1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Đại biểu Quốc hội lo lắng giao quyền lớn cho công an xã phường

(Dân trí) - Nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ lo lắng trước việc dự thảo Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự cho phép công an xã, phường, thị trấn, đồn công an được tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và thực hiện một số hoạt động hỗ trợ cho điều tra.

 

Ông Nguyễn Văn Hiện - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.
Ông Nguyễn Văn Hiện - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.

 

Trình bày trước Quốc hội báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý Dự thảo Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự chiều 18/11, ông Nguyễn Văn Hiện - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết dự thảo không quy định công an xã, phường, thị trấn, đồn công an là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra và thẩm quyền tố tụng mà chỉ quy định trách nhiệm của lực lượng này là hỗ trợ hoạt động điều tra và được thiết kế rõ về trách nhiệm của từng tổ chức công an phường hoặc công an xã cho phù hợp tình hình.

“Thực tế nhiều trường hợp công an xã, phường, thị trấn, đồn công an là nơi đầu tiên tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, bảo vệ hiện trường, phát hiện bắt giữ, tiếp nhận người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã đang lẩn trốn trên địa bàn và bàn giao cho cơ quan điều tra chuyên trách. Do đó việc giao các cơ quan này được tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và thực hiện một số hoạt động hỗ trợ cho điều tra như quy định trong dự thảo luật là phù hợp, nhất là ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa”- ông Hiện nói.

Tuy vậy, đại biểu Trần Văn Độ (An Giang) - nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao, nguyên Chánh án Tòa án Quân sự trung ương - đánh giá, dù đã trải qua nhiều lần lấy ý kiến, góp ý và đã được chỉnh lý cho phù hợp với tình hình nhưng ông vẫn thấy chưa yên tâm khi dự thảo luật cho phép lực lượng này được tiến hành một số hoạt động như kiểm tra xác minh, lấy lời khai ban đầu.

“Quy định thế này còn quá chung chung khiến tôi e là anh em dễ lạm dụng hoặc làm sai mà không biết. Bởi thực tế đã có nhiều vụ án bắt giữ người trái luật, thậm chí xảy ra chết người liên quan đến công an xã”- ông Độ cảnh báo.

Ông Độ đề nghị thu hẹp hơn nữa phạm vi thẩm quyền của lựa lượng này. Ví dụ, công an xã chỉ được xác minh sơ bộ trong một số trường hợp cụ thể như khi xảy ra sự việc nạn nhân sắp chết hoặc người biết sự việc sau này không thể triệu tập. Đối với với trường hợp bắt quả tang, hoặc tố giác thì không cần thiết vì đằng nào vụ việc cũng sẽ được chuyển cho cơ quan điều tra chuyên trách cấp trên.

Khẳng định việc lấy lời khai, bảo quản tài liệu là hoạt động điều tra hình sự, nếu giao các quyền này cho công an xã, phường, thị trấn - vốn là lực lượng bán chuyên trách sẽ vượt quá khả năng của họ, gây khó khăn cho lực lượng chuyên trách, đại biểu Lê Hồng Tịnh (Hậu Giang) còn lo lắng “có thể dẫn đến oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm”.

 

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền - nguyên Viện trưởng VKSND tỉnh Lâm Đồng - góp ý, dù lực lượng công an xã chỉ tiếp nhận thông tin tố giác tội phạm rồi chuyển cho lực lượng chuyên trách nhưng cần phải có lực lượng kiểm soát, nếu không sẽ dễ lạm quyền, bỏ lọt tội phạm.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) đề nghị không giao cho công an xã thực hiện những hoạt động trên vì không đủ trình độ, mà theo chức năng điều tra chỉ đến cấp huyện là đủ.

Trong khi đó, đại biểu Đỗ Kim Tuyến (Hà Nội) - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an) - cho biết thực tế phát sinh khoảng 60% vụ bắt qua tang tiếp nhận từ đầu là công an xã, phường, nhiều trường hợp đặc biệt hung thủ sẽ phi tang, xóa dấu vết. Chính vì thế việc giao cơ quan cấp xã thực hiện một số hoạt động ban đầu và có giới hạn như dự thảo nêu ra là phù hợp.

Thế Kha

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm