1. Dòng sự kiện:
  2. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
  3. 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

“Đại lão thị” ngàn năm tuổi

(Dân trí) - Cây thị ngàn năm tuổi ở đền thờ hoàng tử Lý Linh Lang (thôn Nhuận Trạch, Ba Vì, Hà Nội) ngày mai 19/3 sẽ được nhận bằng “Cây di sản Việt Nam”. Trải qua nhiều biến cố, “cụ thị” này đã trở thành một phần máu thịt của người dân Nhuận Trạch.

Ngàn năm tỏa bóng

 

“Đại lão thị” ngàn năm tuổi  - 1

Gốc cây thị đồ sộ với đường kính gần 4m
 
Sau chín cây muỗm ở đền Voi Phục, đây là lần thứ hai cây cổ thụ ở Hà Nội được công nhận là Cây di sản Việt Nam. Các cụ cao niên ở Nhuận Trạch kể lại rằng: Đây là vùng đất cổ của người Việt. Năm 1973, các nhà khảo cổ học đã tìm ra di chỉ khảo cổ Phùng Nguyên tại Gò Hện. Làng xưa có tên là làng Mơ Chùa, phủ Quảng Oai. 

 

Các vị tiền nhân đã lập làng trên một quả đồi rộng hình bát úp. Làng có bốn cổng ra vào, con đường làng uốn lượn như mình rồng. Đầu làng có cây đa và cây thị cổ thụ nhưng giờ chỉ còn lại cây thị tỏa bóng râm mát.

 

Nhìn từ xa, cây thị khép tán giống hình con voi soi bóng xuống mặt hồ và bao trùm ngôi đền cổ kính - đền thờ hoàng tử Lý Linh Lang, con thứ tư của vua Lý Thái Tông (1028-1054). Hoàng tử đã tham gia trận đánh quân Tống xâm lược trên phòng tuyến sông Cầu và hy sinh tại đó. Không biết có phải là ngẫu nhiên nhưng đền thờ hoàng tử Linh Lang ở Thủ Lệ có tên Voi Phục với hai con voi đá đắp nổi ở cổng đền, tương truyền hoàng tử đã cưỡi voi ra trận; thì ở đây cây thị khép tán giống hệt hình con voi.

 

Ông Nguyễn Văn Dậu (79 tuổi), một lão niên ở Nhuận Trạch, cho biết: “Tôi năm nay đã ở cái tuổi cổ lai hy rồi nhưng cũng không biết cây thị có từ bao giờ. Từ lúc chúng tôi lớn lên, ngay cả đời bố tôi, ông tôi cũng bảo đã thấy cây thị to lớn như thế rồi”.

 

Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đánh giá cây này có trên 900 năm tuổi; còn theo các cụ truyền lại thì cây thị đã có hàng nghìn năm tuổi. Nhiều cụ già vẫn gọi là “cụ thị”.
 
“Đại lão thị” ngàn năm tuổi  - 2
Tán cân thị tỏa bóng xuống ngôi đền cổ kính

 

Trong suốt những năm chiến tranh, dưới bóng cây thị, nhiều đơn vị du kích, bộ đội đã chọn làm nơi ẩn nấp và luyện tập. Điều kỳ lạ là, tháng 6 năm 1954, khi thực dân Pháp ném bom napan phá sập ngôi đình làng nhưng cây thị và ngôi đền lại không hề dính mảnh bom nào. Những năm kháng chiến chống sự phá hoại của đế quốc Mỹ, cây thị và ngôi đền là nơi ẩn trú của những đơn vị chủ lực về đây sơ tán như sư đoàn 305, trung đoàn 1506 Bộ Tư lệnh công binh.  

 

Với sự chăm sóc của nhân dân trong thôn, hiện nay “cụ thị” đã phát triển thành hai nhánh, sáu cành, có chiều cao 32m. Thân cây tại điểm cao cách mặt đất 1,3m có chu vi 12,5m, đường kính 3,9m, chu vi bạnh vè tỏa bóng hơn 15m.

 

Từng một lần... suýt chết

 

Vào khoảng những năm 1978, 1980, lúc đầu là một số bộ đội lấy đất ở gốc thị để đóng gạch vác ba lô. Sau đó nổi lên phong trào đóng gạch mộc, người dân trong làng thi nhau lấy đất nơi gốc thị đóng gạch, người năm chục, người một trăm viên xây bếp, làm tường nhà. Chả mấy chốc một khoảng đất rộng trở thành một cái ao lớn, rồi lại thành nơi tôi vôi của tập thể và nhiều cá nhân.

 

“Lúc đó, rễ cây thị trơ ra, cây không những không ra lá mà còn trụi hẳn một bên. Cây thị có nguy cơ chết héo lại vào lúc trong làng có nhiều việc không vui lắm nên các cụ đã thống nhất cấm tôi vôi và đào đất nơi gốc thị. Đồng thời, hàng trăm cụ với phương châm “người già chăm sóc cây già” đã gánh đất đắp, san bằng hố ao, trả lại vẻ xanh tốt cho cây thị”, ông Dậu nhớ lại.

 

Cây thị cho đến nay đã trở thành một cây linh thiêng, bất khả xâm phạm của làng. Điều đặc biệt nữa là dù đã nhiều năm tuổi và tỏa bóng rất lớn nhưng cây thị  lại rất “bói” quả. Ông Huệ, người đã có 12 năm trông đền, chưa từng nhìn thấy quả thị ở trên cây. Có năm chỉ nhặt được hai, ba quả chín rụng xuống. Quả thị có kích thước rất nhỏ nhưng rất thơm và hầu như không có hạt. Người dân ở đây vẫn quen gọi là cây thị Men do quả thị chỉ to bằng nắm men và nhỉnh hơn quả cau đôi chút.  
 
“Đại lão thị” ngàn năm tuổi  - 3

 

Ông Nguyễn Văn Mẫn, trưởng thôn Nhuận Trạch chia sẻ: “Cây thị không chỉ đơn thuần là một cây tự nhiên mà đã trở thành một phần máu thịt của người dân Nhuận Trạch, vừa là chứng nhân, điểm tựa về tinh thần cho cả cộng đồng lại vừa biểu thị của sức mạnh, sự trường tồn nơi đất lành. Bởi thế, trong thời gian qua, dù chưa có ai vận động và không có cơ quan nào tài trợ, nhưng bà con vẫn tự giác bảo vệ, chăm sóc cây cổ thụ và ngôi đền cổ này”.

 

TS Nguyễn Ngọc Sinh - Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam – cho biết: Tiêu chí để đánh giá Cây di sản Việt Nam là những cây sống trên 200 năm, cao to hùng vĩ, có hình dáng đặc sắc, đặc biệt ưu tiên các loài đặc hữu quý hiếm có giá trị văn hóa, lịch sử... Việc công nhận Cây di sản Việt Nam cho cây thị Nhuận Trạch nhằm mục đích bảo tồn đa dạng sinh học. Việc bảo vệ cây di sản cần dựa vào sức mạnh cộng đồng, địa phương cần thường xuyên sâu bệnh, nấm mốc, phòng chống gió bão và bổ xung đất vào gốc cây.

 

Hoàng Giang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm