Đại biểu Quốc hội TPHCM nói về việc không được vượt qua "cơ chế đặc thù"
(Dân trí) - Các đại biểu Quốc hội TPHCM đồng tình các chính sách, cơ chế đặc thù sẽ giúp từng địa phương phát huy thế mạnh để phát triển, đóng góp cho Trung ương. Tuy nhiên, việc thực hiện cần giám sát chặt chẽ.
Ngày 22/10, đại biểu Quốc hội khóa XV tại các điểm cầu trên cả nước đã thảo luận tổ nội dung tờ trình dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển 4 tỉnh, thành gồm Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế.
Với đặc thù được triển khai, áp dụng từ sớm và các chính sách đặc thù đã mang lại những thành tựu lớn trong quá trình phát triển thời gian qua, các đại biểu của Tổ đại biểu Quốc hội TPHCM đều đồng tình với sự cần thiết trong việc áp dụng các chính sách đặc thù đối với các địa phương có tiềm năng. Điều này sẽ giúp các tỉnh, thành tự chủ được tài chính, ngân sách, chủ động thực hiện chính sách tầm vĩ mô.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, Quốc hội cần giám sát, chặt chẽ, xác định rõ những điều không được vượt qua và tránh việc khắp nơi xin cơ chế đặc thù theo phong trào.
"Chung áo, chung mũ" nên khó phát huy...
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa chia sẻ hiện tại nhiều địa phương có những tiềm năng, đặc điểm đặc thù nhưng không phát huy được lợi thế. Thực trạng này đến từ việc pháp luật đang "chung áo, chung mũ" đối với các địa phương.
"Sự phân cấp, phân quyền, phân công và các quy định về kinh tế có những ràng buộc và gây khó khăn cho nhiều địa phương trong phát huy thế mạnh, làm hạn chế quyền tự chủ trong bàn hành chính sách, chủ trương" - ông Trương Trọng Nghĩa thẳng thắn nhìn nhận.
Bởi vậy, việc thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù ở một số nơi là cần thiết. Việc thí điểm ngoài hỗ trợ các địa phương còn để Quốc hội, Trung ương xem xét, tính toán mức độ hợp lý của các chính sách và áp dụng rộng rãi trên cả nước.
Tuy nhiên, vị đại biểu Quốc hội đoàn TPHCM cũng lưu ý, bên cạnh thực hiện thí điểm, Chính phủ, Trung ương, các bộ, ngành cần có giám sát và hướng dẫn. Một mặt áp dụng, tạo điều kiện phát huy lợi thế đặc thù, một mặt cần giám sát và không để xảy ra những vi phạm.
Ông Trương Trọng Nghĩa lấy ví dụ về một dự án đã cấp đất vượt thời gian so với thẩm quyền của tỉnh, thành phố và đề nghị, những vấn đề như vậy cần sớm "thổi còi". Ngoài ra, nghị quyết về áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù cần thể hiện, xác định rõ tinh thần, một số điều nằm ngoài thẩm quyền của tỉnh, thành sẽ được tự quyết, tuy nhiên, có những điều không được vượt qua.
"Các vấn đề tài nguyên quốc gia, an ninh, quốc phòng nằm ở đó, nếu nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù không xác định rõ thì có nguy cơ rất lớn" - ông Nghĩa nhấn mạnh.
Ông Trương Trọng Nghĩa cũng đề nghị, việc thực hiện chính sách đặc thù ở các địa phương vừa qua cần tổng kết, rút ra những kinh nghiệm để luật hóa, áp dụng cho cả 63 tỉnh, thành những vấn đề phù hợp. Như vậy, các địa phương không có cơ chế đặc thù không cảm thấy bức xúc.
"Tuy nhiên, cũng cần xác định rõ, có những cơ chế đặc thù không thể áp dụng cho tất cả địa phương mà chỉ dành cho những nơi có đặc điểm, động lực, lợi thể đầu tàu và đặc biệt. Chúng ta cần thực hiện làm sao để việc thông qua các chính sách, cơ chế đặc thù không mang tính hời hợt, hình thức nhưng cũng không sa đà vào "chủ nghĩa bình quân cơ chế đặc thù", nơi nào cũng xin cơ chế đặc thù" - ông Trương Trọng Nghĩa nêu quan điểm.
Cơ chế đặc thù để tự chủ tài chính
Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết, Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng là những đô thị rất đặc biệt nên có các cơ chế đặc thù để phát huy, đóng góp nhiều hơn cho cả nước. Vấn đề cơ chế, chính sách đặc thù đã giúp thành phố đạt được những thành quả quan trọng về quản lý đất đai, thu nhập cán bộ, công chức, viên chức, các vấn đề về thu chi ngân sách Nhà nước.
Đối với 4 địa phương mà Quốc hội trình cơ chế, chính sách đặc thù, ông Trần Hoàng Ngân cho biết chỉ Hải Phòng là có thể tự chủ tài chính và có tỷ lệ điều tiết ngân sách về Trung ương. Các địa phương còn lại gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế đều chưa tự chủ được ngân sách và cần Trung ương hỗ trợ hàng nghìn tỷ mỗi năm.
"Các địa phương này đều có rất nhiều tiềm năng. Cơ chế, chính sách hỗ trợ là cần thiết để giúp các địa phương vươn lên tự chủ tài chính, giúp ngân sách Trung ương có nguồn thu và chủ động thực hiện các chính sách vĩ mô" - ông Trần Hoàng Ngân bày tỏ quan điểm đồng tình với việc áp dụng chính sách, cơ chế đặc thù đối với 4 tỉnh, thành.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, phân tích, sau khi rà soát, cơ chế, đặc thù để phát triển 4 địa phương trên cần tập trung vào 4 nhóm nội dung chính.
Đầu tiên là các cơ chế đặc thù trong quản lý đất đai, phân cấp, phân quyền cho HĐND cấp tỉnh, thành nhiều hơn; 2 là cơ chế quản lý quy hoạch; 3 là quản lý tài chính, ngân sách, thu lệ phí; 4 là thu nhập cán bộ, công chức, viên chức.
Ngoài ra, đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng đồng tình với việc cần những cơ chế giám sát thường xuyên để phát huy nội dung về cơ chế, chính sách, đặc thù cho các địa phương. Ông Ngân cho rằng, trong việc giám sát, các địa phương tự chủ được tài chính sẽ bớt nỗi lo hơn các địa phương không có nguồn thu về Trung ương.
"Đối với các địa phương chưa tự chủ được tài chính nhưng được giao quyền để phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, nếu không kiểm soát tốt, nợ của chính quyền địa phương sẽ làm tăng nợ công chung. Quản lý nợ công chung, giám sát, kiểm soát bội chi ngân sách là những vấn đề cần đặc biệt quan tâm" - ông Trần Hoàng Ngân lấy ví dụ.