Thanh Hóa:
Dân "bao vây" nhà máy phân bón, phản đối ô nhiễm
(Dân trí) - Nhiều ngày qua, hàng trăm người dân thôn Đa Sỹ, xã Đông Vinh, thành phố Thanh Hóa đã tập trung xung quanh khu vực nhà máy phân bón Sao Nông để phản đối vấn đề ô nhiễm môi trường.
Nhà máy sản xuất phân bón Sao Nông, đóng trên địa bàn thôn Đa Sỹ, xã Đông Vinh, thành phố Thanh Hóa, thuộc Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại tổng hợp Cường Phát (Cty Cường Phát).
Theo phản ánh của người dân thôn Đa Sỹ, nhà máy này nằm cách khu dân cư khoảng 100 m và mới đi vào hoạt động khoảng 3 tháng nay. Tuy nhiên, từ khi nhà máy đi vào sản xuất, cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Do bức xúc trước tình trạng ô nhiễm môi trường, nhiều ngày qua, người dân thôn Đa Sỹ đã tập trung phản đối ngay trước khu vực nhà máy.
Đến chiều ngày 19/2, người dân còn mang theo băng rôn với khẩu hiệu: “Đề nghị nhà máy phân lân Sao Nông trả lại hơi thở sức sống cho người dân”, “Yêu cầu di dời nhà máy phân lân Sao Nông khỏi khu vực dân cư”, “Môi trường ô nhiễm phá tan cuộc sống yên bình”…
Bà Vũ Thị Tú, xã Đông Vinh cho biết: “Khói thải nhà máy tỏa ra không khí gây ô nhiễm đến hàng chục hộ dân sống xung quanh. Nhà máy phân bón Sao Nông xả khói thải cả ngày lẫn đêm, chúng tôi không thể chịu được. Đề nghị chính quyền cấp trên di dời nhà máy xa khu dân cư để chúng tôi được sống trong môi trường trong lành”.
Theo ông Hà Văn Bắc - Phó chủ tịch UBND xã Đông Vinh cho biết, việc người dân phản đối về vấn đề này từ trước Tết Nguyên đán. Ngay sau đó, UBND xã đã có văn bản đề nghị Công ty tạm dừng hoạt động theo cam kết đến khi hết Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, vào ngày 12/2 (tức mùng 5 Tết), Công ty này lại tiếp tục hoạt động nên những ngày qua nhân dân thôn Đa Sỹ đã tổ chức phản đối.
Được biết, ngày 18/2, đoàn công tác liên ngành gồm: Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố Thanh Hóa, Công an tỉnh Thanh Hóa đã về làm việc trực tiếp tại nhà máy phân bón Sao Nông.
Theo kết luận của buổi làm việc, nhà máy phân bón Sao Nông chưa thực hiện đầy đủ giải pháp xử lý bụi, khí thải tại dây chuyền vê viên. Trước khi đi vào hoạt động, Công ty không thực hiện báo cáo việc vận hành thử nghiệm dây chuyền sản xuất của nhà máy phân bón Sao Nông; chưa đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại…
Đoàn làm việc cũng đã đề nghị Cty Cường Phát tạm dừng hoạt động nhà máy phân bón Sao Nông để khắc phục các vấn đề xử lý chất thải, sau đó có báo cáo gửi đến các ngành chức năng. Người dân địa phương bày tỏ mong muốn các ngành chức năng xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường tại đơn vị này để cuộc sống của người dân được bảo đảm.
Duy Tuyên