Đại biểu "truy" sân golf, đội bóng Cần Thơ có 90% cầu thủ "ngoại"
(Dân trí) - Ngày 8/7, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp HĐND TP Cần Thơ, đại biểu chất vấn về dự án sân golf Cồn Ấu chậm, vì sao đội bóng Cần Thơ có 90% cầu thủ là người ngoài thành phố...
Đại biểu Nguyễn Văn Dũng hỏi: Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt sân golf Cồn Ấu, tại phường Hưng Phú, quận Cái Răng (Cần Thơ). Người dân đã giao mặt bằng cho dự án, tuy nhiên đến nay đã 3 năm các hạng mục rất chậm. Mới đây, UBND TP Cần Thơ có quyết định điều chỉnh thực hiện tiến độ dự án thêm 24 tháng. Xin hỏi Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại sao phải điều chỉnh tiến độ dự án và quan điểm của Sở khi dự án chậm?
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Văn Dũng, ông Lê Thanh Tâm - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ - cho biết: Dự án sân golf Cồn Ấu đã giải phóng mặt bằng được khoảng 95% trên tổng diện tích 80ha, còn khoảng 4ha chưa giải phóng.
Nói về lý do gia hạn, ông Tâm cho biết do Nhà nước thu hồi đất chưa kịp tiến độ, nguyên nhân khách quan là do dịch bệnh. Dự án gia hạn 24 tháng đến thời điểm này là đúng quy định. Cũng theo ông Tâm, thời gian tới, Sở tiếp tục theo dõi tiến độ thực hiện.
Về công tác giải phóng mặt bằng, ông Tâm kiến nghị các đơn vị đẩy nhanh tiến độ để giao nhà đầu tư triển khai, song song đó là công tác bồi thường tái định cư, đảm bảo quyền lợi người dân.
Đại biểu Nguyễn Văn Dũng cũng nêu câu hỏi với ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch: Những năm qua, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao từ cơ sở không có sinh khí do nhiều năm không tổ chức được phong trào, hội diễn, hội thi, các giải thi đấu. Ví dụ như nhiều năm qua không còn phong trào văn nghệ hoa phượng đỏ của các em thiếu nhi, văn nghệ quần chúng của lực lượng công nhân - viên chức - lao động, các giải thể thao, giải bóng đá từ ấp đến xã, huyện, đến thành phố.
"Chúng ta xác định phải xây dựng phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao là từ cơ sở. Các năm qua phong trào này từ cơ sở không có sinh khí. Đơn cử, đội bóng đá xổ số kiến thiết Cần Thơ vừa qua có trên 90% cầu thủ là người ngoài thành phố, không phát hiện nhân tài từ cơ sở lên. Xin hỏi giải pháp và phương hướng thời gian tới ra sao cho các "món ăn" phong trào?" - ông Dũng nêu.
Trả lời câu hỏi trên, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện cho biết, thành phố rất quan tâm lĩnh vực văn hóa, thể thao và có đề án của Thành ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025. Theo báo cáo của ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch, trong năm 2021, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao bị đình trệ do dịch bệnh Covid-19. Đến đầu năm 2022, trong lĩnh vực thể thao đã tổ chức thành công đại hội thể dục thể thao cấp xã, cấp huyện.
Theo ông Hiện, nhiều bộ môn chọn được vận động viên xuất sắc để tham dự đại hội thể dục thể thao cấp thành phố và toàn quốc. Ngoài ra, ở các xã, quận, huyện có nhiều sân bóng mini, sân bóng lớn phục vụ cho phong trào thể dục thể thao trên địa bàn.
Ông Phạm Văn Hiểu - Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ - cho biết: Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao không chỉ đạo thì người dân cũng làm. Trong dân có đờn ca tài tử hoặc khi cắt lúa xong họ chơi đá bóng ngoài đồng.
Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ cho rằng, từ tự phát của nhân dân, phải uốn nắn và phát huy, tổ chức như thế nào thì UBND TP và ngành văn hóa, thể thao suy nghĩ, chẳng hạn như cấp kinh phí hoạt động một năm cho xã triển khai việc này.
"Thay vì nuôi đội bóng hàng trăm tỷ toàn mua ở đâu về thì chúng ta cho mỗi xã 10 triệu đồng thôi để có kinh phí hoạt động. Theo hướng đó, chúng ta nuôi dưỡng phong trào thể dục thể thao để từ cơ sở đi lên, cái đó là gốc rễ của sự bền vững. Cần nhìn nhận, không phải lấy cái tự phát cộng thành thành tích của ngành" - ông Hiểu nêu quan điểm.