Đại biểu Quốc hội đề xuất để dân trực tiếp bỏ phiếu bầu Chủ tịch Đà Nẵng

Hoài Thu
Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV

(Dân trí) - Nhắc lại đề xuất "mạnh dạn bầu Chủ tịch thành phố Đà Nẵng trực tiếp bằng lá phiếu của nhân dân", đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim nhìn nhận đây là một bước đi dân chủ.

Sáng 7/6, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị) nhất trí việc bổ sung các chính sách đặc thù, vượt trội, đột phá để tạo thêm động lực và sức lan tỏa cho Đà Nẵng tiếp tục phát triển.  

Góp ý thêm về vấn đề phân cấp, phân quyền, ông Đồng cho rằng dự thảo nghị quyết cho thấy nhiều lĩnh vực trong hoạt động quản lý của thành phố Đà Nẵng đã được phân quyền, phân cấp mạnh.

Đại biểu Quốc hội đề xuất để dân trực tiếp bỏ phiếu bầu Chủ tịch Đà Nẵng - 1

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng (Ảnh: Hồng Phong).

Tuy nhiên, vị đại biểu cho rằng cần đẩy mạnh hơn nữa để phát huy vai trò tự quản, tự chịu trách nhiệm của thành phố trong xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính và chế độ công vụ.

Ông Đồng ghi nhận một điểm mới, tiến bộ trong dự thảo nghị quyết lần này là không phân biệt cán bộ công chức ở xã, phường với cấp huyện, cấp tỉnh, tức là cán bộ công chức cấp xã được xác định rõ ràng là cán bộ công chức và thuộc tổng biên chế của thành phố Đà Nẵng.

"Dự thảo chỉ giao thẩm quyền quyết định biên chế cán bộ công chức làm việc ở phường, xã tại TP Đà Nẵng cho HĐND TP Đà Nẵng quyết định vẫn chưa thể hiện triệt để chủ trương của Đảng là đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền. Nếu phân cấp Đà Nẵng thẩm quyền quyết định một phần biên chế cán của cán bộ công chức ở thành phố, đó là phân cấp nửa vời.

Nhấn mạnh cần mạnh dạn đẩy mạnh phân cấp về quản lý biên chế, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Trị đề nghị Quốc Hội phân quyền quyết định biên chế cán bộ công chức, viên chức cho Đà Nẵng và có sự kiểm soát, kiểm tra, thanh tra của trung ương.

Đại biểu Vũ Trọng Kim (Nam Định) cũng đồng tình cần có sự phân quyền mạnh mẽ hơn vì đây là điều kiện để thí điểm.

Đại biểu Quốc hội đề xuất để dân trực tiếp bỏ phiếu bầu Chủ tịch Đà Nẵng - 2

Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim (Ảnh: Hồng Phong).

Trước diễn đàn Quốc hội, ông Kim một lần nữa nhắc lại đề xuất "mạnh dạn bầu Chủ tịch thành phố Đà Nẵng trực tiếp bằng lá phiếu của nhân dân" vì đây là bước đi dân chủ.

Nói rõ hơn về đề xuất này, đại biểu Vũ Trọng Kim nhấn mạnh cần đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, đảm bảo sự thống nhất của HĐND, giới thiệu của MTTQ và đưa ra ứng cử để tiến hành làm việc này.

Giải trình thêm ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh Đà Nẵng là một thành phố năng động với một vị trí rất quan trọng.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá không gian và dư địa phát triển của Đà Nẵng bắt đầu bị bó hẹp, nên cần một cơ chế mới để nơi đây phát huy được vai trò là trung tâm của vùng, vùng động lực miền Trung từ Huế vào đến Quảng Ngãi.

"Đà Nẵng là một cực tăng trưởng của cả nước nên khi bàn cơ chế không phải bàn riêng cho Đà Nẵng, mà cho cả vùng động lực này. Đà Nẵng phải đi trước, phải đạt được những thành tựu cao hơn, nhanh hơn nữa để lôi kéo, thúc đẩy và lan tỏa ra các địa phương khác", ông Dũng nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội đề xuất để dân trực tiếp bỏ phiếu bầu Chủ tịch Đà Nẵng - 3

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (Ảnh: Hồng Phong).

Nhiều đại biểu băn khoăn khi các cơ chế, chính sách ở Đà Nẵng giống với 10 địa phương khác, song Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết lần này các cơ chế, chính sách cho Đà Nẵng đã đưa vào những mô hình mới; tập trung vào những ngành nghề đang có thế mạnh, xu thế và giá trị cao.

Ngoài ra, theo ông Dũng, Đà Nẵng sử dụng ít ngân sách của Trung ương nhất, đó là điều khác biệt.

Ông Dũng cũng cho biết Thủ tướng đang giao rà soát lại tất cả cơ chế, chính sách của 10 địa phương vừa qua làm và liên quan đến từng địa phương của từng vùng, nếu thấy phù hợp thì cho phép được áp dụng và nhân rộng cho các địa phương khác.

"Chúng ta cũng không cần phải chờ làm mất cơ hội của các địa phương khác", Bộ trưởng KH&ĐT nói.