1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Tĩnh:

Dân gửi đơn tố dự án đền bù giải phóng mặt bằng nhiều khuất tất

Dương Nguyên

(Dân trí) - Cho rằng công tác kiểm kê, đền bù có nhiều khuất tất, hàng chục hộ dân thôn Kim Cương 2 (xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) chưa bàn giao mặt bằng cho dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 8A.

Không niêm yết giá đền bù công khai?

Thời gian qua, nhiều hộ dân tại thôn Kim Cương 2, xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) gửi đơn đến các cơ quan chức năng phản ánh có nhiều bất thường trong quá trình kiểm đếm, giải phóng mặt bằng (GPMB) phục vụ Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 8A.

Theo đó, tại thôn Kim Cương 2 có 85 hộ bị ảnh hưởng khi dự án triển khai và được đền bù, chủ yếu là tài sản trên đất. Cuối năm 2021, 84 hộ dân đã đến ký nhận tiền sau khi có thông báo.

Dân gửi đơn tố dự án đền bù giải phóng mặt bằng nhiều khuất tất - 1

Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 8A đi qua thôn Kim Cương 2, xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn (Ảnh: Dương Nguyên).

Nhưng đến nay, nhiều hộ dân lại chưa bàn giao mặt bằng cho dự án triển khai. Bởi, họ cho rằng công tác GPMB chưa thực hiện đúng quy định khi không niêm yết giá đền bù công khai ngay từ đầu.

Đáng nói, nhiều hộ có 2-3 lần nhận tiền đền bù. Thậm chí, đợt 2 cao hơn đợt 1 nhưng người dân vẫn chưa bàn giao mặt bằng cho nhà thầu.

Trong số này có gia đình bà Nguyễn Thị Sửu (SN 1973) khi đất có bìa đỏ, cây cối, giếng, đường ống nước bị ảnh hưởng nhiều. Trong đợt 1, bà được nhận 53 triệu đồng. Gia đình bà cho rằng giá đền bù này thấp hơn, không đúng với giá thực tế.

"Sau khi tôi thắc mắc, họ xuống tại nhà nói sẽ được nhận thêm 13 triệu đồng. Vì thế, gia đình tôi chưa bàn giao mặt bằng. Chúng tôi không phải phản ánh để được đền bù thêm tiền mà muốn họ làm công khai, minh bạch và chuẩn xác", bà Sửu nói.

Đối diện nhà bà Sửu, hộ ông Nguyễn Xuân Dương cũng bức xúc và chưa bàn giao mặt bằng. Theo ông Dương, đợt 1 gia đình ông được đền bù 6 triệu đồng, đợt 2 tăng thêm hơn 16 triệu đồng.

"Nhà tôi có 44m bê tông và đường ống. Nếu tính thời điểm ban đầu, 1m chưa đến 100.000 đồng. Sau khi phản ánh, họ đến đền bù thêm nhưng tôi chưa đồng ý", ông Dương nói.

Dân gửi đơn tố dự án đền bù giải phóng mặt bằng nhiều khuất tất - 2

Nhiều hộ dân chưa bàn giao mặt bằng cho dự án vì cho rằng có nhiều khuất tất (Ảnh: Dương Nguyên).

Cũng như nhiều hộ khác, ông Trần Hồng Thuận (SN 1960) cho rằng nếu cơ quan chức năng niêm yết giá công khai từ đầu cho dân biết để kiểm tra thì đã không xảy ra những vấn đề như trên.

Ngoài ra, người dân còn tố quá trình thẩm định, kiểm kê, Hội đồng GPMB đã làm không kỹ càng khi giếng giả, cây giả được đền bù thật; cọc bê tông, hàng rào mượn về được chi trả tiền đền bù cao hơn; có hộ cột đèn chiếu sáng bằng tre dài 3m nhưng lại được đền bù thành giá cột sắt 1,5 triệu đồng;...

Ông Nguyễn Hữu Thọ, Trưởng thôn Kim Cương 2 (xã Sơn Kim 1) cho biết, hội đồng GPMB đã không niêm yết công khai phương án bồi thường, hỗ trợ tại trụ sở UBND cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư.

"Tôi là trưởng thôn cũng không nhận được biên bản áp giá bồi thường cho từng hộ để theo dõi, kiểm tra. Đến khi dân phản ánh, họ về kiểm tra lại mới thấy thiếu sót", ông Thọ nói.

Trước những sự việc trên, người dân mong muốn Hội đồng GPMB huyện Hương Sơn kiểm đếm lại tài sản và cơ quan chức năng cần vào cuộc để làm rõ những vấn đề liên quan.

Huyện thành lập đoàn thanh tra

Trao đổi với phóng viên Dân trí vào sáng 25/11, ông Bùi Nhân Sâm, Bí thư Huyện ủy Hương Sơn cho biết, đã nhận được đơn phản ánh của người dân về những vấn đề trên và giao cho UBND huyện xử lý. "UBND huyện đã thành lập đoàn thanh tra và sẽ có kết luận xử lý", ông Sâm nói.

Dân gửi đơn tố dự án đền bù giải phóng mặt bằng nhiều khuất tất - 3

Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 8A, đoạn qua xã Sơn Kim 1 dang dở vì nhiều hộ dân chưa bàn giao mặt bằng (Ảnh: Dương Nguyên).

Liên quan vấn đề này, ông Hoàng Văn Thư, Chủ tịch UBND xã Sơn Kim 1, cũng cho biết người dân có phản ánh sự việc đến các cơ quan có thẩm quyền của huyện, tỉnh và Trung ương. "Nội dung này xã đã nhận được. Huyện cũng có thành lập đoàn về xã kiểm tra, xác minh, xử lý. UBND đã phối hợp và trao đổi rồi", ông Thư nói.

Ông Thư nói rằng người dân viết đơn như vậy nhưng có những nội dung không có thông tin, chứng cứ.

"Vì thế, việc đó như thế nào thì đoàn công tác của huyện sẽ làm. Liên quan đến công tác bồi thường GPMB, hồ sơ, tài liệu nằm ở hội đồng cả. Xã chỉ phối hợp thực hiện", Chủ tịch xã Sơn Kim 1 nói thêm.

Quốc lộ 8A có chiều dài hơn 85km, nối từ quốc lộ 1A tại ngã ba Bãi Vọt, thị xã Hồng Lĩnh, đi qua huyện Ðức Thọ, huyện Hương Sơn tới Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo và sang nước bạn Lào.

Năm 1999, tuyến đường được phê duyệt dự án nâng cấp, mở rộng. Thời điểm đó, Bộ Giao thông vận tải từng bầu chọn đây là một trong những con đường đẹp nhất Việt Nam. Tuy nhiên, sau 10 năm khai thác, với mật độ xe tải trọng lớn lưu thông dày đặc và hứng chịu tác động của thiên tai, lũ lụt, tuyến đường này đã xuống cấp.

Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp quốc lộ 8A, đoạn Km37 - Km85+300 (từ thị trấn Phố Châu đến Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, huyện Hương Sơn) được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt tháng 10/2010.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.660 tỷ đồng, từ ngân sách nhà nước. Chủ đầu tư là Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Dự án được khởi công từ năm 2014 đến nay với 11 gói thầu xây lắp.

Hiện, đoạn đi qua thị trấn Phố Châu, xã Quang Diệm và xã Sơn Tây đã hoàn thành, đưa vào sử dụng; còn từ Km52+3,4 - Km84+863,38 đi qua thị trấn Tây Sơn và xã Sơn Kim 1 đang thi công.