"Đại tướng đã tặng tôi tấm Huân chương trong nghề làm báo"
(Dân trí) - "Tôi tự hào coi đây là một phần thưởng vô giá, một tấm Huân chương trong nghề làm báo của mình" - Nhà văn Trần Đắc Túc chia sẻ về kỷ niệm một lần vinh dự được phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Cầm tờ giấy giới thiệu của Tỉnh ủy Hà Tĩnh, chúng tôi chắc mẩm thành công. Hóa ra, việc phỏng vấn rất khó khăn vì GS tuổi đã cao mà vẫn còn nhiều công trình khoa học dang dở. GS đã từ chối rất nhiều cuộc phỏng vấn, mọi sự giới thiệu với GS bây giờ không còn quan trọng nữa. Người giúp việc của GS cho hay, GS vừa từ chối một cuộc gặp với các anh bên Thành ủy, một với NXB phía Bắc lặn lội vào đây. Qũy thời gian của cụ cạn kiệt lắm rồi, mà bao công trình còn dang dở. Nhưng may sao, với sự giúp đỡ của chị Thy Huệ, Phó GĐ NXB Chính trị QG2 thành phố HCM, một nơi từng in nhiều sách cho GS, chị cùng chúng tôi trực tiếp năn nỉ, GS vui vẻ nhận lời: À, nói về anh Hà Huy Tập hả, vui đấy, tôi đồng ý!
GS Trần Văn Giàu cho biết, ông học sau Hà Huy Tập một khóa, từng được nghe Hà Huy Tập phiên dịch cho lớp. Hôm thì dịch tiếng Pháp, hôm thì dịch thẳng tiếng Nga. Anh Tập giỏi ngoại ngữ lắm! GS cho biết thêm.
Thế là chúng tôi đã hoàn thành công việc cả đoàn làm phim chúng tôi cảm ơn hoài GS. Tiếc không thể ở Sài Gòn lâu hơn để nghe GS kể chuyện. Phải ra gấp Hà Nội để gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Thời gian đang giục giã sau lưng.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trò chuyện với Trung tướng Võ Trọng Việt cùng các Nhà báo Đài Phát thanh Truyền hình Hà Tĩnh trong cuộc phỏng vấn
Nhưng lần này, cầm trên tay giấy giới thiệu của Tỉnh ủy ra Hà Nội để phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chúng tôi đang tự cầm lấy nỗi lo lắng. Bởi trước đó, Văn phòng của Đại tướng đã nhiều lần từ chối. Lý do thật bất khả kháng: Đại tướng tuổi đã quá cao mà các tổ chức cá nhân trong ngoài nước muốn được gặp Đại tướng lại quá đông, thậm chí có nhiều CCB từ thời Điện Biên vẫn lặn lội hàng trăm cây số ra Hà Nội với mong ước chỉ một lần được nắm tay vị Đại tướng của mình một lần rồi về chết cũng thỏa.
Chúng tôi cùng nhau đến nhà văn Sơn Tùng. Biết Sơn Tùng rất được Anh Văn thương yêu. Nhà văn thương binh nặng đích thân lên gặp Văn Phòng Đại tướng. Vẫn không được.
Bí quá, tôi tự đến nhờ GS. Phạm Đức Dương - Chủ tịch Hội nghiên cứu khoa học Đông Nam Á, thủ trưởng cơ quan của Phu nhân Đại tướng, nhờ thu xếp. Phu nhân Đặng Bích Hà, qua trao đổi với thủ trưởng của mình, đã cho biết những khó khăn về thời gian. Lo quá, nếu không phỏng vấn được Đại tướng thì sức thuyết phục của phim sẽ kém đi rất nhiều. May sao, chúng tôi được người đồng hương, Anh hùng LLVTND - Trung tướng Võ Trọng Việt tận tình giúp đỡ. Bấy giờ, anh đang là Thiếu tướng Chính ủy Bộ độ Biên phòng Việt Nam. Bằng vào mối quan hệ thiêng liêng nào đó, hay quan hệ dòng tộc họ Võ, anh đã thuyết phục được Văn phòng Đại tướng để đoàn làm phim Truyền hình Hà Tĩnh hoàn thành nhiệm vụ của mình. Khỏi phải nói, chúng tôi mừng rỡ đến mức nào. Hết cảm ơn Võ Trọng Việt lại xoay ra bàn bạc cùng nhau, ai tặng hoa, ai cầm míc… Được găp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, được ngồi cạnh Đại tướng, nghe Đại tướng nói chuyện, bấy nhiêu thôi là đã hạnh phúc một đời.
Thế rồi phút chờ đợi đã đến, Đại tướng ra với bộ quân phục quen thuộc mà oai nghiêm, dẫu đã bước sang tuổi 95 mà vẫn rất đường bệ. Hai tay nhận bó hoa chúc mừng của Truyền hình Hà Tĩnh, Đại tướng khẽ xoay người nhận nụ hôn của các nữ nhà báo đi cùng đòan. Động tác nghiêng một bên má của Đại tướng thật hào hoa lịch lãm mà cũng thật nồng hậu hiền từ biết bao. Đẹp quá! Chúng tôi, từ đạo diễn đến quay phim đều xuýt xoa, cảm động đến run cả người.
