1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Đại biểu "xoay" Bộ trưởng Xây dựng về nạn... tắc đường

(Dân trí) - Nhận câu hỏi truy vấn của đại biểu về tình trạng tắc đường đang tái diễn ở Hà Nội, nguyên nhân có phải do nhà cao tầng không ngừng mọc lên, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng thừa nhận đó là vấn đề cần kiểm soát nhưng xét về tổng thể, ùn tắc giao thông thuộc trách nhiệm chung của nhiều bộ, ngành.

Đại biểu Lê Nam (Thanh Hoá) đặt vấn đề với Bộ trưởng Xây dựng, tình hình ùn tắc giao thông gần đây tái phát rất nghiêm trọng. Riêng TPHCM đã có tới 24 điểm thường xuyên kẹt xe, làm cho đời sống nhân dân rất khó khăn. Tắc đường ở Hà Nội cũng trở lại với tính chất rất nghiêm trọng.

Tình trạng này, theo đại biểu, do nhiều nguyên nhân, trong đó có một nguyên nhân là dân số cơ học tăng quá nhanh. Ông Nam lấy ví dụ, chỉ một phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội), theo dự kiến, đến năm 2017 sẽ có thêm 12.000 căn hộ, dân số của phường sẽ tăng thêm 200%.

Trong khi đó, các cơ sở sản xuất phải di dời khỏi nội thành theo kế hoạch thì diện tích đất trả lại đều làm nhà ở trái với Luật thủ đô.

Đại biểu Lê Nam tại phần chất vấn với Bộ trưởng Xây dựng.
Đại biểu Lê Nam tại phần chất vấn với Bộ trưởng Xây dựng.

Ông Nam liên hệ với câu hỏi của đại biểu Đỗ Văn Đương (TPHCM) trước đó dành cho Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về tình trạng nhà cao tầng mọc lên quá nhiều trong nội thành, chủ trương kế hoạch di dời nhiều bệnh viện, trường đại học ra ngoại thành nhưng chục năm qua chưa thực hiện được dẫn đến hệ luỵ là ùn tắc giao thông. Ông Nam chia sẻ nhận định, nguyên nhân quan trọng của việc này là vấn đề quy hoạch và quản lý xây dựng.

Vị đại biểu tỉnh Thanh Hoá đề nghị nêu quan điểm về nhận định này và giải pháp sắp tới để giải quyết vấn nạn ùn tắc tại 2 đầu tàu kinh tế của cả nước.

Đáp lời, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng giải thích, thời gian vừa qua, vấn đề ùn tắc giao thông đã được các bộ, ngành, các địa phương vào cuộc rất quyết liệt, với sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, nhất là về tình hình tại 2 đô thị lớn là Hà Nội và TPHCM. Với nỗ lực đó, nhiều công trình kết cấu hạ tầng giao thông đã được đầu tư, thành hình, những nút giao thông, không gian đã được thực hiện. Việc tổ chức giao thông ở các đô thị cũng được thực hiện, triển khai rất có hiệu quả.

Dù vậy, tình trạng ùn tắc giao thông có xu hướng ngày càng gia tăng, trở thành thách thức rất lớn với mục tiêu phát triển kinh tế, làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân.

Nói về nguyên nhân của vấn nạn tắc đường, Bộ trưởng Xây dựng cho rằng, không chỉ đơn thuần là vấn đề quy hoạch và quản lý xây dựng như đại biểu nói mà là cả những nguyên cớ lâu dài. Cần nhìn nhận vấn đề trên tổng thể chứ ùn tắc giao thông không thể giải quyết một cách dễ dàng một sớm một chiều.

Theo phân tích của Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, vấn đề này có ba nguyên nhân chính. Trước hết, do xu hướng tập trung hóa đô thị, dịch chuyển dân cư từ khu vực bên ngoài vào những đô thị trung tâm lớn. Việc này đang diễn ra không chỉ ở Việt Nam mà hầu hết các nước đang phát triển đều phải đối mặt. Việc tăng mật độ dân số với Hà Nội, theo đó, rất lớn, bình quân là khoảng 13.000 người/km2, thậm chí ở những quận nội thành như quận Đống Đa, sức nén dân cư bình quân đến 40.000 người/km2, cao gấp đôi so với những đô thị tương ứng ở những nước phát triển cao nhất, như Paris cũng chỉ 20.000 người/km2. Còn so với những nước như Hồng Kông, Singapore, Bộ trưởng Xây dựng cho biết, mật độ dân số chỉ có 5.000 - 6.000 người/km2.

Trong khi đó, hệ thống hạ tầng giao thông Hà Nội, TPHCM còn quá nhiều bất cập. Mạng lưới giao thông còn thiếu nhiều, diện tích đất dành cho giao thông (cả giao thông động và tĩnh) đều thấp dưới 50% so với yêu cầu, thiếu hệ thống giao thông công cộng như tàu điện ngầm, tàu điện trên cao, tàu điện trên mặt đất, hệ thống xe buýt nhanh. Nhu cầu vốn đầu tư cho hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông rất lớn, nhưng khả năng nguồn lực đầu tư còn rất hạn chế.

Thêm nữa, tốc độ gia tăng các phương tiện giao thông cá nhân ở Việt Nam rất nhanh, đặc biệt là trong thời kỳ kinh tế được phục hồi, người dân chuyển từ xe máy sang đi ô tô ngày càng nhiều hơn. Tỷ lệ phương tiện cá nhân tại Việt Nam chiếm đến 90%, giao thông công cộng chỉ 10%, rất ít so với thủ đô Seoul  - tới 70% người dân dùng giao thông công cộng, thủ đô Paris - 45%

Trình bày về giải pháp giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho là phải thực hiện từng bước và có lộ trình để khắc phục những nguyên nhân đã nêu, cả những giải pháp trước mắt và giải pháp lâu dài chứ không chỉ xét đến khâu quy hoạch xây dựng đô thị là xong.

Trước hết, để hạn chế việc gia tăng dân số vào Hà Nội, TPHCM, xét từ khía cạnh quy hoạch phát triển đô thị, Bộ trưởng Xây dựng cho rằng, cần thực hiện chiến lược phát triển đô thị quốc gia để hình thành mạng lưới đô thị trên toàn quốc hài hòa giữa các vùng miền của đất nước. Những mạng lưới đô thị, hệ thống đô thị vệ tinh như vậy là những hạt nhân để tạo động lực kinh tế, giữ chân người lao động phân tán đều ở các khu vực.

Trực tiếp với Hà Nội, TPHCM, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng vạch kế hoạch tiếp tục thực hiện quy hoạch xây dựng vùng thủ đô Hà Nội, vùng TPHCM (hiện Bộ Xây dựng đã hoàn thành đồ án điều chỉnh quy hoạch 2 vùng) nhằm tạo ra các đô thị vệ tinh kết nối. Các đô thị vệ tinh này có đủ sức hấp dẫn giãn dân ở đô thị trung tâm, giảm dân số áp lực vào đô thị trung tâm.

Bộ trưởng Xây dựng: Phải đặc biệt kiểm soát nhà cao tầng, không để tăng dân cư trong nội đô.
Bộ trưởng Xây dựng: "Phải đặc biệt kiểm soát nhà cao tầng, không để tăng dân cư trong nội đô".

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhắc Bộ trưởng Xây dựng đi vào vấn đề cụ thể như nhà cao tầng vẫn mọc lên giữa phố, bệnh viện, trường học, trụ sở các cơ quan vẫn chưa di dời ra được khỏi khu vực trung tâm đô thị.

Người đứng đầu ngành xây dựng xác nhận, đó là những việc đã làm, đang làm và phải tiếp tục là để kiểm soát sự gia tăng dân số ở đô thị trung tâm. Bộ Xây dựng đã tham mưu chiến lược phát triển các khu đô thị mới với hạ tầng đồng bộ gắn với nhưng khu nhà ga, tàu điện ngầm sẽ có trong tương lai, có dịch vụ tốt, ở ngoài vùng lõi đô thị để thu hút người dân.

Việc này cần gắn với lộ trình hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông tại 2 thành phố lớn nhất nước, nhất là các tuyến đường sắt đô thị. (Theo quy hoạch, Hà Nội sẽ có 8 tuyến đường sắt đô thị, hiện 2 tuyến đang được thực hiện; TPHCM cũng có 8 tuyến, đang làm 2 tuyến).

“Cùng với đó, phải kiểm soát việc xây dựng nhà ở trong đô thị, đặc biệt kiểm soát nhà cao tầng, không để tăng dân cư trong nội đô, trong khu vực hiện nay dân cư đã đông đúc” – Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng trình bày.

Còn trách nhiệm đặt ra với ngành xây dựng về vấn đề quy hoạch, ông Dũng giải thích, trong tổng thể quy hoạch đô thị thì có cả phần quy hoạch về xây dựng, quy hoạch giao thông và những vấn đề liên quan khác. Xét tổng thể thì đó là trách nhiệm chung của Chính phủ, riêng Bộ Xây dựng không thể làm được hết. Để giải quyết ùn tắc giao thông Hà Nội, TPHCM, trách nhiệm “chia đều” cho các bộ, ngành, cần thiết phải có một lộ trình và có sự phối hợp đồng bộ cả về nguồn lực cũng như những giải pháp khoa học.

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm