1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thanh Hóa:

Dân bức xúc vì những lò gạch thủ công gây ô nhiễm

(Dân trí) - Gần 10 năm nay, hàng trăm hộ dân của xã Hoằng Yến, huyện Hoằng Hóa luôn phải sống trong cảnh bị ô nhiễm bởi khói, mùi than từ các lò gạch thủ công đang hoạt động trên địa bàn. Bà con nhiều lần kiến nghị lên cấp trên nhưng vẫn chưa được giải quyết.

17 lò gạch thủ công trên địa bàn xã Hoằng Yến, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) đang hàng ngày phả khói bụi "hun" hàng trăm hộ dân sinh sống tại đây. Người dân hải “gồng” mình hứng chịu tình trạng ô nhiễm do khói bụi, mùi than nhưng dường như chính quyền lại bỏ quên những bức xúc chính đáng. 

Theo phản ánh của người dân các thôn 1 - 4 của xã Hoằng Yến, hàng chục lò hoạt động liên tục ngày đêm, đặc biệt trong thời gian từ đầu tháng 9 năm nay đến hết tháng 5 năm sau, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe và hoa màu của bà con sống quanh khu vực.

Bà Mai Thị Hoa, người dân sinh sống gần khu lò gạch bức xúc: “Mấy năm nay gia đình tôi đều sống trong cảnh ô nhiễm bởi khói bụi của những lò gạch thủ công mang lại. Hàng ngày khói phả vào nhà, mùi than nồng nặc rất khó chịu. Cứ thế này chúng tôi đến mắc bệnh tật mất”.

Dân bức xúc  vì những lò gạch thủ công gây ô nhiễm  - 1
Khói bụi của các lò gạch thủ công gây ô nhiễm về hoa màu và sức khỏe con người.
 
Trước đây, xã Hoằng Yến có khoảng 40ha đất canh tác nhiễm mặn, trong đó có khoảng 15ha là đất cồn bãi thường xuyên cho năng suất gieo trồng thấp. Để thúc đẩy phát triển kinh tế và chuyển đổi sang mô hình ao hồ nuôi trồng thủy sản, đồng thời tận dụng đất để sản xuất gạch xây dựng, UBND xã đã cho 15 hộ dân vào đấu thầu diện tích trên với thời hạn từ 2005 - 2012. 17 lò gạch hình thành và đi vào hoạt động từ đó. 

Vào những ngày các lò gạch đồng loạt đỏ lửa, cả vùng xám xịt khói bụi bao phủ. Những hôm gió đổi chiều, khói bụi cuộn về khu vực dân sinh sống. Không khí ô nhiễm trầm trọng và bệnh tật về đường hô hấp bắt đầu tấn công cộng đồng dân cư.  

“Trước thực trạng gây ô nhiễm của các lò gạch thủ công đang hoạt động gần chục năm nay, nhiều người dân trong thôn, xã đã mắc phải các chứng bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bà con. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền nhưng chỉ nhận được sự im lặng”, chị Quyên, một người dân đã hơn 3 năm làm công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân bày tỏ. 

Dân bức xúc  vì những lò gạch thủ công gây ô nhiễm  - 2
Nhiều lò gạch thủ công vẫn ngang nhiên hoạt động tại Thanh Hóa.
 
Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, sự ô nhiễm từ khói bụi, mùi than của các lò gạch tại xã Hoằng Yến còn gây thiệt hại về tài sản, hoa màu gieo trồng gần khu vực các lò gạch hoạt động. 

Một người dân sống gần lò gạch than: “Gia đình có mấy sào lúa cấy nhưng cứ đến thời kì trổ bông lại gặp phải khói bụi, sức nóng từ các lò gạch phát ra nên lúa thường bị cháy lá hoặc nghẹn đòng, năng suất lúa rất thấp. Ấy vậy mà khi chúng tôi phản ánh thì họ cũng chỉ đền bù ít phân bón hoặc vài chục cân thóc, chủ lò gạch cũng bị  phạt hành chính nhưng không thấy gì chuyển biến. Dân chúng tôi khổ lắm, không biết kêu ai nữa”. 

Cách đây mấy ngày, nhiều diện tích lúa đang làm đòng cũng bị héo lá do khói bụi mù mịt của lò gạch. Người dân đã kiến nghị lên UBND xã, xã cử cán bộ xuống lập biên bản, kê khai những diện tích lúa bị hư hại và yêu cầu các chủ lò gạch phải bồi thường cho mỗi hộ 150.000 đồng/sào tiền phân đạm, nhưng sau đó họ chỉ trả 70.000 đồng/sào.  

Ông Nguyễn Văn Tốt, Chủ tịch UBND xã Hoằng Yến cho biết: Theo Quyết định 115/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là phải chấm dứt mọi hoạt động của các lò gạch thủ công trước năm 2010. Thế nhưng, chúng tôi đã trót ký hợp đồng giao thầu với các chủ lò gạch thủ công ở xã từ năm 2005 - 2012 theo Nghị quyết của HĐND xã. Số tiền thu được, UBND xã đã dùng để chi phí cho công việc chung nên không còn khả năng trả lại. Vì vậy, chúng tôi đành để cho các chủ lò gạch tiếp tục hoạt động theo hợp đồng đến năm 2012, sau đó chúng tôi sẽ quán triệt cho ngừng tất cả các lò gạch thủ công đang hoạt động trên địa bàn”. 

Lan Anh