1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đắk Nông:

Dân di cư tự do và cuộc sống ở "miền đất hứa nhiều không"

(Dân trí) - Rời quê tìm đến “miền đất hứa” theo lời rủ rê của những người đi trước, hàng trăm hộ dân di cư tự do tại Đắk Nông đang sống trong cảnh thiếu thốn đủ bề.

Sống nhờ ở đậu

Chỉ mới tháng 3, những cơn mưa đã làm con đường đất dẫn vào cánh rừng thuộc tiểu khu 1691 (xã Quảng Thành, thị xã Gia Nghĩa) lầy lội, trơn trượt.

Theo chân một cán bộ ban lâm nghiệp xã Quảng Thành, chúng tôi vào sâu bên trong cánh rừng nằm giáp ranh với hai xã Đắk Ha (huyện Đắk G’Long) và Trường Xuân (xã Đắk Song) - nơi đang có gần 2.000 nhân khẩu cư trú. Toàn bộ số nhân khẩu này đều là dân di cư tự do (DCTD) từ phía Bắc hoặc các tỉnh miền Tây lên đây, đa phần trong số đó là đồng bào Mông, Dao và Khmer.

Những mái nhà “bất hợp pháp” mọc lên trên đất lâm nghiệp tại xã Quảng Thành
Những mái nhà “bất hợp pháp” mọc lên trên đất lâm nghiệp tại xã Quảng Thành

Ông Phạm Minh Hồng, Phó trưởng Công an xã Quảng Thành cho hay: “Năm vừa rồi, xã Quảng Thành được giao quản lý và bảo vệ thêm 40 ha rừng nên ngày nào anh em cũng phải ở đây. Rất nhiều hộ dân thuộc diện di cư tự do đang có ý định phá rừng, lấn chiếm đất để dựng nhà và sản xuất”.

Nằm xen lẫn giữa những quả đồi, những đám rẫy trồng cây công nghiệp là bản người Mông thôn Nghĩa Lợi. Ông Sùng A Tú (54 tuổi, trưởng bản) cho biết, toàn bộ bản có khoảng 200 hộ và hầu hết là dân DCTD.

Rừng mất và đất trồng cây công nghiệp cứ mở rộng về phía những cánh rừng
Rừng mất và đất trồng cây công nghiệp cứ mở rộng về phía những cánh rừng

Là người đến đây sinh sống sớm nhất, ông Tú kể: “Ngày trước, một vài người đến đây khai phá vùng sình lầy để trồng lúa, thế rồi đông dần, đất cứ mở rộng ra về phía cánh rừng, thay vào đó là những căn nhà, đám rẫy. Nhưng tất cả đều là dân cư trú bất hợp pháp trên đất lâm nghiệp”.

Khoảng hai chục năm trước, cũng chỉ có một vài hộ dân vào sinh sống dọc con suối phèn (xã Quảng Hòa, huyện Đắk G’Long). Chỉ mấy năm sau, số hộ tại khu vực này đã lên đến gần 100 hộ. Tất cả là đồng bào Mông, “đổ bộ” khu vực rừng do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn quản lý và cư trú bất hợp pháp từ đó đến nay.

Theo một số người dân đang sinh sống ở mảnh đất này, ngày ở quê cả làng gặp phải lũ quét, cuốn trôi tất cả nhà cửa, ruộng vườn. Trong cảnh màn trời chiếu đất, lại nghe nói ở Tây Nguyên đất rộng, người thưa nên họ kéo nhau vào đây để kiếm kế sinh nhai.

Ông Nguyễn Bá Thủy, Chủ tịch UBND xã Quảng Hòa cho biết, những năm trước, tình hình dân di cư tự do di chuyển vào xã Quảng Hòa diễn biến hết sức phức tạp. Họ kéo nườm nượp vào những khu vực rừng nguyên sinh. Mặc dù đã thuyết phục, ngăn chặn, nhưng họ vẫn lén lút vào nên số lượng dân di cư tự do đến địa bàn xã là rất nhiều.

Ông Sùng A Tú (áo trắng) chia sẻ với PV về cuộc sống của người DCTD
Ông Sùng A Tú (áo trắng) chia sẻ với PV về cuộc sống của người DCTD

“Riêng cụm Suối Phèn, đầu năm 2000, tại vùng lõm khu vực rừng phòng hộ này chỉ có trên 5 - 7 hộ dân vào phá rừng làm rẫy. Thế nhưng, chỉ trong một thời gian ngắn đã thấy hàng trăm hộ dân khác kéo đến dựng lán trại, sống “nhờ” trên đất rừng. Thực tế đã 18 năm qua, điểm dân cư này chưa có tên trên bản đồ hành chính của xã”, Chủ tịch xã Quảng Hòa thông tin thêm.

