Đại diện Ngân hàng thế giới đưa ra nhiều thách thức ĐBSCL phải đối mặt

Hoàng Tùng

(Dân trí) - Theo bà Carolyn Turk - đại diện Ngân hàng thế giới tại Việt Nam - ĐBSCL đang phải đối mặt với dân số già, thu nhập bình quân đầu người thấp...

Ngày 24/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội thảo "Chống chịu khí hậu tổng hợp và phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long" tại TP Cần Thơ.

Tại hội thảo, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhấn mạnh câu chuyện thích ứng với biến đổi khí hậu là của cả Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chứ không phải riêng lẻ của từng tỉnh nào trong vùng.

"Chúng ta có một chương trình hỗ trợ ĐBSCL từ Ngân hàng thế giới. Chúng ta phải tư duy từ gói hỗ trợ này, đó là địa phương sẽ được gì, ĐBSCL được gì?", Bộ trưởng Hoan gợi mở.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Mekong Delta là một thương hiệu được thế giới biết đến. Do đó, mọi người cần phải chung tay hành động, không phải chống chịu mà cần liên kết kích hoạt khả năng thích ứng, phục hồi để phát triển.

Đại diện Ngân hàng thế giới đưa ra nhiều thách thức ĐBSCL phải đối mặt - 1

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan (Ảnh: CTV).

Bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, cho rằng, tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thời tiết thay đổi lớn hơn cùng với nhiễm mặn đã được coi là bình thường mới của ĐBSCL.

Tuy nhiên, đại diện Ngân hàng thế giới cũng đưa ra nhiều thách thức mà ĐBSCL đang đối mặt, như: Khoảng cách về chính sách và thể chế, nhất là phối hợp hành động ở cấp vùng; dân số già, thu nhập bình quân đầu người thấp từ một số loại cây nông nghiệp như lúa, đòi hỏi chuyển đổi nông nghiệp ở quy mô lớn và sinh kế bền vững; quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ bờ biển, bờ sông, sụt lún đất...

Theo bà Carolyn Turk, Ngân hàng thế giới đã đồng ý phát triển một dự án mới ở ĐBSCL nhằm hỗ trợ giải quyết các thách thức về quản lý tài nguyên nước và xây dựng sinh kế nông nghiệp trong thời kỳ biến đổi khí hậu.

Đại diện Ngân hàng thế giới đưa ra nhiều thách thức ĐBSCL phải đối mặt - 2

Người dân mưu sinh ở ĐBSCL (Ảnh: CTV).

Một báo cáo về dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững vùng ĐBSCL, do Ngân hàng thế giới tài trợ, cho thấy trong những năm vừa qua, các đợt hạn mặn lịch sử ảnh hưởng lớn đến năng suất và sinh kế người dân hai tỉnh Trà Vinh và Vĩnh Long.

Tại xã Đức Mỹ (huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh), một trạm quan trắc nước mặt tự động vừa được xây dựng. Thay vì phải lấy mẫu, gửi đi xét nghiệm và chờ đợi kết quả thì giờ đây trạm có thể theo dõi nguồn nước một cách liên tục, tự động, cho kết quả nhanh và xử lý kịp thời khi gặp các vấn đề về nguồn nước.

Tại huyện Vũng Liêm (tỉnh Vĩnh Long) có cống kiểm soát, điều tiết nước mặn, ngọt đặt tại lòng sông Vũng Liêm, đã góp phần tiêu úng kiểm soát mặn, ngọt cho gần 28.500 ha đất nông nghiệp và hỗ trợ sinh kế bền vững cho người dân địa phương.

Còn tại tỉnh Đồng Tháp, Ngân hàng thế giới đang hỗ trợ chuyển đổi sinh kế trong mùa lũ ở huyện Tam Nông, huyện Thanh Bình, huyện Hồng Ngự và TP Hồng Ngự.

Mục tiêu dự án tạo ra được vùng ngập lũ, trữ lũ đầu nguồn, giảm ảnh hưởng lũ cho vùng hạ nguồn. Ngoài ra, dự án còn tạo điều kiện sản xuất, lựa chọn được các loại hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu để cho người dân trong vùng dự án có thêm thu nhập, đảm bảo ổn định và an sinh xã hội trong mùa lũ, tránh gia tăng tỷ lệ hộ nghèo hoặc tái nghèo.

"ĐBSCL là ưu tiên của Chính phủ Việt Nam và của Ngân hàng thế giới. Sự hợp tác của chúng ta trong hai thập kỷ qua đã có nhiều kết quả tốt và chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ thông qua quan hệ đối tác bền chặt, vì một ĐBSCL bền vững, thịnh vượng và có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu", Giám đốc quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh.