1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Nghệ An:

Đám cưới, đám ma, đi viện đều bằng... xe trâu

(Dân trí) - Đó là thực trạng đang diễn ra ở xã Đức Sơn (Anh Sơn, Nghệ An) bởi con đường nối liền xã với trung tâm huyện và các địa phương khác chỉ có thể đi bộ hoặc bằng xe trâu.

Đám cưới, đám ma, đi viện đều bằng... xe trâu
Con trâu giúp người dân đi qua con đường kinh hoàng

Những ngày sau mưa, khách lạ muốn thuê xe ôm chạy về xã Đức Sơn rất khó bởi không bác tài nào muốn đi. Thấy chúng tôi nài nỉ mãi, anh Hùng, một người chạy xe lâu năm ở đây, khẳng định: “Có cho thêm tiền tôi cũng chẳng dám chạy. Các anh cứ cuốc bộ hoặc thuê xe trâu mà đi, chứ xe máy không đi được đâu”.

Vào ngôi nhà đầu tiên ở xã Đức Sơn, trong sân nhà này có hàng chục chiếc xe máy. Hỏi ra thì được anh Nguyễn Văn Hoan, chủ nhà cho biết đây là xe của người đi đường gửi; nhiều nhất vẫn là của thầy cô giáo ở bên thị trấn qua đi dạy học. Họ để xe đây rồi đi bộ hoặc thuê xe trâu chở lên trường.
 
Sau gần 3 tiếng lội bùn, chúng tôi cũng đến được trụ sở UBND xã Đức Sơn để tìm hiểu về con đường "ai cũng sợ" này. Ông Phạm Văn Nguyên, Chủ tịch xã Đức Sơn, cho biết con đường này chạy dọc bờ Sông Lam, tính từ cuối địa phận huyện Đô Lương đến hết địa gới huyện Anh Sơn, đi qua 7 xã Tào Sơn, Lạng Sơn, Vĩnh Sơn, Đức Sơn, Hùng Sơn, Đỉnh Sơn và Thành Sơn, có chiều dài khoảng 35km. Năm 1991, con đường được xác định là tuyến giao thông trọng điểm của huyện Anh Sơn, chạy song song với Quốc lộ 7A nên được gọi là Quốc lộ 7B. Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện Anh Sơn qua các nhiệm kỳ đều có phần mục tiêu: “Quyết tâm hoàn thành Quốc lộ 7B”. Nhưng không hiểu vì sao mục tiêu đó vẫn không thể thực hiện.
 
Đám cưới, đám ma, đi viện đều bằng... xe trâu
Hãi hùng một con đường

Đến năm 2009, con đường không được gọi là Quốc lộ 7B nữa mà chuyển thành Dự án đường giao thông tả ngạn Sông Lam với nguồn kinh phí trên 218 tỉ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ và nhân dân cùng làm. Chính thức được khởi công tháng 3/2009 và dự kiến hoàn thành trong năm 2011 nhưng đến nay, đã tháng 3/2012, công trình này vẫn dang dở. Người dân nơi đây chuyển tên Quốc lộ 7B thành Quốc lộ "bỏ bê".

Đức Sơn là một xã nông nghiệp với hơn 2.000 hộ dân và khoảng 8.000 nhân khẩu, tất cả mọi hoạt động giao lưu với bên ngoài đều phải đi qua con đường này. Chính vì thế, quốc lộ “bỏ bê” đang tác động xấu đến đời sống của nhân dân toàn xã. Ông Phạm Văn Nguyên cho biết: “Xã chúng tôi hiện có hàng trăm ha rừng trồng đang vào độ thu hoạch nhưng đường sá như thế này thì cũng chẳng doanh nghiệp nào dám vào thu mua. Nếu để thời gian dài nữa thì thiệt hại về kinh tế là rất lớn”.
 
Đối tượng phải gánh chịu hậu quả mà Quốc lộ “bỏ bê” gây ra có lẽ là các em học sinh, thầy cô giáo. Đức Sơn có 200 em học sinh đang theo học bậc THPT ở trung tâm thị trấn Anh Sơn, quốc lộ “bỏ bê” là con đường duy nhất để các em đến trường. Những năm trước có nhiều em sớm đi học, chiều về giúp đỡ gia đình nhưng từ khi con đường này thi công dang dở, gần như 100% các em đều phải thuê nhà ở trọ. Em nào chấp nhận đi - về tức là chấp nhận thực tế mỗi ngày lội bùn đến trường. 
 
Đám cưới, đám ma, đi viện đều bằng... xe trâu
 
Đau xót hơn, đã có người dân mất mạng vì con đường. Đó là trường hợp của anh Phan Bá Đông, ở xóm 2, được đưa đến cấp cứu tại Trạm y tế xã Đức Sơn trong đêm tối với tình trạng bệnh nguy kịch và được yêu cầu chuyển lên tuyến trên; nhưng do điều kiện đường sá chỉ đi được bằng xe trâu nên anh Đông đã tử vong vì được chuyển cấp cứu quá chậm.
 
Bác Nguyễn Quang Phong (xóm 8, Đức Sơn), than: “Có ở đâu khổ như dân tui không? Từ đám cưới đến đám ma, đi viện… đều trên chiếc xe trâu thế này. Tui ốm quá nên bảo con cái lấy xe trâu chở đến bệnh viện, hôm qua nay lại “được” về trên chuyến xe này”.
 
Ông Phạm Văn Nguyên cho biết thêm: “Trước đây khi chưa có cầu Đức Sơn, có 3 bến đò ngang qua Sông Lam, chuyện đi lại bằng đò cũng vất vả nhưng còn đỡ hơn qua con đường này. Từ khi cầu nằm ở đầu xã hoàn thành, các bến đò bị đóng. Nếu con đường không được hoàn thành, chắc xã phải xin huyện cấp phép lại cho các bến đò ngang hoạt động...”.
 
 
Nhóm PV