Đã từng phỏng vấn từ Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, các vị trong Bộ Chính trị, trong Ban Bí thư, tới các nhà bác học, nhà văn hóa lớn cho những bộ phim tài liệu về Tổng Bí thư Trần Phú, Đại thi hào Nguyễn Du, về Nguyễn Công Trứ, Phan Đình Phùng, Lý Tự Trọng và nhiều tên tuổi danh nhân lớn của Hà Tĩnh, nhưng đây là lần để lại ấn tượng mạnh nhất trong chúng tôi bởi Đại tướng là nhân vật vĩ đại quá. Chúng tôi loay hoay không biết xưng hô thế nào: là Bác? là Đại tướng? trong khi Đại tướng lại tự xưng là Anh Văn.
Chúng tôi choáng ngợp trước chân dung một huyền thoại sống, một thiên tài quân sự không riêng của Việt nam mà còn là của chung thế giới. Là Đại tướng đầu tiên do Hồ Chủ Tịch phong từ năm 1948. Là người Anh Cả của QĐND Việt Nam, vị Tổng Tư lệnh của Chiến dịch Điện Biên toàn thắng chấn động địa cầu, vị Tư lệnh thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa để giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà. Chúng tôi vừa ghi hình vừa như nuốt vào lòng hình ảnh Đại tướng.
Đại tướng kể về thời gia cùng hoạt động với đồng chí Hà Huy Tập thời kỳ Tân Việt ở Huế. Đại tướng kể chậm rãi, chi tiết từ lần gặp nhau đầu tiên đến năm tổ chức phân công Hà Huy Tập vào Nam còn Võ Nguyên Giáp ra Bắc. Giọng khi thì rành rẽ, khúc chiết, khi thì sôi nổi như sống lại thời trai trẻ ngày nào. Bất chợt Đại tướng kéo nhẹ tay cầm micro của tôi: Các em phải nói cho người xem rõ, lời Bác Hồ nói về Hà Huy Tập trong lần đến thăm Bảo tàng năm 1960 là Bác nói trong văn cảnh rất vui, không ngụ ý gì.
Tôi thành kính thưa vâng với Đại tướng, nhưng biết rằng kịch bản phim về Lãnh tụ đã được duyệt, mình không có thẩm quyền thêm chi tiết quý giá này.
Kết thúc buổi phỏng vấn, Đại tướng còn dành cho đồng bào và chiến sỹ Hà Tĩnh những dặn dò, tình cảm riêng. Lời lẽ thật thiết tha đầm ấm.
Rồi, quen dần với không khí đầm ấm tình Bác cháu, chúng tôi không muốn kết thúc buổi làm việc. Đại tướng cũng vậy. Khi chưa được gặp chúng tôi lo lắng bao nhiêu thì bây giờ thỏa mãn bấy nhiêu. Được ngồi bên cạnh Đại tướng, nắm bàn tay mềm mại thon thả, ngắm mái tóc bạc mềm mại trên vầng trán thanh cao của Đại tướng mà thấy trào dâng niềm hạnh phúc. Chúng tôi cố lờ đi động tác ra hiệu hết giờ của chiến sỹ cận vệ Đại tướng. Mãi đến khi Đại tá Nguyễn Huyên nhã nhặn, tươi cười xin Đại tướng cho kết thúc buổi phỏng vấn, chúng tôi mới bịn rịn chia tay.
Tác giả kịch bản phim tài liệu Trần Đắc Túc vinh dự được phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Riêng tôi lần đó tình cờ được một vinh dự quá lớn lao là có được bức hình tôi đang phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong ảnh, Đại tướng với quân phục, quân hàm tề chỉnh, tay chỉ ra phía trước. Còn tôi thì cầm micro định hướng của truyền hình chăm chú nhìn Đại tướng. Bức ảnh quá đẹp, nhất là thần thái Đại tướng, ai xem cũng khen. Tôi cất giữ cẩn thận xem đó là gia bảo trong đời làm báo của mình.
Bộ phim tài liệu hoàn thành và được công chiếu trên sóng VTV và Hà Tĩnh nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập, trong phim, hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp trang trọng hiền hòa. Câu chuyện Đại tướng kể trong phim đã thu hút người xem và nhận được rất nhiều thư khán giả gửi về nhiệt liệt hoan nghênh. Bộ phim tài liệu này đã được công chiếu nhiều lần trên chương trình phim Tài liệu của Đài truyền hình Trung ương, kể cả kênh đối ngoại VTV4.
Trong những ngày cùng cả nước và bạn bè quốc tế, buồn thương tiễn biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp về với thế giới Người Hiền hôm nay, tôi lại nhớ như in buổi phỏng vấn năm đó. Thấy mình đã có may mắn, diễm phúc nghề nghiệp khi được gặp và hỏi chuyện Đại tướng Võ Nguyên Giáp kính yêu.
Mỗi lần nhìn lên bức hình chụp khi phỏng vấn Đại tướng được treo cùng tấm Huân chương Lao động của tôi có được từ trước lúc nghỉ hưu, tôi cứ nghĩ mình đã có thêm một tấm Huân chương Nghề nghiệp.
Trần Đắc Túc