Dân góp đồ làm bảo tàng đồ cổ "độc nhất vô nhị" ở Hà Nội

Phương Nga

(Dân trí) - Sau hai năm xây dựng, nhà truyền thống xã Yên Mỹ (Thanh Trì - Hà Nội) trở thành nơi lưu giữ hàng trăm hiện vật cổ, do người dân trong làng tự nguyện quyên góp.

Hơn 300 hiện vật đều do dân làng góp

Bảo tàng được xây dựng vào đầu năm 2019, từ ý tưởng của cựu Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Viết Hùng, cũng là người con của làng Yên Mỹ.

Theo bà Trần Thị Huệ (68 tuổi), người tự nguyện trông giữ bảo tàng làng, thời gian đầu việc tập hợp đồ cổ gặp nhiều khó khăn. Lãnh đạo xã phải đến từng nhà kêu gọi, phát qua loa đài của làng để người dân biết tin. May mắn, dân làng đã ủng hộ, hồ hởi mang hiện vật đến nhà truyền thống quyên góp.

Được biết, trước đây nhà văn hóa của xã cỏ mọc nhiều, ít người qua lại. Nhưng hai năm nay, đây lại trở thành nơi được người dân trong làng đến thăm thường xuyên, từ các cụ già đến cháu nhỏ.

Dân góp đồ làm bảo tàng đồ cổ độc nhất vô nhị ở Hà Nội - 1

"Ngày nào cũng có người trong làng đến thăm, khi lại có các bé mầm non, tiểu học đi theo cô giáo để tìm hiểu về các hiện vật. Tôi ở đây trông nom cũng thấy vui, lúc nào có người đến là tôi giới thiệu, chia sẻ", bà Huệ niềm nở.

Hiện, bảo tàng làng lưu giữ hơn 300 kỷ vật cổ, nhiều hiện vật có thời gian trên 100 năm. Tại đây, dễ dàng bắt gặp những đồ dùng quen thuộc trong đời sống sinh hoạt, lao động hàng ngày: quang gánh, cối đá, kẻng, máy khâu, bát, giáo, mác…

Ngoài ra, bảo tàng còn là nơi giữ gìn đồ dùng của hai người anh hùng là Liệt sĩ Trần Văn Đức và Liệt sĩ Nguyễn Minh Tân, tất cả nhằm gợi nhớ về thời chiến đấu hào hùng của dân làng Yên Mỹ.

Có diện tích 150m2, nhà truyền thống mang lại nhiều tư liệu, hiện vật cổ, có giá trị về mặt thời gian. Không chỉ là nơi phản ánh vẻ đẹp, văn hóa truyền thống của quê hương, trên hết đây là nơi tạo nét riêng của xã đi đầu trong mô hình bảo tàng làng huyện Thanh Trì.

Chia sẻ về đồ vật ấn tượng, bà Trần Thị Huệ chỉ ra chiếc cối đá trên bục cao. "Ngày xưa làng thường xay ngô làm bánh. Tôi nhớ đi làm ruộng về 11 -12h trưa mới bắt đầu đi xay ngô, cả làng có 2 - 3 cái cối. Xay vừa nặng, vừa mệt, tôi đã gần 70 tuổi giờ nhìn lại cối đá thấy bao nhiêu kỷ niệm."

Chung tay xây dựng nhà bảo tàng, gia đình bà Huệ cũng góp chung với làng chiếc liễn hơn trăm tuổi, mà hàng ngày bà vẫn dùng để muối dưa, muối cà.

Dân góp đồ làm bảo tàng đồ cổ độc nhất vô nhị ở Hà Nội - 2

Tivi đen trắng và chiếc liễn nhỏ của bà Trần Thị Huệ đem góp tại bảo tàng làng.

Phần lớn, các hiện vật được lưu giữ vẫn có giá trị sử dụng, nhưng người dân đều tự nguyện mang đến để đóng góp.

Bà Huệ cho hay: "Chiếc chum sành còn nguyên núm, nắp đậy này ngày trước được dùng đựng gạo, gia đình ông Dạng (xóm 9) đem đến góp. Có người mang 5 triệu đồng đến mua nhưng ông ấy không bán."

