1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Nghệ An:

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Người con rể vĩ đại của làng Thanh Xuân

(Dân trí) - Biết tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, mấy ngày qua, hàng nghìn người dân ở làng Thanh Xuân (Thanh Chương, Nghệ An), từ trẻ đến già đều nghẹn ngào, xót thương. Trong suy nghĩ của người dân nơi đây, Đại tướng như một “người con rể vĩ đại” của làng.

“Dân làng này coi Đại tướng là người con rể vĩ đại”

Những ngày qua, khi biết tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã vĩnh viễn ra đi, người dân ở làng Thanh Xuân (Thanh Chương, Nghệ An) - nơi quê nhà Phu nhân Đại tướng - đã không khỏi xót xa, đau buồn thương tiếc cho một vị tướng tài của dân tộc Việt Nam. Nhiều người từng may mắn được gặp Đại tướng, giờ chỉ biết ôm tấm ảnh kỷ niệm của người mà xót thương.
Ông Đặng Bá Hương: Người dân làng này coi Đại tướng là người con rể vĩ đại.
Ông Đặng Bá Hương: "Người dân làng này coi Đại tướng là người con rể vĩ đại".

Với người dân của làng Thanh Xuân, họ đã coi Đại tướng là một người con rể vĩ đại của làng. Nhiều cụ cao tuổi cũng gọi Đại tướng với cái tên thân mật - anh Văn, như để thể hiện sự gần gủi, giản dị của Đại tướng với quê nhà nơi đây.

Tại khu lưu niệm của cố Giáo sư Đặng Thai Mai (ở xóm Xuân Liên, Thanh Xuân, Thanh Chương, Nghệ An) - thân sinh của Phu nhân Đại tướng, những ngày qua, rất nhiều người dân trong làng đã về thắp nén tâm hương, tưởng nhớ đến người con rể vĩ đại của làng. Từ các cụ cao niên cho đến cả những em học sinh nhỏ, khi nghe tin người đã vĩnh viễn ra đi, tất cả đều về đây, để tưởng nhớ tới vị tướng anh hùng của dân tộc.
 
Khu nhà lưu niệm cố Giáo sư Đặng Thai Mai 
Khu nhà lưu niệm cố Giáo sư Đặng Thai Mai 
 
Ông Đặng Bá Hương (71 tuổi), người em con chú của bà Đặng Thị Bích Hà (Phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp), vừa dẫn chúng tôi đến nhà lưu niệm của cụ Đặng Thai Mai vừa tâm sự về những kỷ niệm mà mỗi lần Đại tướng cùng Phu nhân về thăm quê nhà.
 
Năm 1946, sau khi người vợ đầu là bà Nguyễn Thị Quang Thái hy sinh, Đại tướng đã kết hôn cùng bà Đặng Thị Bích Hà - con của cố Giáo sư Đặng Thai Mai.
 
Khu nhà lưu niệm cố Giáo sư Đặng Thai Mai 
Đôi mắt của cụ Đặng Bá Hiên (75 tuổi, em họ của bà Đặng Thị Bích Hà) nhòe đi mỗi lần nhớ đến người anh rể vĩ đại.

“Sau khi cưới chị Hà, anh ấy (Đại tướng Võ Nguyên Giáp - PV) cùng gia đình đã mấy lần về thăm quê. Mỗi lần nghe tin anh ấy về quê là nhiều người dân kéo về xem lắm. Ai cũng háo hức cả. Cả làng này đều xem Đại tướng là người con rể vĩ đại của làng đấy chú ạ” - Ông Hương kể.

Mỗi lần về quê, việc đầu tiên mà Đại tướng luôn làm là vào nhà thờ họ thắp hương, báo cáo với tổ tiên, rồi đến khu nhà lưu niệm của cụ Mai để thắp hương. Sau đó Người lại tranh thủ thăm hỏi mọi người trong gia đình và đi vòng quanh làng để hỏi thăm bà con, người dân nơi đây. Người rất giản dị, bình đẳng với tất cả người dân, gặp ai cũng chào hỏi như người thân trong nhà.
 
