Đà Nẵng:
Dân bức xúc vì nhà máy dệt gây ô nhiễm môi trường
(Dân trí) - Nhiều người dân ở gần nhà máy dệt Hòa Thọ (quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) bức xúc vì bị ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt thường ngày do ô nhiễm bụi bông (sợi vải), khói, nước xả thải từ nhà máy.
Chiều 4/5, đại diện Thanh tra Sở Tài nguyên - Môi trường TP Đà Nẵng, Phòng TN - MT quận Cẩm Lệ (Đà Nẵng) cùng đại diện lãnh đạo Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ đã có buổi đối thoại với người dân ở xung quanh nhà máy. Buổi đối thoại được tổ chức sau nhiều lần người dân phản ánh bức xúc đến Sở TN - MT thành phố về việc hoạt động của nhà máy gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt thường ngày của người dân.
Dân mang theo bụi đến làm vật chứng để đối thoại
Theo nhiều người dân ở các tổ 60, 62 phường Hòa Thọ Đông (quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng), kể từ khi nhà máy mở rộng cơ sở sản xuất, giảm khoảng cách với khu dân cư xung quanh, thì người dân bắt đầu bị ảnh hưởng bởi bụi bông, tiếng ồn, nước xả thải từ nhà máy. Việc này, theo nhiều người dân địa phương là đã được người dân phản ánh nhiều lần tại các buổi tiếp xúc cử tri của đoàn Đại biểu Quốc hội TP, Hội đồng nhân dân thành phố nhưng chưa được giải quyết triệt để.
Người dân phản ánh bức xúc vì nhà máy dệt Hòa Thọ (Đà Nẵng) gây ô nhiễm môi trường
Bà Nguyễn Thị Kim Loan (người dân phường Hòa Thọ Đông) đến dự buổi đối thoại với một bao bụi màu trắng đục trên tay. Bà Loan nói đây là bụi thu thập được ngay trong nhà chị, và bụi này xuất phát từ nhà máy dệt. “Tôi không biết nói gì nhiều, mà chỉ có vật cứ, chứng cứ như vậy để mọi người thấy ô nhiễm xuất phát từ nhà máy dệt. Tôi đã phản ánh nhiều lần và cán bộ của Phòng TN - MT cũng đã đến trực tiếp nhà tôi và các hộ dân trong khu vực để tận mắt thấy rồi” - bà Loan nói
Ông Phạm Phú Thảo (trú tại tổ 62, phường Hòa Thọ Đông) cũng phản ánh thấy rõ bụi bông quấn quanh trong thành ống thoát nước từ tầng thượng xuống dưới đất của nhà mình. Ông Thảo bày tỏ lo lắng vì nhiều người dân trong khu vực có dấu hiệu bị ảnh hưởng sức khỏe bởi ô nhiễm môi trường khi có nhiều người mắc bệnh viêm xoang, viêm phổi như trường hợp con trai của bà Võ Thị Thọ cũng ở trong khu vực này.
Ngoài bụi, khói, người dân còn phản ánh có mùi hôi xuất phát từ khu vực xả thải của nhà máy. Chị Nguyễn Thi Hồng Vân có nhà ở gần nhà máy cho biết: “Cứ chiều chiều lại thấy bốc lên một mùi hôi rất khó chịu. Hai năm trở lại đây, nói khách quan thì bụi bông có giảm nhiều so với trước nhưng vẫn có bụi khói màu trắng và mùi hôi”. Chị Vân cho biết thêm rằng bản thân chị cũng bị viêm xoang từ năm 2009 tới nay và nghi vấn do ảnh hưởng từ vệc hoạt động của nhà máy dệt gây ô nhiễm môi trường.
Thanh tra Sở TN - MT: Nhà máy đã khắc phục nhưng chưa triệt để
Ghi nhận ý kiến của bà con nhân dân tại buổi đối thoại, ông Võ Thành - Phó Chánh Thanh tra Sở TN - MT thành phố chia sẻ, qua kiểm tra thực tế, nhận thấy tình trạng ô nhiễm môi trường đã được Tổng Công ty CP dệt may Hòa Thọ cố gắng khắc phục bằng nhiều giải pháp, nhưng vẫn chưa giải quyết triệt để. Khói xuất phát từ nhà máy như người dân phản ánh thực chất là hơi nước ngưng tụ trong quá trình hoạt động của các lò hơi là ủi sản phẩm của nhà máy. Theo báo cáo của Công ty thì hiện có 3 lò hơi với công suất lần lượt là 7 tấn/h, 5 tấn/h và 1,5 tấn/h. Trong đó lò hơi 7 tấn/h là là lò hơi được trang bị công nghệ mới, thay thế cho 2 lò công suất 3 tấn/h và 4 tấn/h trước đây. Lò mới được đặt cách xa khu dân cư nhưng do tuân thủ quy trình lắp đặt, vận hành lò hơi nên cần một thời gian để chính thức hoạt động thay thế cho hai lò cũ. Theo lộ trình thì các lò cũ còn lại cũng sẽ được thay thế để giảm thiểu ảnh hưởng đến người dân sinh sống trong khu vực gần nhà máy.
Về nước xả thải, phía Công ty quản lý nhà máy báo cáo cho biết, trước đây nước xả thải có cả nước nhuộm vải, nhưng nay nhà máy không còn nhuộm vải mà chỉ còn dệt và may. Do đó, nước xả thải hiện nay đơn thuần là nước thải sinh hoạt đã được xử lý và không có hóa chất như nước nhuộm vải xả ra trước kia.
Đại diện Thanh tra Sở TN - MT thành phố và Phòng TN -MT quận Cẩm Lệ đề nghị Tổng Công ty dệt may Hòa Thọ tăng cường các giải pháp khắc phục tình trạng hoạt động của nhà máy gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến người dân; đề nghị nhà máy cung cấp số điện thoại tiếp nhận ý kiến người dân đến bộ phận kỹ thuật, để khi phát hiện có khói xả thải ra môi trường thì người dân phản ánh đến bộ phận kỹ thuật kiểm tra nguyên nhân và khắc phục ngay.
Tâm An