1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Đám cưới trong hầm De Castries

Đại đoàn phó Đại đoàn Quân Tiên phong 308, đại tá Cao Văn Khánh, đón ngày 1/5/1954, sinh nhật lần thứ 37 của mình, trong tiếng đạn bom gầm rít trên chiến hào Điện Biên Phủ.

Cao Văn Khánh - Nguyễn Thị Ngoc Toàn chụp năm 1955 tại Hà Nội…
Cao Văn Khánh - Nguyễn Thị Ngoc Toàn chụp năm 1955 tại Hà Nội…

Đó là lúc “Anh đang tác chiến quyết liệt, địch và ta tranh thủ từng phút từng giờ, chúng ta phải thắng”, “Vòng vây đã sát địch, cách 60m, có chỗ 20 - 30m, tình hình rất khẩn trương”(1). Sau cuộc chiến, những người lính viễn chinh Pháp đã nói tới tiếng cuốc rậm rịch trong lòng đất những ngày cuối cùng Điện Biên Phủ. Những tiếng cuốc như tiếng tí tách của chiếc kim đồng hồ báo hiệu một cái chết mỗi lúc một gần mà họ không thể nào ngăn lại.

Từ khi rời cố đô Huế cuối năm 1945, bỏ lại sau lưng những bộ complet lịch lãm vải mịn ông quen dùng từ hồi học đại học Luật Đông Dương, rồi đi dạy ở trường tư thục, những hoạt động cắm trại, thám hiểm sôi nổi của dân hướng đạo, những cuộc đàm luận thâu đêm của nhóm bạn bè trí thức trẻ Huế, những môn thể thao đấm bốc, đua xe đạp địa hình…Cao Văn Khánh đã 9 lần đón sinh nhật mình trong đạn bom ở mọi chiến trường hoặc trên đường hành quân. Thói quen nhớ đến ngày sinh nhật cũng dần phai.

Nhưng lần này thật khác biệt. Ông, người đại đoàn phó chỉ huy một trong những hướng chủ lực của chiến dịch Điện Biên Phủ, cảm thấy sức mạnh và lòng tin của mình được nhân lên gấp bội trước lúc tấn công. Ông đã có một người để chờ đợi và yêu thương.

Ông viết: “Trước giờ phút quyết liệt, anh nghĩ đến bộ đội, đến em. Anh hi vọng rằng những chiến sĩ bị thương do sơ suất, những khuyết điểm của anh trong chỉ huy chiến đấu sẽ được bổ khuyết bằng sự chăm sóc dịu dàng của em”.

Một tuần sau, Ngọc Toản, cô sinh viên y khoa 24 tuổi khóa Y52, đang phục vụ trên cùng mặt trận nhận được bức thư Cao Văn Khánh viết ngày 7/5/1954. Vị chỉ huy không giấu nổi những cảm xúc choáng ngợp trong khoảnh khắc lịch sử: “Em thân yêu! Ngày hôm nay là một ngày vui lớn của toàn quân, toàn thể nhân dân chúng ta. Ta đã đánh gục kẻ thù ở Điện Biên Phủ, tiêu diệt toàn bộ, bắt tù binh hơn một vạn quân với toàn bộ đại bác xe tăng của chúng ... Toàn quân, toàn dân phấn khởi trước chiến thắng vĩ đại đó.

Nhân dân dân chủ chia vui với chúng ta, vì đó cũng là một thắng lợi để củng cố nền hòa bình thế giới. Quân đội ta đã trưởng thành mau chóng, dù còn rất nhiều khuyết điểm.

Em hãy lặng yên nhắm mắt để tưởng tượng niềm vui sướng của toàn thể nhân dân. Anh gửi cho em nỗi vui sướng của đơn vị ta sau những chiến thắng dồn dập. Anh gửi em nỗi vui sướng của lòng anh, trước sự trưởng thành của quân đội ta, trong đó đoàn ta đã góp vào một phần xây dựng”(2).

Sau chiến thắng, một khoảnh khắc im ắng lạ lẫm đột ngột bao trùm khắp đất trời lòng chảo Mường Thanh.

Cao Văn Khánh - Nguyễn Thị Ngoc Toàn chụp năm 1955 tại Hà Nội…
Cao Văn Khánh - Nguyễn Thị Ngọc Toản, chụp ngày cưới 22.5.1954, trên chiếc xe tăng đã tham chiến tại Điện Biên Phủ.

Vào giây phút đầu tiên của hòa bình, người chỉ huy dạn dày chiến trận thấy lòng mình tràn ngập cảm xúc tươi mới của tình yêu. Ông bâng khuâng ngắm bức ảnh nhỏ luôn đem theo mình, từ khi được tướng Lê Quang Đạo tặng sau chiến dịch Hòa Bình. Trong ảnh, bên cạnh Nguyệt Tú, vợ ông Đạo và Nguyễn Thị Bảo, vợ Đoàn Chương (thư ký đại tướng Nguyễn Chí Thanh), là một cô gái trẻ măng thanh tú với đôi mắt bồ câu.

Ông Lê Quang Đạo cười giới thiệu: “Cô này là nữ sinh Đồng Khánh, hoạt động trong phong trào sinh viên Huế mới ra. Con cụ Thượng mà cũng đi kháng chiến đấy”. Bức ảnh đó đã thúc giục ông đạp xe nửa ngày trời tới tận trường y khoa tại Chiêm Hóa, vào cuối năm 1953, để tìm làm quen với cô, trước khi lên đường đi chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trước đó, dù bị cuốn đi theo nhịp chiến tranh dồn dập, nhưng cảm giác cô đơn luôn xâm chiếm Cao Văn Khánh trong những khoảng lặng không tiếng súng giữa hai trận đánh. Như sau này ông thổ lộ: “Anh không còn cha mẹ, anh đã xa anh em, anh đã sống trong nỗi cô đơn như vậy hơn 10 năm trời”(3).

Bạn bè anh em cũng sốt ruột giùm và ở mặt trận Cao Văn Khánh hay bị trêu là muộn vợ. Trong hồi ký của mình, Trung tướng Phạm Hồng Sơn, thời gian đó là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 36, thuộc Đại đoàn 308 kể: “Hồi ấy khi liên hoan, anh em thường hát một điệu ương ca rất thịnh hành có giai điệu: Xon xon mì fà xon xon mì / Đồ fá mi rê đồ fá mi rê đồ xón”.

Bài hát không có lời, hát theo nốt nhạc. Có lần, Cao Văn Khánh ra nhảy điệu này, Phạm Hồng Sơn cũng vỗ tay hát theo anh em đơn vị, nhại lại những nốt nhạc trên, để trêu vị chỉ huy tuổi “băm”: “Ba mươi mấy rồi còn son son gì? Mà fá mi rê đồ fá mi rê đồ, són!”(4).

Giờ đây, ông muốn thực hiện ngay lời đã hứa với người yêu trước thời khắc tấn công cứ điểm đồi Độc Lập (Pháp gọi là Gabriella): “Ngày đó, trong không khí chiến thắng tưng bừng, anh sẽ về gặp em và nhất định chúng ta sẽ về thăm Mẹ”(5). (Thư CVK ngày 17/3/1954). Đây cũng sẽ là lần đầu tiên, hai người được đi cùng nhau trên một quãng đường dài trong không khí đất trời được giải phóng.

Dù chưa một lần gặp vị phu nhân của cố Đông các Đại học sĩ Thượng thư Tôn Thất Đàn, người từng là quan đầu triều của chính quyền Bảo Đại, nhưng Cao Văn Khánh đã nghe thủ trưởng Vương Thừa Vũ kể về người mẹ đặc biệt của Ngọc Toản, người quả phụ bao năm thay chồng nuôi dạy con cái và giữ nếp gia phong.

Không chỉ dạy các con nghĩa khí trung quân ái quốc, bà còn tự nguyện bỏ lại tất cả nhà cửa đất đai ở cố đô Huế, đi bộ ròng rã sáu tháng trời theo các con tập kết ra Việt Bắc, theo cụ Hồ.

Khi đến gặp bà để xin phép cho Cao Văn Khánh được làm quen Ngọc Toản, ông Vương Thừa Vũ gặp một người phụ nữ phúc hậu, dáng vẻ thanh tao với mái tóc trắng như cước. Ông Vũ thận trọng mở lời: “Thưa cụ, tôi có anh bạn rất tốt, đánh giặc rất giỏi. Đã bao lâu nay anh ấy chưa lấy vợ vì bận đánh giặc, nay muốn được làm rể cụ. Xin cụ cho phép anh ấy được viết thư tìm hiểu chị Toản!”.

