1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Đắk Lắk chỉ đạo điều tra, xử lý vụ phá rừng pơmu

(Dân trí) - Trước thực rạng rừng pơmu liên tục bị phá hoại, chặt hạ trong nhiều năm nay, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản yêu cầu liên ngành phải vào cuộc kiểm tra, xử lý và có các biện pháp bảo vệ rừng.

UBND tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành Công văn 4918, chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý nội dung được báo chí phản ánh về tình trạng phá rừng pơmu nhiều năm qua tại lâm phần của Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Krông Bông (huyện Krông Bông) quản lý.

Đắk Lắk chỉ đạo điều tra, xử lý vụ phá rừng pơmu - 1

Hiện trường một vụ phá rừng tại Đắk Lắk

Qua đó, tỉnh Đắk Lắk giao công an tỉnh xem xét nội dung phản ánh của báo chí, chỉ đạo các phòng chuyên môn, Công an huyện Krông Bông tiến hành điều tra, xác định đối tượng vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật hành vi chặt phá rừng trái phép xảy ra tại tại Tiểu khu 1219 thuộc lâm phần quản lý của Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Krông Bông.

Giao Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp với UBND huyện Krông Bông xác định trách nhiệm các đơn vị, cá nhân có liên quan trong công tác quản lý nhà nước về rừng tại tiểu khu nêu trên.

Chi cục có giải pháp tăng cường quản lý, bảo vệ rừng tại khu vực nêu trên nói riêng và trên địa bàn huyện Krông Bông nói chung.

Sở NN&PTNT có trách nhiệm tham mưu, dự thảo chỉ thị tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các khu rừng còn các loại cây gỗ quý, hiếm; gửi về UBND tỉnh để báo cáo xin ý kiến Tỉnh ủy.

Tỉnh Đắk Lắk cũng yêu cầu huyện Krông Bông tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp tại địa phương. Cần định công tác quản lý, bảo vệ rừng là nhiệm vụ thường xuyên để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp hữu hiệu nhằm xử lý, ngăn chặn tình trạng khai thác gỗ pơ mu tái diễn liên tục trong thời gian qua.

Đơn vị chức năng xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, đặc biệt là trách nhiệm của các đơn vị chủ rừng, các đơn vị liên quan thiếu trách nhiệm để xảy ra phá rừng, khai thác rừng nhưng không có biện pháp xử lý, ngăn chặn.

Như Dân trí đã phản ánh, rừng pơmu quý hàng trăm năm tuổi do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên lâm nghiệp Krông Bông quản lý đã bị đốn hạ. Khi cơ quan chức năng phát hiện, các đối tượng đều nhanh chóng chạy vào rừng trốn thoát.

Thúy Diễm

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm