1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Dân chung cư “chạy” lụt và ngủ nghiêng!

“Ở đây một tháng phải lo “chạy” lụt hết 26-27 ngày rồi anh ơi, ai cũng lo chống ngập nên riết rồi chẳng làm ăn gì được. Sống ở thành phố mà tưởng như giữa vùng lũ miền Tây” - một cư dân ở cư xá Thanh Đa (TPHCM) than thở…

Xây tường “chạy” lụt!

 

Một buổi sáng giữa tháng 11/2006, chúng tôi đến lô B cư xá Thanh Đa (phường 27, Q.Bình Thạnh, TPHCM) mà cứ tưởng như đang trên đường về miền Tây mùa nước lũ. “Bữa nay mấy chú hên đó, vì là ngày nước kiệt, chứ hôm triều cường hổng có xe nào vô nổi đâu” - anh Phan Nhân, một cư dân trong cư xá, cho biết như vậy.

 

Tranh thủ những lúc khô ráo, bà con lo mua ximăng, gạch đá về nâng nền, xây đê bao trước cửa nhà. Ngay trước hiên nhà anh Nhân, một bậc thềm cao chừng 0,5 m đã được xây, cao hơn mặt đường. Vậy mà anh Nhân còn lo, cho xây một bức vách bằng ximăng cao lên thêm năm tấc nữa, giống như tấm đan chặn ngang cửa để nước bên ngoài không thể tràn vô.

 

Bước qua “bức tường thành” rồi lại có thêm một bức tường nữa cao chừng ba tấc “để nước có vô tới hiên thì cũng chưa tới trong nhà” như lời anh Nhân nói. Đã vậy, từ phòng khách qua phòng ngủ lại có thêm một vách ngăn “để phòng ngừa nước chảy vô phòng ngủ”. Cứ mỗi phòng, cửa nào cũng được anh bố trí một vách ngăn chống ngập, kể cả toilet cũng xây vách ngăn cao ba tấc cách ly với các phòng ngủ!

 

 

Dân chung cư “chạy” lụt và ngủ nghiêng!   - 1
 

Dân chung cư ngăn "đê" chống lụt.

 

 

Đối diện nhà anh Nhân, chị Nguyễn Thụy Tuyết Nga cũng đang loay hoay kêu thợ đổ cát, lót gạch nâng nền cao lên thêm ba tấc nữa so với nền nhà cũ. Chị nói: “Tôi nâng lần này nữa là ba lần rồi. Lần nào cũng ở được vài tháng thì nước ngập cao hơn, phải nâng “chạy” ngập. Nâng nền lần sau cao hơn lần trước, nhưng nước lúc nào cũng đuổi theo rất nhanh. Nâng riết chắc đụng tới nóc nhà thôi”. Một vòng sang lô A, D, F đâu đâu cũng thấy bà con đua nhau nâng nền chống ngập.

 

Đó là cuộc sống cực nhọc trong những tòa nhà cũ nát. Tại TPHCM, nhiều người sống trên cao phải đổi tư thế ngủ theo... độ nghiêng của tòa nhà. Ở Hà Nội, cuộc sống trong chung cư là sống chen chúc trong những “hộp quẹt”, “lỗ mũi”. Tại Đà Nẵng, sống ở chung cư mà ngày đêm lo lắng vì nứt... Những nỗi niềm mà chỉ những người sống ở chung cư mới hiểu.

Người dân khu chung cư này vẫn còn nhớ chuyện đau lòng xảy ra hồi tháng sáu năm nay. Một anh công nhân làm nghề bơm nước dịch vụ, trong lúc sửa máy bơm nước chống ngập cho một hộ dân ở lô F đã bị điện rò rỉ giật chết ngay tại chỗ.

 

Chưa hết, sống giữa phố mà có người chết đuối. Đó là chuyện xảy ra ở căn hộ lô C, một bà mẹ trẻ đang lui cui tát nước ra, mải lo nước lụt, chị không để ý đứa con 9 tháng tuổi đang mon men ra bậc thềm. Cháu bò ra đó rồi té ùm xuống hồi nào không biết. Tới khi chị phát hiện ra thì cháu bé đã chết!

 

Ngủ... nghiêng!

 

Tại hai lô IV và VI của cư xá Thanh Đa, người dân ở đây dường như đã quá quen với nếp sinh hoạt với những độ nghiêng, nghiêng đến mức nói như anh Lê Thành Minh - một cư dân ở đây: “Trông chúng có vẻ như chụm đầu vào nhau”.

 

Quả thật, đứng dưới đất nhìn lên, hai dãy nhà song song của mỗi lô vươn thẳng lên trời cao, phần chân hai dãy nhà cách nhau khoảng 3 m, nhưng phần “ngọn” của nó ở tầng cao nhất bị nghiêng thành hình cái thang, giống như hai người khổng lồ đứng đấu lưng trong tư thế ngã ngửa.

 

Chúng tôi lội bộ lên lầu, càng lên cao độ nghiêng càng rõ rệt. Tới tầng cao nhất thì tấm sàn dưới chân có vẻ đổ dốc về phía sau, đi lại trên sàn mà có cảm giác như người mình cũng bị nghiêng theo. Anh Minh cười nói: “Mấy anh mới đi lần đầu nên có cảm giác lạ chứ tụi tôi ở đây riết quen rồi. Đồ đạc cũng phải kê chỉnh hoặc cưa chân cho thăng bằng. Đặc biệt là máy giặt nếu không cân chỉnh chính xác, máy sẽ bị nghiêng và rung lắc ầm ĩ không chịu nổi”.

 

Từ cửa sổ ban công nhà anh Minh có thể với tay sang nhà đối diện. “Mấy đứa nhỏ còn có thể chuyền sách cho nhau đọc” - anh Minh nói.

 

Để “lấy lại thăng bằng” cho mỗi căn hộ, tùy theo ý thích, chủ hộ sẽ nâng nền phía trong lên cho bằng phẳng với bên ngoài. Và câu chuyện “ngủ nghiêng” đã trở thành chuyện vui của khu cư xá. Bữa nọ, một gia đình trong khu có bốn người bà con ở quê lên. Tối đến chủ nhà bố trí khách ngủ dưới nền gạch. Không biết khách ngủ lăn lộn thế nào mà sáng ra, cả bốn đều nằm đổ dồn về một góc giống như “nước chảy về chỗ trũng”.

 

Hóa ra chủ nhà không thông báo trước nên khách không hiểu. Lẽ ra phải nằm quay đầu ra trước, chân đưa về phía sau nhà, xuôi theo “dốc” mới không bị lăn. Anh Minh cho biết do nương theo thế nhà nghiêng nên hầu hết các hộ dân đều thay đổi hướng nằm ngủ, trước đây thay vì quay đầu vào trong thì nay phải quay đầu ra ngoài!

 

Nói về lý do nhà nghiêng, bác Sáu Lành, một cán bộ hưu trí đã sống hơn 20 năm ở đây, cho biết khu nhà này được xây dựng từ năm 1973. Sau năm 1975, do thiếu nước sinh hoạt nên mỗi hộ dân đều tự xây hồ dự trữ nước phía sau nhà.

 

Do nhà nào cũng xây hồ chứa nước nên sức nặng dồn về một bên, lại thêm nền đất yếu nên lâu dần tòa nhà bị nghiêng về một phía. Những năm gần đây, do nguồn nước được cung cấp đầy đủ nên cư dân không còn chứa, các hồ cũng đã được tháo dỡ nên tòa nhà không còn chịu sức nặng nào đè lên. Nó cũng đã ngừng nghiêng từ năm năm trở lại đây.

 

Dù nhà nghiêng nhưng hầu hết cư dân nơi đây đều cho rằng ở vẫn còn tốt hơn so với những chung cư mới xây trong thời gian gần đây. Bởi vì khung nhà vẫn còn chắc chắn, chưa thấy dấu hiệu gì nứt bể hoặc thấm dột. Mặt khác, không gian xung quanh có nhiều hàng cây xanh thoáng mát, công viên yên tĩnh đã tạo cho người dân một tâm lý ổn định mà tạm quên chuyện nước lụt, nhà nghiêng...

 

“Nghiêng nhưng không hề gì, ở vẫn tốt chán” - một người dân “lạc quan” nói vậy.

 

Theo Tuổi Trẻ