Bà cụ thủng thẳng trả lời: “Tui kén rể chứ đâu kén người đánh giặc giỏi. Con tôi đã trưởng thành rồi nên chỉ cần là người tốt và con tôi ưng ai thì tôi đồng ý người đó”. Ông Vương Thừa Vũ ra về cứ tấm tắc: “Tưởng cụ là vợ quan, lễ giáo phong kiến lắm, không ngờ bà cụ lại tân tiến như vậy!”.

Cao Văn Khánh - Nguyễn Thị Ngoc Toàn chụp năm 1955 tại Hà Nội…
Cuốn sách của Genevieve de Galard, “Một người phụ nữ ở Điện Biên Phủ”,1954 với lời đề tặng của tác giả.:” Thân tặng bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Toản để kỷ niệm những ngày gian khó mà mỗi chúng ta đã trải qua ở Điện Biên Phủ. Với tất cả lời cầu chúc chân thành cho Việt Nam. Geneviève De Galard.” 

Nhưng, lại một lần nữa, cuộc hẹn hò phải hoãn gấp vào phút chót. Cao Văn Khánh vẫn chưa được một phút nghỉ ngơi. Sau những ngày chỉ huy đội quân F308 đột ngột chuyển hướng chiến dịch, nghi binh truy kích địch ở thượng Lào dọc sông Nậm Hu, rồi lại quay ngay về tham gia tấn công Điện Biên Phủ, giờ đây nhiệm vụ hậu chiến lại chất tiếp lên vai ông.

Người chỉ huy với tiếng Pháp sành sỏi, tư thế đĩnh đạc, lại được giao thêm nhiệm vụ giải quyết thương binh Pháp, như sau chiến dịch Biên Giới. Ông báo tin cho người yêu trong thư ngày 11.5.1954: “Hôm nay, anh nhận được một nhiệm vụ mới của Tổng Quân ủy vừa giao cho, tức là phụ trách giải quyết cho xong mọi việc ở Điện Biên Phủ trước khi về:

Chỉ huy bộ đội phòng ngự Điện Biên Phủ; Chỉ huy các bộ phận chuyên môn và cả tù binh phải vào làm việc trong Điện Biên Phủ (lính chuyên môn của địch mà ta dùng như công binh, lái xe tăng, thợ nhà máy...); Giao trả 1.500 thương binh ở Điện Biên Phủ cho Pháp. Công việc tuy có nặng, nhưng anh cũng cố gắng làm cho hoàn bị trong thời gian ngắn. Còn việc đi về của chúng ta, bây giờ hãy để lại sau. Không lâu đâu, chỉ một tháng là cùng”.

An ủi người yêu hay là tự nhủ mình? Suốt 9 năm trời Cao Văn Khánh chưa có một giây phút nào cho cuộc sống riêng tư, ông cống hiến toàn bộ thời gian và tuổi trẻ của mình cho cuộc kháng chiến và những công việc hậu chiến bộn bề. Dấu tích chiến tranh còn ngổn ngang khắp nơi trên lòng chảo Điện Biên với những bãi mìn, hàng rào kẽm gai, lô cốt…

Một chiếc máy bay Hen-cat cắm đầu xuống hào giao thông; những chiếc xe tăng đứt xích bị lật nghiêng; những khẩu súng máy nát vụn; những cứ điểm bị đập tan từng mảng; những đống vỏ đạn dày có ngọn, bông băng, vỏ đồ hộp, vải dù, tăng bạt xen lẫn với những tranh ảnh khỏa thân của lính Pháp, sách kinh thánh, lịch bỏ túi của tướng Nava (Navarre) dạy lính cách sống ở Việt nam…

“Những con ruồi đuổi không thèm bay tranh nhau ăn trên đống vỏ đồ hộp, những cuộn bông băng lẫn máu và bùn…”(6). Đại đoàn 308 sẽ là đơn vị tiếp quản cơ sở vật chất của tập đoàn cứ điểm, quản lý thu dọn chiến trường ngổn ngang đó.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp hồi tưởng: “Đồng chí Cao Văn Khánh, Tư lệnh phó Đại đoàn 308, người phụ trách tiếp quản Mường Thanh, đưa tôi vào xem Sở chỉ huy của Đờ Cát… Anh Khánh cho biết khu vực thương binh của địch ở dưới lòng đất thật là kinh khủng.

Hơn một ngàn binh lính và sĩ quan bị thương nặng ở đầu, ở bụng, què cụt bị lèn chật ních trong những căn hầm đầy bùn nhão hôi thối, lúc nhúc dòi bọ. Thương binh địch rên xiết kêu khóc đòi cứu chữa, đòi ăn, đòi uống. Nhân viên y tế Pháp tỏ ra hoàn toàn bất lực.

Một bác sĩ trẻ tốt nghiệp Đại học y khoa Pháp nói: “Từ khi đặt chân xuống Điện Biên Phủ, tôi chỉ rúc trong cái xó này, có làm gì được đâu.

Trong tình cảnh này chúng tôi có thể làm gì?”. Hơn hai chục bác sĩ và mấy chục nhân viên quân y của Pháp cũng bị đói, thân hình gầy guộc mệt mỏi phờ phạc... Tôi nói, điều ngay tới một đội điều trị kết hợp với nhân viên y tế của Pháp cứu chữa thương binh, có thể cho phía Pháp xuống lấy thương binh nặng như ta đã làm ở Thất Khê trong mặt trận Biên Giới.

Phải tổ chức ngay việc tẩy uế chiến trường để tránh dịch bệnh, cho chuyển thương binh từ dưới hầm lên khỏi mặt đất. Và sớm cho cô hộ lý duy nhất tại đây trở về với gia đình”(7).

Cao Văn Khánh viết: “Hôm qua ta vừa tiếp đoàn đại biểu quân đội Pháp đến Điện Biên Phủ để nhận điều kiện trả thương binh. Cầm đầu là Docteur Huard (bác sĩ Huy-a), có 2 Medecin colonel đi theo. Anh có cảm tưởng họ đến nhận điều kiện đầu hàng.

Thái độ rất lễ phép… Thái độ ta cũng rất nhã nhặn nhưng kiên quyết và nghiêm. Hôm nay họ sẽ đến nhận thương binh… Ngoài ra còn một số nhân viên quân y Pháp gần 80 tên, có một commandant medecin. Ta đã để anh Mậu(8) và anh Khôi(9) chỉ huy tất cả nhóm này. Ta giúp thêm Đội điều trị 8 và Đội điều trị 3 vào làm việc cho họ...”(10).

Ông cho biết trong số tù binh có một “cô đầm” duy nhất ở Điện Biên Phủ mà binh sĩ Pháp vẫn gọi là l’Ange de Dien Bien Phu (Thiên thần Điện Biên). Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có quyết định ân xá cho thả cô theo đề nghị của Hội Phụ nữ lúc bấy giờ.

Trong lúc Cao Văn Khánh đang bận rộn chỉ huy việc trao trả thương binh, đồng đội đã âm thầm lên kế hoạch tổ chức đám cưới cho ông. Ông Trần Lương(11) - Chính ủy mặt trận, đã đề xuất xin phép cho Ngọc Toản ra mặt trận Điện Biên, để làm nhiệm vụ thông báo cho cô Geneviève De Galard, nữ tù binh Pháp duy nhất ở Điện Biên Phủ, về quyết định ân xá của Hồ Chủ tịch.

Để thuyết phục người yêu, Cao Văn Khánh viết thư nêu một loạt lý do Toản nên ra Mường Thanh: “Độ 18.5, em nên xin phép nghỉ (theo thư anh Cẩn(12) rồi ra ngoài Điện Biên. Một là để xem cho biết Điện Biên Phủ, hai là để về cùng với anh cho tiện. Như thế khỏi phải tìm nhau, mất thì giờ và có thể lạc. Em cũng cần ra xem cho biết chiến địa lịch sử này… Anh Tôn Thất Tùng, cụ Tụng (13) đều ra xem cả.

Em ra, luôn tiện xem việc thả thương binh của ta, và nếu cần thì cũng có thể giúp vào một tay. Ngoài ra, em còn được xem phái đoàn Liên Xô đến quay phim tác chiến ở Điện Biên… Vả lại thời gian này có điều kiện, tại sao ta không tranh thủ để gần nhau, nhất là trong khung cảnh chiến thắng lịch sử này, phải không em?”(14).