“Đại tướng vẫn còn sống mãi trong lòng chúng tôi!”
 
Chia sẻ về kỷ niệm những lần Đại tướng cùng vợ về thăm quê, ông Hương chậm rãi nhớ lại: “Năm 1986, anh ấy về thăm quê. Lúc đó ở quê nhà nghèo lắm. Nghe anh ấy về, cả làng đều kéo về, xúm lại để được nói chuyện và nghe anh ấy dặn dò. Lúc đó thấy dân còn nghèo khổ, anh ấy dặn mọi người nên trồng thật nhiều cây mít, rồi nuôi dê để phát triển kinh tế. Ở các đồi trọc, mọi người có thể lên trồng cây ăn quả, hay cây rừng lâu năm để thu hoạch. Những lời dặn dò ấy của anh, người làng chúng tôi không ai có thể quên được. Mọi người đều luôn nhớ và làm theo lời của anh”.
 
Đại tướng cũng luôn quan tâm đến việc học hành của các cháu nơi đây. Mỗi lần về quê, Đại tướng luôn mang sách vở để tặng cho các cháu học sinh. Rồi dặn dò các cháu phải chăm ngoan học hành, lấy kiến thức để về phục vụ quê hương, phục vụ đất nước. Rồi người còn mang các loại sách khác để người dân đọc nhiều kiến thức về làm nông, làm kinh tế.
 
Ông Nguyễn Quang Dần: Suốt đời này, tôi vẫn nhớ như in lần được gặp Đại tướng.
Ông Nguyễn Quang Dần: "Suốt đời này, tôi vẫn nhớ như in lần được gặp Đại tướng".

Ông Nguyễn Quang Dần (52 tuổi, công an viên ở xã Thanh Xuân), người đã từng may mắn được gặp Đại tướng vào dịp người về thăm quê, sau khi vào thắp hương cho Đại tướng, ông lặng lẽ đi ra ngắm mấy bức ảnh của Người thẫn thờ.

“Có lẽ suốt cuộc đời này tôi sẽ không bao giờ quên hình ảnh của bác. Tuy chỉ được đứng nghe lời dặn của bác với người dân, nhưng tôi vẫn nhớ như in. Bác mặc bộ quân phục trang nghiêm, đứng ở giữa hàng trăm người rồi chuyện trò vui vẻ với mọi người. Bác còn dặn mọi người nên trồng nhiều mít, nuôi con dê để phát triển kinh tế nữa. Cũng nhờ những lời dặn đó mà người dân nơi đây đã biết chịu khó nuôi dê, nên cũng đỡ khổ mà khấm khá hơn nhiều”.
Các em học sinh đến thắp hương cho Đại tướng tại Khu nhà lưu niệm cụ Đặng Thai Mai.
Các em học sinh đến thắp hương cho Đại tướng tại Khu nhà lưu niệm cụ Đặng Thai Mai.
 
Ông Hương ngắm lại bức ảnh kỷ niệm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà xót thương.
Ông Hương ngắm lại bức ảnh kỷ niệm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà xót thương.

Anh Nguyễn Quang Tuấn - Bí thư chị bộ xóm Xuân Liên, người trực tiếp quản lý khu nhà lưu niệm của cố Giáo sư Đặng Thai Mai - chia sẻ: “Từ hôm biết tin Đại tướng mất, người dân chúng tôi ở đây buồn mà xót thương lắm anh ạ. Rất nhiều người dân đã về đây để thắp hương cho cụ Mai và cũng để thắp hương cho Đại tướng Giáp vì họ không có điều kiện để trực tiếp đi viếng Đại tướng được. Tuy Đại tướng đã mất đi, nhưng trong lòng tất cả người dân làng Thanh Xuân này, Đại tướng vẫn còn sống mãi trong lòng chúng tôi”.

Ngọc Tú - Nguyễn Duy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm