1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Đại biểu “truy” gì trong phiên chất vấn tới?

(Dân trí) - Đến thời điểm này đã có 230 câu hỏi của đại biểu gửi đến các thành viên Chính phủ, chuẩn bị cho phiên chất vấn tại Quốc hội tuần tới. Rất nhiều câu hỏi “truy” về những vấn đề thời sự như thủy điện miền Trung, điều hành tỷ giá tiền tệ…

Thủy điện “đánh cược” tính mạng người dân

Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng dự kiến sẽ kỳ thứ 4 liên tiếp đăng đàn trả lời chất vấn. Lần này, Bộ trưởng Công thương lại đứng đầu danh sách với 29 chất vấn, chỉ sau con số 35 chất vấn dành cho Thủ tướng.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (TP Đà Nẵng) đặt vấn đề, một số dự án thủy điện lớn nhỏ đã, đang và sẽ triển khai ở miền Trung và Tây Nguyên là “đánh cược với thiên nhiên, mà phần thua chắc chắn thuộc về con người”.

Đặt vấn đề trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, đại biểu Nghĩa yêu cầu Bộ trưởng Công thương trả lời về giải pháp xây dựng các công trình thủy điện này.
Đại biểu “truy” gì trong phiên chất vấn tới? - 1
Xả lũ ở thủy điện A Vương (Quảng Nam).

Đại biểu Nguyễn Quy Nhơn (Quảng Nam) chỉ đích danh nhà máy thủy điện A Vương xả lũ trong bão nhấn chìm hàng chục ngàn nhà dân các vùng Đại Lộc, Hội An, gây thiệt hại trên 800 tỷ đồng. Còn cái lớn hơn là tính mạng của người dân là không thể tính toán được.

Cử tri Quảng Nam bức xúc yêu cầu Bộ Công thương làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo Công ty CP thủy điện A Vương với hậu quả gây ra.

Ông Nhơn dẫn cả ý kiến của Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cho rằng “những người giữ đập thủy điện chỉ lo bảo vệ họ là chính chứ có bảo vệ dân đâu” để nhắc Bộ Công thương rút kinh nghiệm trong việc chỉ đạo, điều hành lĩnh vực quản lý của mình.

Đại biểu của một địa phương cũng chịu thiệt hại nặng nề với cơn bão số 11 vừa qua, ông Võ Tiến Trung (Phú Yên) làm phép so sánh, nhà máy thủy điện Hòa Bình sau khi đi vào hoạt động thì các tỉnh đồng bằng sông Hồng giảm hẳn lũ lụt trong khi các nhà máy khu vực miền Trung như A Vương (Quảng Nam), Sê San (Gia Lai) thì ngược lại, lúc hạ lưu mức nước thấp thì không xả nhưng khi hạ lưu đang lụt thì xả lũ ồ ạt.

Ông Trung nêu con số, 2 nhà máy thủy điện này xả đến 30.000m3/giây làm dân hạ lưu bị ngập lụt bất ngờ, nước lên cao rất nhanh, chảy siết gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Tỉnh Quảng Nam đã kiểm tra và công bố số liệu về hoạt động của nhà máy A Vương sau cơn bão số 9. Ngày 28/9, nước ở hồ A Vương rất cao, hạ lưu ở dưới mức báo động cấp 3 thì không chịu xả lũ. Đến ngày 30/9, hạ lưu đã vượt báo động 3 gần 1m thì xả lũ ồ ạt dẫn đến mức nước vượt báo động 3 tới 3,5m.

Đại biểu nêu nghi vấn, thủy điện Hòa Bình do nhà nước chỉ đạo điều hành trực triếp nên kết hợp được 2 nhiệm vụ sản xuất điện và chống lũ lụt, còn các nhà máy khác do Bộ Công thương điều hành nên Bộ chỉ nghĩ đến một lợi ích là sản xuất điện?

“Nóng” vấn đề tỷ giá tiền tệ

Các câu hỏi chất vấn dành cho Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu “nóng” về vấn đề tỷ giá tiền tệ.
 
Đại biểu “truy” gì trong phiên chất vấn tới? - 2

Đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) đề cập tình trạng doanh nghiệp nhập khẩu hiện phải mua ngoại tệ với tỷ giá chênh lệch 400-500 đồng/1 USD so với tỷ giá công bố của NHNN (nếu mua 1 triệu USD, doanh nghiệp “mất không” 400-500 triệu đồng). Bà Loan cảnh báo nguy cơ một “chợ đen” về mua bán ngoại tệ hình thành ngay trong hệ thống ngân hàng như đua nhau nâng giá mua để lôi kéo khách hàng, gây áp lực bắt ép doanh nghiệp phải mua theo giá chênh lệch… Đại biểu yêu cầu Thống đốc đưa ra biện pháp giải quyết tình trạng này.

Đại biểu Nguyễn Lân Dũng nhấn vào khía cạnh, khoản phí chênh lệch như bà Loan nói sẽ được trả thông qua một cá nhân hay tài khoản nào đó, tất nhiên không có hóa đơn hay biên nhận. Như vậy, nhà nước sẽ không thu được thuế trên số chênh lệch này. Ông Dũng lo ngại về mức độ phổ biến của tình trạng này.

Đại biểu cũng hỏi thẳng về thông tin một số giám đốc ngân hàng thương mại nhận lương cao tới vài trăm triệu đồng mỗi tháng và đề nghị Thống đốc Nguyễn Văn Giàu công bố vị giám đốc ngân hàng nhận lương tháng cao nhất hiện nay là bao nhiêu.

Đại biểu Hoàng Thị Hảo (Hải Dương) chất vấn: “Căng thẳng ngoại tệ” và vấn đề tỷ giá hối đoái đang gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp nhập khẩu, yếu tố khiến Việt Nam mất điểm nghiêm trọng trong các xếp hạng quốc tế. Thị trường hối đoái ít được cải thiện và gây cản trở cho các nhà đầu tư.

Bà Hảo đòi hỏi một giải pháp hữu hiệu để tháo gỡ khó khăn cho ngân hàng và doanh nghiệp thời gian tới.

P.Thảo