Ngày 18/5/1954, Ngọc Toản rời Bản Tấu tại cây số 62 nơi Đội điều trị 2 đóng quân, theo người liên lạc đi bộ suốt cả đêm hôm đó để gần đến 2 giờ sáng thì đến gặp Cao Văn Khánh tại địa điểm đóng quân: “Trăng mờ trên nóc hầm có che dù.

Anh nằm trên một cái giường vải, giật mình choàng dậy khi nghe đồng chí Thống, cần vụ của anh báo tin: “Chị Toản đã đến đây rồi”! Giữa cảnh ngổn ngang của chiến địa, trên nóc hầm của khu trung tâm Mường Thanh ngày 18/5/1954, sau 11 ngày im tiếng súng, mùi thuốc súng quyện với mùi của xác chết và của những vết thương hoại tử chưa dọn sạch và các bóng dù, dù trắng, dù loang đủ màu.

Anh kéo tôi xuống ngồi trên cái ghế vải và không kìm được lòng, anh ôm ghì lấy và hôn tôi tới tấp trên tóc, trên mắt, trên môi: “Ôi em đây rồi, không phải anh mơ chứ? Anh đã có em thật rồi, hạnh phúc quá! Em đi có mệt không? Cảm ơn em, cảm ơn các đồng chí”. Đầu tiên anh bối rối, trong lòng tôi cũng bỡ ngỡ, rộn ràng, xao xuyến. Đúng lần đầu tiên tôi thấy được, hiểu được thế nào là những cảm xúc mới lạ của tình yêu nam nữ” (ghi chép của bà Ngọc Toản).

Nơi Cao Văn Khánh đang đóng quân để làm nhiệm vụ chỉ huy trao trả thương binh, tiếng súng đã im và cờ chiến thắng được cắm trên nóc hầm của viên chỉ huy De Castries, người đã thất trận lúc mới được thăng tướng chưa được mấy ngày.

Công việc của cán bộ quân y của đại đoàn 308 (F308) cùng với các Đội điều trị 8, Đội điều trị 3 phối hợp là giải quyết số thương binh địch đang còn nằm la liệt dưới các hầm bị bao vây xung quanh khu Mường Thanh, với các vết thương bị ẩm ướt hoại tử, ruồi nhặng từng đàn bâu đen, mùi hôi thối xộc lên nồng nặc. Những chiếc cáng bằng vải, bằng tre được đưa lên khỏi hầm, nằm che dưới những chiếc dù được căng tải trên các mỏm đất của khu Mường Thanh.

Ngày 19/5, hai người cùng dự kỷ niệm sinh nhật Bác. Ngày 20/5, đi tham quan khu đóng quân cũ ở Mường Thanh, đồi A1 với các trận đánh của F308, F312, F304. “Anh chỉ cho tôi xem những nơi giao tranh kịch liệt, bao nhiêu sự kiện dữ dội và xúc cảm choáng ngợp” (ghi chép của bà Ngọc Toản).

Sau ngày 20/5, Ngọc Toản tính trở về đơn vị để lui quân. Nhưng ông Trần Lương đã đề xuất: Nên tổ chức cưới ngay tại đây, chứ đừng đợi về đơn vị ở hậu phương nữa. Ngọc Toản sững lại vì quá bất ngờ.

Mặc dù thuở nhỏ rất thích rủ bạn bè mặc quần áo đẹp quấn khăn lên đầu đóng vai cô dâu, nhưng thấy mẹ quá vất vả phận làm dâu, nhất là từ khi cha mất sớm, Ngọc Toản đã tâm niệm với lòng sẽ không lấy chồng, chỉ thích đi chiến đấu. Tuy mới hai mươi tư tuổi đời nhưng Ngọc Toản đã có 9 năm tham gia cách mạng. Cô nữ sinh Đồng Khánh đã ba lần bị Pháp bắt giam và bị trục xuất khỏi Huế.

Không thể ngăn không cho bà hoạt động, mọi người đành gửi Toản lên chiến khu để tránh bị bắt lần nữa. Ở bà là sự kết hợp của hai thái cực, một tính cách quyết liệt mạnh mẽ trong một dáng vẻ tiểu thư với cặp mắt bồ câu dịu dàng. 

Theo Bảo Vân

Lao Động

 

 

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm