1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Đại công trường Vinashin

Trước sự xuất hiện liên tục của gần 100 chủ tàu nước ngoài trong các văn phòng của Vinashin, cho rằng nếu cứ triển khai dự án theo quy hoạch phát triển ngành đã được Chính phủ phê duyệt, thì Vinashin không thể hoàn thành các hợp đồng đóng tàu mới (vượt con số 10 tỉ USD).

Đại công trường Vinashin  - 1
Tàu chở hàng trọng tải 53.000 tấn đóng cho Vương quốc Anh - “chiếc vé thông hành” giúp Vinashin bước vào cuộc chơi với các cường quốc đóng tàu trên thế giới.

Khó đồng hành với thị trường đóng tàu thế giới, giới lãnh đạo Vinashin đã trình Chính phủ xin bổ sung cả số lượng và hàm lượng danh mục dự án đầu tư. Dự kiến năm 2010 giá trị thực hiện đầu tư của Vinashin là trên 42.000 tỉ đồng. Ông Phạm Thanh Bình hồ hởi tuyên bố: “Cả Vinashin biến thành một đại công trường!”.

Từ năm cất cánh của Vinashin (2004), giới lãnh đạo Vinashin đã nhìn về năm 2010 bằng con mắt của niềm lạc quan chói lóa. Họ dõng dạc tuyên bố kế hoạch đóng 2.257.000 tấn tàu, xuất khẩu tàu biển mỗi năm 1 tỉ USD, sản phẩm đóng tàu được nội địa hóa 60%, giá trị tổng sản lượng mỗi năm tăng 30%, những con số sẽ đặt chỗ cho Vinashin ở hàng thứ năm trong các cường quốc đóng tàu thế giới.

Để đạt được tham vọng ấy, giới lãnh đạo Vinashin tính toán, trong 6 năm (2004 - 2010), Vinashin phải huy động được ít nhất 40.000 tỉ đồng vốn.

Từ nguồn tiền đó, Vinashin sẽ xây dựng các cụm công nghiệp tàu thủy (CNTT) ở 3 miền Bắc - Trung - Nam. Sẽ đầu tư sâu cho các Cty TNHH một thành viên (các TCty CNTT Nam Triệu, Bạch Đằng, Phà Rừng...), 2 doanh nghiệp nhà nước là Cty tài chính CNTT và Viện Khoa học công nghệ tàu thủy.

Có đắp hàng nghìn tỉ đồng mới biến được TCty CNTT Nam Triệu từ một bãi lầy cò vạc kiếm sống thành nơi khai sinh của các “con voi mamút” - những tàu “Kim cương” 53.000 DWT.

Nhờ đầu tư đà tàu 5 vạn tấn, TCty CNTT Hạ Long mới có cái bắt tay trị giá 300 triệu USD với các chủ tàu nước Anh. NMĐT Dung Quất (5.000 tỉ đồng) chuyên đóng những tàu chở dầu thô trên 100.000 tấn là sự đầu tư táo bạo.

Vinashin hy vọng rằng họ sẽ có một bước đại nhảy vọt từ cái mặt bằng thấp hơn ngọn cỏ quốc nội lên thẳng thị trường đóng tàu thế giới, nhờ vào một đại công trường. Ông Phạm Thanh Bình khẳng định: “Tất cả phải bắt đầu từ đầu tư” và cuộc đại đầu tư đã ào ạt ngay từ khi mới khởi động. Từ một Cty xây dựng, đến năm 2007 Vinashin đã có 9 Cty xây dựng, chưa kể hàng chục Cty khác có chức năng xây dựng.

Các công trường Vinashin mọc như nấm gặp mưa rào từ Quảng Ninh tới Cà Mau. Còn dân Hải Phòng cứ thấy hàng đoàn xe bóng lộn chạy trên đường là biết ở nơi nào đấy lại Vinashin đang động thổ hoặc khánh thành một cái gì đó.

Với tinh thần là “lọt sàng xuống nia”, Vinashin như một gã nhà giàu tham việc ôm tất cả cùng một lúc hơn trăm dự án: Từ xây dựng “người khổng lồ” đóng tàu Dung Quất 5.000 tỉ đồng, phát triển đội tàu viễn dương 1,5 triệu tấn trọng tải, mục tiêu 2010 (mất hàng chục ngàn tỉ đồng), tiếp nhận hệ thống cảng biển quốc gia (Hòn Gai, Chân Mây, Cửa Việt, Xoài Rạp...), sản xuất điện tại Cái Lân, ximăng (1 triệu tấn/năm) tại Hà Nam, thành lập trường đại học đóng tàu Vinashin, đầu tư chứng khoán, du lịch, đến các dự án đào tạo lái xe môtô, xây dựng hệ thống thủy lợi, xuất khẩu thủy sản...

Số dự án nhiều đến nỗi chẳng ai ở Vinashin nói ra ngay được chúng là bao nhiêu, chúng nằm ở đâu và chúng đang đi đến đâu. Cho nên dự án nào cũng thiếu vốn, dẫn đến rất nhiều dự án lai rai! Hàng trăm tỉ đồng đã bị chôn xuống đất để giải phóng, san lấp mặt bằng những dự án không ngóc đầu lên được.

Vinashin tổng kết rằng, vốn ngân sách chỉ đáp ứng được 10%, vốn vay Quỹ Hỗ trợ phát triển là 40%, 50% còn lại là phần thiếu hụt phải tìm từ các ngân hàng thương mại, từ các tổ chức tài chính quốc tế. Họ xin Chính phủ cho Bộ Tài chính và các ngân hàng thương mại trong nước được phép bảo lãnh cho Vinashin vay 200 triệu USD của Chính phủ Ba Lan, 90 triệu USD của Trung Quốc.

Năm 2007, Vinashin đã vay được từ các tổ chức tài chính quốc tế 600 triệu USD không bị kèm theo điều kiện Chính phủ VN bảo lãnh. Họ cũng phát hành thành công 8.300 tỉ đồng trái phiếu DN trong nước.

Để hút vốn từ ngoài vào, Vinashin thành lập các Cty cổ phần, 51% vốn là của họ (trong đó 30% đã là giá trị thương hiệu, thị trường của Vinashin). Vậy mà có rất nhiều người vội vàng góp đến đồng tiền cuối cùng của mình vào “canh bạc” Vinashin.

Tiền đã thay đối diện mạo, tư thế của Vinashin. Thời buổi đất hiếm như vàng, nhiều địa phương rải hàng ngàn hécta đất thành thảm đỏ mời Vinashin. Có vẻ như Vinashin “chấm” vào đâu thì được đấy, kể cả là đất “vàng”, đất “bạc” ở Cam Ranh, Hải Phòng... Người ta hy vọng Vinashin sẽ mang lại việc làm, thu nhập từ thuế và vực dậy nền kinh tế - công nghiệp yếu đuối của họ.

Không hiếm DN (phần lớn gần chết) tranh nhau bám vào “phao” Vinashin. Và Vinashin chứa hết! Năm 2002, Cty vận tải sông  biển Cần Thơ sau gần 10 năm tồn tại đã phải hứng chịu sức ép bắt buộc giải thể. Có người mách họ xin về với Vinashin.

Ông Nguyễn Tiến Dũng - GĐ Cty ngày đó - đã bộc bạch với nhà báo: “Chúng tôi như người sắp chết đuối vớ được phao. Đấy là đồng vốn để sắm một lúc chục cái sà lan và con tàu biển trên 3.000 tấn trọng tải”.

Khi nhìn vào Vinashin, mắt họ chứa toàn là những con số tiền tỉ. Ông TGĐ Cty CP thép Cửu Long hiểu rất rõ điều đó, vì ông đã bị ngân hàng từ chối cho vay trước khi Cty của ông được treo biển hiệu “Cty CP thép Cửu Long Vinashin”. Sau đó, đương nhiên tiền lại có để chảy vào thép Cửu Long Vinashin.

Và điều đáng sợ đã đến: Các Cty con hăng hái vay tiền ngân hàng đầu tư chẳng thua kém Cty mẹ. Cty cổ phần CNTT Hoàng Anh xuất thân từ vùng quê lúa Nam Định, với bãi đóng tàu như sân kho HTX. Về Vinashin, Hoàng Anh “Hai Lúa” rũ bỏ những con tàu sông vài ba trăm tấn để nhằm mục tiêu đóng tàu biển trên vạn tấn. Vốn đầu tư gần 600 tỉ đồng. Khắp các cửa sông từ Nam Định đến Thái Bình, Hoàng Anh xây dựng lên những NMĐT mang tên Thịnh Long.

Họ còn muốn xây một khách sạn 1 triệu đô ở Hải Hậu - Nam Định. Ngày nay những con tàu chỉ  còn đống khung xương, nằm la liệt trên triền đà NMĐT Thịnh Long không phải là thứ mà các chủ ngân hàng muốn nhìn thấy. Thế mà, cơn “khát tiền” đó được đánh giá là nhân tố mới trong công tác đầu tư ở Vinashin.

Trong cơn hào hứng đầu tư, Vinashin đã mua tàu Hoa Sen.

Theo Hà Linh Quân
Báo Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm