1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Đại biểu “xếp hàng” thảo luận thì khó giải quyết được gì”

(Dân trí) - “Đưa ra quy định bao nhiêu phút rồi đại biểu xếp hàng để thảo luận thì khó giải quyết được gì. Tôi thấy, mọi vấn đề phải tranh luận đến cùng mới ra được kết luận. Còn cứ để UBTV Quốc hội tiếp thu như thế này tôi rất tâm tư”, đại biểu Trần Du Lịch nói.

Sáng ngày 14/11, Quốc hội thảo luận Nội dung kỳ họp Quốc hội. Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP Hồ Chí Minh) đề nghị bổ sung nội dung tranh luận trực tiếp giữa các đại biểu trong các phiên thảo luận tại hội trường. Bà Tâm đưa ra đề nghị đó vì thực trạng hiện nay các đại biểu nêu tham luận tại hội trường có nhiều nội dung trùng nhau. Thâm chí một số bài phát biểu sau có nội dung trùng với bài phát biểu trước nhưng đại biểu không nói đồng tình hay không đồng tình mà cứ đọc hết bài.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, nhiều đại biểu phát biểu trùng nhau những vẫn cứ đọc cho hết bài
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, nhiều đại biểu phát biểu trùng nhau những vẫn cứ đọc cho hết bài

“Tôi đề nghị ghi hẳn trong nội quy dành 1/3 thời gian tranh luận cho đến khi hết thời gian thì thôi. Không phải ai cũng biết hết các vấn đề nên qua tranh luận như vậy sẽ giúp đại biểu khác biết thêm thông tin”, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nêu lý do đề xuất.

Trong bài phát biểu, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm còn đề nghị quy định câu hỏi và phần trả lời phải đúng trọng tâm. Quy định đó nhằm tránh trường hợp đại biểu hỏi một chuyện, thành viên bị chất vấn lại tranh thủ báo cáo hoạt động của đơn vị mình.

Nữ đại biểu TP Hồ Chí Minh cũng đề nghị dành thời gian thỏa đáng để Thủ tướng trả lời chất vấn. Theo đại biểu, thời lượng như hiện nay là chưa đáp ứng mong muốn của cử tri. Hơn nữa cử tri cũng rất muốn nghe ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề đại sự của quốc gia. Vì vậy, đại biểu đề xuất nội dung kỳ họp cần thời gian ít nhất là 1 buổi dành cho Thủ tướng trả lời chất vấn.

Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (đoàn Nam Định) cũng cho rằng, có những người biết bị trùng nhưng vẫn nói lại, vì muốn thể hiện hình ảnh của mình trước cử tri ở nhà. Để nội dung kỳ họp thêm sôi nổi, đại biểu đồng tình quan điểm thiết kế hệ thống ưu tiên tranh luận trên hội trường. Tuy nhiên, nội dung cần quy định thời gian tối đa 2 phút để tránh trường hợp có người sử dụng quyền này để trình bày bài tham luận của mình.

Theo đại biểu Trần Du Lịch nếu đại biểu xếp hàng để phát biểu thì khó giải quyết được vấn đề gì
Theo đại biểu Trần Du Lịch nếu đại biểu xếp hàng để phát biểu thì khó giải quyết được vấn đề gì

So với kỳ họp trước, đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP Hồ Chí Minh) nhận thấy kỳ họp này thụt lùi về tranh luận. “Cứ quy định bao nhiêu phút rồi đại biểu xếp hàng để thảo luận thế này thì khó giải quyết được gì. Tôi thấy mọi vấn đề phải tranh luận đến cùng mới ra kết luận. Còn cứ để Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu như thế này tôi rất tâm tư”, đại biểu Trần Du Lịch bảy tỏ.

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (đoàn TP Hà Nội) cũng nhận thấy, các phiên thảo luận toàn thể nội dung vẫn cơ bản là tham luận mà chưa chuyển sang tranh luận. Do đó, theo đại biểu, nội quy kỳ họp Quốc hội cần quy định cụ thể vấn đề tranh luận để khắc phục tình trạng hiện nay, trong đó có vai trò của người điều hành để đại biểu thể hiện quan điểm, chính kiến của mình.

“Lâu nay thấy điều hành tốt rồi, nhưng vẫn băn khoăn về tính không thống nhất của việc điều hành. Cần phải có điều quy định về điều hành phiên họp để khắc phục tính tham luận, chỉ đứng lên đọc một bài chuẩn bị sẵn. Có hàng chục bài chuẩn bị sẵn tương đối trùng nhau”, đại biểu Nguyễn Đình Quyền nói.

Cùng vấn đề trên, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (đoàn Thái Nguyên) lo ngại nếu quy định nội dung tranh luận tại hội trường mà không ấn định thời gian cụ thể thì có khi các đại biểu tranh luận mãi không xong. “Khi đó cử tri lại hỏi chúng tôi bầu ra các ông chỉ để cãi nhau à. Nếu quy định như vậy tôi thấy Quốc hội cần lập không gian riêng để các đại biểu có nhu cầu đến đó tranh luận với nhau”, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng nêu ý kiến.

Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (đoàn Hậu Giang) cũng đồng tình với quan điểm của đại biểu Đỗ Mạnh Hùng. Theo bà Thủy trên hội trường phát biểu thế nào là quyền của đại biểu. Còn tranh luận trên hội trường, đại biểu nhận thấy đây vấn đề hết sức tế nhị vì nếu đưa ra vấn đề không hay thì không tốt cho nội dung kỳ họp.

Quang Phong