Dân "chất vấn" Bộ trưởng Y tế về vệ sinh an toàn thực phẩm Tết

(Dân trí) - Đăng đàn trả lời trong chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời” tối 28/12, đúng thời điểm cuối năm, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận nhiều câu hỏi về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Một người nội trợ bày tỏ lo lắng khi đi chợ, lo bữa ăn cho gia đình vì trước tình trạng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh và an toàn hiện nay. Tết Nguyên đán Ất Mùi đang đến gần, lượng tiêu thụ thực phẩm chắc chắn cũng sẽ tăng cao, bà nội trợ này muốn biết những chỉ đạo của Bộ trưởng Y tế để kiểm soát tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm và đảm bảo sức khỏe cho người dân.

Nhận định những lo lắng của người dân là rất chính đáng nhưng Bộ trưởng Y tế cũng trấn an “không nên quá hoang mang về vấn đề thực phẩm ở Việt Nam”. Bộ trưởng Kim Tiến cho biết, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ phối hợp với chính quyền các cấp tổ chức tuyên truyền rộng rãi và tập huấn đối với các đối tượng tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải tuân theo các quy định hiện hành về an toàn thực phẩm vì pháp luật là thượng tôn và sức khỏe người dân phải đặt lên trên hết.

Ban Chỉ đạo đã có kế hoạch tổ chức đi kiểm tra ở tất cả các tỉnh thành, khi phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm như phạt tiền, mức phạt hiện nay tối đa tới 100 - 200 triệu đồng và có thể phạt cao gấp 7 lần giá trị của khối lượng hàng hóa vi phạm.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Không nên quá hoang mang về vấn đề thực phẩm tại Việt Nam.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: "Không nên quá hoang mang về vấn đề thực phẩm tại Việt Nam".

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng nhấn mạnh biện pháp xử lý bằng cách công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng danh tính những cơ sở sản xuất, những sản phẩm đã vi phạm an toàn thực phẩm để người dân “tẩy chay”, không sử dụng những thực phẩm đó. Cơ quan chức năng thì có thể rút giấy phép về lưu hành sản phẩm.

Những giải pháp nghiêm khắc đó, nữ Bộ trưởng nhấn mạnh, là để cho những người sản xuất kinh doanh phải tuân thủ và đưa ra thị trường những sản phẩm tốt nhất.

Vẫn chưa yên tâm, người dân lật lại vấn đề, Bộ Y tế từng có nhiều cuộc thanh tra xử lý việc vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm một cách quyết liệt từ nhiều năm trước nhưng tình trạng sai phạm vẫn tái diễn, người tiêu dùng vẫn đối mặt với nguy cơ ngộ độc thực phẩm, có trường hợp dẫn tới chết người hoặc bị đe doạ với những bệnh tật có thể tích tụ, bộc phát về sau như ung thư. Người tiêu dùng đòi hỏi những chỉ đạo mới và mạnh hơn về công tác kiểm soát đối với vấn đề an toàn vệ sinh thực thẩm trong dịp Tết này để người dân yên tâm ăn Tết.

Bộ trưởng Y tế đáp lời, để tăng cường hơn nữa việc đảm bảo vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán tới, trong đợt này Bộ sẽ phát động tháng An toàn thực phẩm và tổ chức kiểm tra nhưng số lượng mẫu sẽ phải tăng lên, số đoàn kiểm tra tăng lên đặc biệt là ở những tỉnh, thành phố lớn đông dân và những tỉnh biên giới có sự xuất nhập khẩu thực phẩm nhiều.

Hướng khác siết kiểm soát là tăng thêm mức xử phạt vì trước nay, việc xử phạt vi phạm trong lĩnh vực này ở tuyến xã mới thường chỉ nhắc nhở. Trong đợt tới này, lực lượng chức năng sẽ tăng cường xử phạt ở tuyến này.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến một lần nữa nhắc lại vai trò của truyền thông trong việc thông tin rộng rãi về các sản phẩm, nhà sản xuất vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm và người dân kiên quyết từ chối những sản phẩm đó. Ngoài ra, biện pháp xử lý nặng nữa là rút giấy phép lưu hành sản phẩm.

“Chúng tôi cũng mong rằng người dân sẽ yên tâm, tin tưởng hơn và chọn những thực phẩm có nguồn gốc, có xuất xứ và có những địa chỉ tin cậy, không nên mua những sản phẩm trôi nổi dù là giá rẻ. Ngoài ra, chúng tôi sẽ tăng cường đội ngũ thanh tra từ tuyến trung ương, tuyến tỉnh, tuyến huyện, tuyến xã dưới dạng cộng tác viên thì chúng tôi nghĩ rằng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ từng bước cải thiện” – Bộ trưởng Y tế quả quyết.

Trao đổi về nội dung khác liên quan đến vấn đề triển khai thực hiện luật Bảo hiểm Y tế mới (bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2015), Bộ trưởng Y tế cho biết, tới đây ngành sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra ở địa phương xem việc chuẩn bị thực hiện quy định như thế nào, đặc biệt ở 20 tỉnh thành tập trung vào 10 tỉnh thành có tỷ lệ người tham gia bảo hiểm thấp dưới 60%.

Để tiến tới lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân, Bộ trưởng Y tế phân tích, muốn cho người dân tham gia BHYT bắt buộc thì chất lượng dịch vụ khám y tế phải tăng lên. Nhắc tới đề án giảm tải bệnh viện để cải thiện chất lượng khám chữa bệnh, bà Tiến cho biết, trong thời gian qua, ngành Y tế cùng với chính quyền các cấp và đặc biệt là chỉ đạo của Chính phủ đã quyết liệt và bước đầu có kết quả rất đáng khích lệ và rõ rệt.

Ngoài ra, ngành Y tế cũng quyết liệt chỉ đạo giảm bớt các thủ tục, đơn giản hóa thủ tục hành chính khi người dân tham gia bảo hiểm y tế. Hiện nay thời gian trung bình cho 1 lượt khám đã giảm được khoảng 50 phút. Với yêu cầu cải thiện thái độ ứng xử để làm người bệnh hài lòng, Bộ Y tế đã thành lập đường dây nóng thống nhất trong toàn quốc để những phàn nàn, thắc mắc của người dân phải được xử lý nghiêm.

Nữ Bộ trưởng chỉ rõ ý nghĩa của quy định mới, đối với người nghèo, luật bỏ hẳn quy định việc đồng chi trả 5% khi khám chữa bệnh. Đối với vấn đề thông tuyến, quy định cho phép thực hiện việc thông tuyến kỹ thuật đối với tuyến xã lên tuyến huyện trong địa bàn tỉnh và những người nghèo sống ở những vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới hải đảo, khi thông tuyến, kể cả lên thẳng tuyến tỉnh và tuyến trung ương khám chữa bệnh cũng không phải đồng chi trả.

P.Thảo