi bằng cậu, vài năm trước chở hàng qua cầu không may bị té chết. Cây cầu này cũng đã cướp đi nhiều mạng người ở địa phương rồi”.

Tháng 1/2015, Dân trí đã có bài viết “Hơn 10 năm “liêu xiêu” qua sông”. Sau khi bài báo được đăng tải, nhiều mạnh thường quân, nhà hảo tâm trong cả nước đã đến đây để khảo sát, hỗ trợ địa phương xây dựng cầu.

Ông Văn Bá Thanh - Chủ tịch thị trấn Nam Phước - nhớ lại: “Lúc đó, địa phương tiếp nhiều đoàn từ thiện và mạnh thường quân trong cả nước đến tìm hiểu để hỗ trợ xây cầu sau khi Báo Dân trí đăng bài viết; tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau, nguồn vốn của cây cầu được Tổng Cục đường bộ rót về nên việc xây cầu được tiến hành nhanh chóng và thuận lợi”.

Người dân và lãnh đạo địa phương háo hức với cây cầu mới

Theo lãnh đạo thị trấn Nam Phước, để làm cây cầu này, người dân đã tự nguyện hiến tổng cộng hơn 1,5 ha mất màu, còn hoa màu đang trồng sẽ được hỗ trợ để phá bỏ cho công việc làm cầu và đường dẫn được thuận lợi.

Trong ngày khởi công, rất nhiều người dân hai bên bờ sông Bà Rén đã đến chứng kiến. Người dân cho biết, tuy quy mô cây cầu không lớn nhưng rất có ý nghĩa đối với họ. Cầu không những phục vụ người dân thị trấn Nam Phước (huyện Duy Xuyên) mà còn phục vụ người dân một số xã của huyện Quế Sơn. Dự kiến, cuối năm âm lịch này cầu sẽ hoàn thành và sẽ không còn cảnh “liêu xiêu” qua sông nữa.

Công Bính