Bà Huệ cho biết thêm, chiếc xe Thống Nhất của cựu Chủ tịch UB hành chính xã Yên Mỹ - Nguyễn Văn Năm do Nhà nước bán phân phối thời kỳ 1957 -1960. Chiếc xe vẫn nguyên vẹn, có thể sử dụng, được gia đình đồng thuận góp đến bảo tàng.

Dân góp đồ làm bảo tàng đồ cổ độc nhất vô nhị ở Hà Nội - 3

Chiếc chum sức vẫn được hộ gia đình sử dụng hàng ngày.

Ý nghĩa mang giá trị nhân văn

Mở cửa hàng ngày theo giờ hành chính, nhà truyền thống của làng lúc nào cũng chào đón người dân đến tham quan. Được bà Trần Thị Huệ nhiệt tình trông nom, quét dọn thường xuyên nên bảo tàng làng luôn sạch sẽ, đồ vật sắp xếp gọn gàng.

Đến thăm bảo tàng, nhiều hiện vật giờ chỉ có trong ký ức giờ lại hiện diện trực tiếp để được cầm, nắm và cảm nhận.

"Từ ý tưởng xây dựng của cựu Phó Chủ tịch đến việc tôi tự nguyện trông nom là mong có thể níu giữ giá trị truyền thống, giúp đời sau biết, hiểu, nhớ. Tôi hy vọng việc làm này, khơi dậy được niềm tự hào về làng Yên Mỹ trọng nghĩa tình, quá khứ", Bà Huệ nói.

Dân góp đồ làm bảo tàng đồ cổ độc nhất vô nhị ở Hà Nội - 4
Người dân hàng ngày vẫn ghé thăm nhà truyền thống để gợi nhớ văn hóa truyền thống.

Được biết, hàng năm bảo tàng làng sẽ mở cửa tổ chức kỷ niệm thành lập từ ngày 19 đến hết ngày 24 tháng 1. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh Covid-19, xã đã không tổ chức để đảm bảo an toàn cho dân làng.

Hàng ngày, ngoài dọn dẹp, trông nom nhà truyền thống, bà Huệ vẫn tiếp nhận thêm những hiện vật do dân làng mang tới. Có khi, bà làm thuần thục công việc của một hướng dẫn viên để giới thiệu, chỉ dẫn cho khách đến tham quan.

Mỗi lượt học sinh, du khách đến thăm bà Huệ đều nhớ mặt, nhớ tên từng kỷ vật có trong nhà truyền thống. Bà hăng say, tâm huyết giới thiệu xuất xứ, đặc điểm, cách sử dụng của mỗi loại.

Dân góp đồ làm bảo tàng đồ cổ độc nhất vô nhị ở Hà Nội - 5

Sau hai năm xây dựng, nhà truyền thống xã Yên Mỹ (Thanh Trì - Hà Nội) trở thành nơi lưu giữ hàng trăm hiện vật cổ, do người dân trong làng quyên góp.

Dân góp đồ làm bảo tàng đồ cổ độc nhất vô nhị ở Hà Nội - 6
Các hiện vật tái hiện đời sống sinh hoạt, lao động của người Yên Mỹ xưa.

Gói gọn trong không gian hơn 100m2 nhưng các hiện vật có trong nhà truyền thống đều tái hiện rõ nét, đậm chất quá trình hình thành và phát triển của xã Yên Mỹ. Người dân trong làng đã biến ngôi nhà toàn cỏ dại thành bảo tàng lưu giữ, trưng bày hiện vật độc đáo, "độc nhất vô nhị".

Sau hai năm, ngôi nhà truyền thống vẫn được duy trì và tăng số lượng hiện vật. Tất cả đều do bàn tay của người dân mong muốn, hy vọng được góp phần xây dựng, phát huy giá trị nhân văn. Bảo tàng thu nhỏ sẽ là nơi mang hồn cốt của dân làng Yên Mỹ và là niềm tự hào của thế hệ mai sau.