Việc người dân DCTD, kéo đến ồ ạt và cư trú bất hợp pháp trong rừng, trên đất lâm nghiệp khiến việc quản lý gặp nhiều khó khăn. “Tuy là sống “nhờ”, nhưng xã phải thường xuyên chỉ đạo công an vào địa bàn để nắm số dân di cư tự do để có biện pháp quản lý”, ông Phạm Công Chiến, Chủ tịch UBND xã Quảng Thành cho hay.

Miền đất hứa… “nhiều không”

Dân DCTD đến Đắk Nông đa dạng về thành phần dân tộc nhưng chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số phía Bắc, trong đó nhiều nhất là người Mông. Các hộ DCTD thường sống theo các nhóm hộ, cùng dân tộc đến định cư tại các vùng riêng lẻ trong rừng, trong các thung lũng, dọc các khe suối… và ít giao lưu với bên ngoài.

“Thói quen của họ là thấy chỗ nào đất đai màu mỡ, trồng trọt thuận lợi là họ rủ nhau đến lập bản, lập làng. Mặc dù những cụm dân cư này vẫn chưa có điện, không sóng, người lớn không có chứng minh thư, trẻ em không có giấy khai sinh … thế nhưng đối với họ, điều đó không quan trọng, bởi họ có thể sống bằng rừng”, cán bộ lâm nghiệp xã Quảng Thành kể thêm trong lúc tìm đường vào nhà Sùng Thị Dậu, một thiếu phụ 20 tuổi, mới chuyển từ Đắk Lắk sang.

Dân di cư tự do và cuộc sống ở "miền đất hứa nhiều không" - 4
Cuộc sống không điện, không đường, không phúc lợi xã hội, không đất sản xuất...
Cuộc sống không điện, không đường, không phúc lợi xã hội, không đất sản xuất...

Dậu ngồi một góc cho đứa con ăn xong rồi quay sang bảo: “Mình mới sinh con bé thứ 2 này được ba tháng. Sinh mổ. Thế nhưng không có hộ khẩu, không có chứng minh, không bảo hiểm nên nằm viện hết gần 20 triệu đồng, chồng phải ra xã làm thuê kiếm tiền trả nợ rồi”.

Chia sẻ thêm về cuộc sống tại khu vực Suối Phèn, ông Giàng A Páo (62 tuổi) cho biết: “Nếu so với ngoài quê thì đất đai, khí hậu ở đây tốt hơn. Chúng tôi rủ nhau vào đây khai phá đất rừng làm nương rẫy. Bây giờ, tất đều có đất canh tác, trồng cà phê, trồng mì, trồng lúa…”.

Người dân di cư tự do phần lớn là lén lút và khó kiểm soát
Người dân di cư tự do phần lớn là lén lút và khó kiểm soát

Tại xã Đắk Ngo, một điểm nóng khác của DCTD ở Đắk Nông, anh Tráng A Dơ (trưởng bản Đoàn Kết) cho biết, hiện bản có khoảng 100 chục hộ theo diện di cư tự do, phải sống nhờ, ở tạm trong các lán trại của người dân.

Gia đình Thào A Phía (67 tuổi, trú bản Đoàn Kết), một trong những hộ DCTD sinh sống tại đây cho biết: “Thấy anh em vào đây làm ăn được, gia đình tôi cũng dẫn nhau vào đây. Thế nhưng, cũng giống như gia đình tôi, nhiều gia đình khác không mua được đất, không phá được rừng nên 15 người phải sống trong căn nhà rộng chưa đầy 30m2 này”.

Cuộc sống thiếu thốn đủ bề nên họ lại rời đi nơi khác, tiếp tục cuộc sống nay đây mai đó
Cuộc sống thiếu thốn đủ bề nên họ lại rời đi nơi khác, tiếp tục cuộc sống nay đây mai đó

Tuy nhiên, không phải ai cũng chịu được sự thiếu thốn ở những nơi nằm sâu trong rừng này. Ông Phía cho biết thêm, trước đây, bà con chủ yếu đi làm thuê khuân vác, kéo gỗ cho người khác, rồi phát rừng làm rẫy và đi săn bắt động vật. Cuộc sống bà con hết sức khó khăn, ở được một vài năm, có người lại chuyển đi nơi khác sống và … lại phá rừng làm nhà.

Điều này cũng được chủ tịch UBND xã Đắk Ngo Nguyễn Huy Công xác nhận. Ông Công cho biết thêm: “Hàng năm, dân DTCD thường xuyên đến đây sinh sống, làm thuê. Nhưng vì không có đất sản xuất, lại không được bố trí đất ở, con cái đứa thì đi học nhờ, đứa thì bỏ học nên họ lại rời đi nơi khác, tiếp tục cuộc sống nay đây mai đó”.

Dương Phong