Đại tá Đinh Văn Nơi: Không ai có thể gây áp lực khiến tôi chùn bước!
(Dân trí) - "Ở bên mình có đồng chí, đồng đội, đặc biệt là có lòng dân, có người tốt giúp đỡ... Trong quá trình làm việc chưa ai có thể gây áp lực làm cho mình chùn bước", Đại tá Đinh Văn Nơi chia sẻ.
Sau khi có thông tin chính thức về việc Đại tá Đinh Văn Nơi tiếp tục chỉ đạo, điều hành Công an tỉnh An Giang, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi ghi nhận những chia sẻ của vị Giám đốc Công an tỉnh An Giang đặc biệt này.
"Tôi cần dựa vào lòng dân"
Thưa Đại tá, quá trình làm việc, ông luôn thẳng thắn, quyết đoán. Vậy có khi nào Đại tá bị áp lực từ các mối quan hệ, các quan chức không?
- Không phải khi về giữ chức Giám đốc Công an tỉnh An Giang tôi mới có tinh thần làm việc thẳng thắn, quyết đoán. Trước kia, tôi là một chiến sĩ trong lực lượng quân đội, rồi chuyển sang lực lượng công an, công tác tại TP Cần Thơ, tinh thần làm việc trách nhiệm luôn rõ ràng như thế. Nghĩa là thẳng thắng, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và đặc biệt nhất là không ngại va chạm.
Tôi nghĩ rằng ở bên mình có đồng chí, đồng đội, đặc biệt là có lòng dân, có những người tốt giúp đỡ mình. Do đó, trong quá trình làm việc và cống hiến, mục đích của tôi là phải bảo vệ Đảng, bảo vệ dân, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ của người chiến sĩ Công an nhân dân.
Trong thời gian làm việc, bản thân tôi chưa thấy có gì là khó khăn, chưa bị cơ quan, đơn vị nào gây áp lực cho mình đến mức phải chùn bước. Tinh thần làm việc thẳng thắn, quyết đoán là một tố chất của người chiến sĩ Công an Nhân dân cần phải có để cống hiến cho Đảng, cho Nhân dân. Vì thế, không có gì khó khăn, áp lực khi tôi thực hiện nhiệm vụ của mình.
Đại tá công khai số điện thoại cá nhân để tiếp nhận tin báo của người dân, vậy ông đã nhận được những cuộc gọi như thế nào? Khi công khai số điện thoại, cá nhân ông hay người thân có bị các đối tượng gọi đe dọa không?
- Khi về địa bàn An Giang nhận nhiệm vụ, tôi chỉ có một thân một mình, tôi cần có đồng bào, nhân dân giúp đỡ nên tôi công khai số điện thoại cá nhân, kết nối người dân là một việc làm tôi nghĩ là cần thiết và bình thường. Trước đây, khi còn giữ chức Trưởng Công an huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, tôi đã làm điều này.
An Giang là địa bàn mới. Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm sẽ có những loại tội phạm mới mà địa bàn khác không có; nhiều lĩnh vực khác tôi cần tiếp cận, tìm hiểu… Tôi cần dựa vào lòng dân nên tôi công khai số điện thoại cá nhân làm số đường dây nóng.
Tôi còn thấy rằng, tất cả cuộc gọi, tin nhắn báo đến, chúng tôi đều nhận được tin tốt lành từ người dân. Nghĩa là, thông tin tố giác tội phạm rất có giá trị, rất hữu ích cho lực lượng chức năng. Vì một tin dân báo đến, giúp lực lượng tiết kiệm thời gian, công sức để điều tra xác mình, giúp chúng tôi chỉ đạo nhanh, kịp thời đảm bảo vấn đề an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh An Giang.
Ngoài ra, thông qua đường dây nóng, tôi kiểm soát được lực lượng cơ sở. Vì từ tin báo của người dân về việc làm chưa tốt, chưa đúng của cán bộ, chiến sĩ nào đó, chúng tôi kịp thời chấn chỉnh ngay. Tin báo của người dân còn giúp chúng tôi ngăn ngừa, đấu tranh phòng, chống tiêu cực, tội phạm tham nhũng trong lực lượng công an nhân dân.
Tất cả tin báo đến, không có tin đe dọa hay làm phiền tôi và gia đình. Tôi là một chiến sĩ Công an nhân dân, nhiệm vụ là đấu tranh phòng, chống tội phạm. Và tôi nghĩ rằng không có một loại tội phạm nào dám đương đầu với lực lượng công an. Nếu có, đây là điều kiện để mình thực hiện việc đấu tranh phòng, chống tội phạm .
Sắp tới đây, không chỉ bản thân tôi công khai số điện thoại cá nhân mà tôi sẽ chỉ đạo toàn thể lực lượng công an tỉnh sẽ công khai số điện thoại ở từng ngành, từng cấp. Chúng tôi sẽ có đánh giá, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm việc này để làm sao qua đường dây nóng, chúng tôi phục vụ người dân tốt hơn. Và khi đó, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn sẽ tốt hơn khi quần chúng nhân dân sát cánh cùng lực lượng công an.
Pháp luật phải nghiêm minh nhưng tình cảm với dân phải trọn vẹn!
Đại tá được biết đến là vị chỉ huy kiên quyết, quyết liệt trong tấn công, trấn áp tội phạm. Thế nhưng, thời gian qua đã có hàng trăm đối tượng truy nã được vận động ra đầu thú. Nghe qua, thấy có sự mâu thuẫn, Đại tá có thể lý giải rõ hơn về vấn đề này?
- Luật pháp là phải nghiêm minh nhưng tình cảm đối với dân phải trọn vẹn. Đây là một trong những tinh thần lực lượng Công an tỉnh An Giang làm rất quyết liệt đối với các loại tội phạm và các đối tượng đã nhìn nhận được ý nghĩa việc làm của chúng tôi nên thời gian qua, các đối tượng ra đầu thú rất nhiều.
Tỉnh An Giang còn nhiều đối tượng truy nã. Thời gian qua chính công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm quyết liệt vào các loại tội phạm, bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ đã tác động trực tiếp đến các đối tượng này. Hơn nữa, chúng tôi thực hiện nhiệm vụ với tinh thần vì dân phục vụ bằng những nghĩa cử cao đẹp nên các đối tượng nhận ra tính nhân văn khi lực lượng công an làm nhiệm vụ. Do đó, họ đến cơ quan công an đầu thú, hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước.
Chính điều này, thời gian qua Công an tỉnh An Giang đã được Bộ Công an đánh giá cao và khen thưởng về công tác vận động các đối tượng truy nã ra đầu thú và truy bắt tội phạm; đối tượng nào không ra, bằng các biện pháp nghiệm vụ chúng tôi truy bắt cho bằng được để về quy án. Sau đó, anh cải tạo tốt, sẽ sớm đoàn tụ với gia đình. Đây là trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi công dân và đối với lực lượng công an nên chúng tôi phải làm.
Trong quá trình thực thi pháp luật, chúng tôi cảm thấy đau lòng nhất khi gia đình đối tượng bị truy nã có 2-3 con nhỏ, chúng tôi bắt đi người cha hay người mẹ của các cháu, rồi bế các cháu nhỏ giao cho ông bà, chúng tôi thật sự rất đau lòng, dù chúng tôi hỗ trợ sữa, hỗ trợ tiền.... Nhưng đây là việc thực thi pháp luật nên phải công bằng trong xã hội; không phải vì tình cảm riêng tư hoặc nhìn hoàn cảnh đau lòng mà chúng tôi bỏ qua những sai phạm, lỗi lầm của các đối tượng vi phạm pháp luật, đối tượng bị truy nã.
Khi biết tin Đại tá tiếp tục điều hành Công an tỉnh An Giang, người dân rất quan tâm đến công tác trấn áp tội phạm, nhất là các vụ trọng án được Công an tỉnh An Giang khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Như vậy, thời gian tới Đại tá có những chỉ đạo gì về những vụ án này?
- Đối với tôi việc đi hay ở không quan trọng. Vì ở đâu tôi cũng phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân. Bộ Công an phân công nhận nhiệm vụ ở đâu, tôi chấp hành ở đó. Vì tôi nghĩ người dân trên cả nước dù ở địa phương nào cũng là dân của mình, công tác ở địa phương nào cũng là phục vụ dân. Do đó, là một chiến sĩ Công an nhân dân, chúng tôi không chọn lựa ở đơn vị nào, ở đâu Đảng, nhân dân và ngành công an cần thì tôi đến.
Đối với công tác chỉ đạo, điều hành thực thi pháp luật trong thời gian tới, không chỉ những vụ trọng án mà tất cả các vụ án khác, dù nhỏ cũng được tôi chỉ đạo xử lý nghiêm minh, đúng trình tự thủ tục theo tố tụng.
Còn những vụ án đã khởi tố, khởi tố bị can sẽ được xử lý cương quyết; không khoan nhượng, không ngoại lệ và không bao giờ chùn bước trước một vụ án nào đối với tình hình tội phạm trên địa bàn tỉnh An Giang.
Riêng các loại tội phạm có dấu hiệu chống đối hoặc xem thường pháp luật, chúng tôi điều tra xử lý nghiêm minh. Sắp tới đây, chúng tôi chọn những vụ án như thế đem ra xét xử điểm, xử lưu động để răn đe, tuyên truyền chủ trương pháp luật của Nhà nước để người dân chấp hành nghiêm.
Chúng tôi không mong muốn có tội phạm nhiều, bắt tội phạm nhiều. Chúng tôi chỉ mong người dân biết rằng: vi phạm pháp luật là phải trả giá, phải bị pháp luật trừng trị. Để từ đó, người dân có ý thức chấp hành pháp luật nghiêm minh hơn, giúp xã hội lành mạnh, cùng nhau xây dựng phát triển kinh tế cho đất nước.
Xin cảm ơn Đại tá!