1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đại biểu Quốc hội kỳ vọng gì vào tân Tổng Thanh tra Chính phủ?

(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân- Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội - cho rằng người đứng đầu Thanh tra Chính phủ phải là người có trí minh, tâm sáng. “Cơ thể” của cơ quan hành chính, hệ thống hành chính có khỏe được hay không chính là nhờ “thăm bệnh”, “hỏi bệnh”, “bốc thuốc” của Thanh tra Chính phủ.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân.
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân.

- Thưa ông, chiều nay (25/10), Thủ tướng Chính phủ sẽ trình Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm nhân sự Tổng Thanh tra Chính phủ. Theo ông để đáp ứng mong muốn của nhân dân, người đứng đầu ngành Thanh tra phải cần tiêu chuẩn nào?

- Bộ Chính trị đã ban hành Quy định tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Mong muốn của nhân dân, đại biểu Quốc hội là người đứng đầu Thanh tra Chính phủ phải là người có trí minh, tâm sáng. Có câu “phụng công thủ pháp” tức là một mặt anh có tâm, mặt khác phải có trí. Trí là có năng lực, nhận biết đúng sai. Mà muốn nhận biết đúng sai phải tinh thông đường lối chủ trương, pháp luật. Đấy là những bệ đỡ cho anh ấy về mặt tri thức để anh ấy nhận biết đúng - sai.

Với cương vị là người đứng đầu cơ quan thanh tra thì anh phải nắm chắc cái đó để định hướng cho việc giải quyết từng vụ việc cụ thể. Đó là cái trí. Còn cái tâm là phải vì nước vì dân.

Phải gạt bỏ những lợi ích, quan hệ của anh, phải công tâm trong việc xác định từng trường hợp cụ thể và áp dụng vào từng trường hợp cụ thể để xử lý những tình huống vi phạm ở mức độ, cấp độ nào thì xử lý như thế nào cho đúng pháp luật.

Hiện nay, đối với công cuộc phòng chống tham nhũng do Đảng, Nhà nước phát động, Tổng Bí thư trực tiếp là Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng thì đòi hỏi với Tổng Thanh tra Chính phủ còn cao hơn, ở chỗ phải đưa những vụ việc tiêu cực, tham nhũng ra ánh sáng, lấy lại niềm tin cho nhân dân nên kỳ vọng của đại biểu Quốc hội, nhân dân rất lớn.

Nếu như anh không xử nghiêm được các vụ việc mà nhân dân quan tâm thì rõ ràng anh không đáp ứng được yêu cầu, vị trí của anh đòi hỏi, kỳ vọng của nhân dân.

- Trong công tác phòng chống tham nhũng thì người đứng đầu Thanh tra Chính phủ phải vượt qua những thách thức nào?

- Thực chất vai trò của Thanh tra Chính phủ là vai trò kiểm soát nhánh hành pháp, trong hoạt động hành pháp rất dễ dẫn đến vi phạm pháp luật, tiêu cực, dễ dẫn đến lạm quyền, trục lợi. Cho nên kiểm soát tốt được nội bộ, bên trong cơ quan hành pháp, hệ thống hành chính là vấn đề vô cùng hệ trọng.

Vì vậy, đòi hỏi với người đứng đầu cơ quan thanh tra là một mặt phải kiểm soát tốt tình hình chấp hành pháp luật của cả hệ thống và dựa trên quyền được giao phải xây dựng được kế hoạch, chương trình cả nhiệm kỳ, lựa chọn vấn đề xã hội quan tâm, vấn đề bức xúc mà dư luận đặt ra.

Anh phải có thanh tra đột xuất khi dư luận nêu ý kiến về một cá nhân, đơn vị cụ thể; tập trung lực lượng, phúc đáp ngay vấn đề dư luận đặt ra.

Anh cũng phải chấn chỉnh kỷ cương, phép nước ở ngay chính trong cơ quan thanh tra. Nếu người làm công tác thanh tra lại lạm dụng quyền hạn pháp luật trao cho, bẻ cong pháp luật thì người đứng đầu cơ quan thanh tra phải chịu trách nhiệm, trước hết là đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; thứ hai không còn uy tín với Quốc hội. Chính vì thế nên áp lực với người đứng đầu cơ quan Thanh tra trong bối cảnh hiện nay là vô cùng lớn. Phải giải quyết một loạt vấn đề, phải cộng hưởng với các cơ quan của Đảng.

Vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã hoàn thành rất xuất sắc nhiệm vụ nên cộng hưởng của cơ quan thanh tra là phải đi theo được cái tiến độ giải quyết các vụ án lớn mà Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng chỉ đạo các cơ quan của Đảng đã làm.

Về mặt Nhà nước thanh tra phải đi theo kịp nhịp đập của Đảng, xã hội. Mặt khác thông qua hoạt động thanh tra củng cố thêm sức mạnh của Chính phủ, tức là cơ thể của cơ quan hành chính, hệ thống hành chính có khỏe được hay không chính là “thăm bệnh”, “hỏi bệnh”, “bốc thuốc” của Thanh tra Chính phủ.

- Vậy ông đánh giá hoạt động của Thanh tra Chính phủ trong gần 2 năm qua đã đáp ứng kỳ vọng của Quốc hội và người dân?

- Có thể nói, hoạt động của Thanh tra Chính phủ trong thời gian qua bắt đầu có khởi động nhưng so với cơ quan kiểm tra của Trung ương thì đang còn chậm. Ở đây, thể hiện qua nhiều vụ việc mà Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc, điển hình nhất là vụ thanh tra biệt phủ, tài sản của gia đình ông Phạm Sỹ Quý- Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái.

Dư luận đòi hỏi phải thanh tra nhanh, chính xác, kịp thời và chính người đứng đầu đoàn thanh tra đã tuyên bố với thời hạn như vậy sẽ công bố ngay nhưng để chậm trễ công bố như vậy thì nó có thể đặt ra nhiều dấu hỏi, nghi vấn.

Nhưng tôi được biết do tính cẩn trọng và chính Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo thanh tra hết sức khách quan, công tâm nên Thanh tra Chính phủ phải chuẩn bị kết luận kỹ lưỡng cho nên mới chậm.

- Xin cảm ơn ông!

Thế Kha (ghi)