Đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc phạm vi trẻ em được trợ giúp pháp lý

(Dân trí) - Đại biểu Vương Ngọc Hà (Hà Giang) cho rằng trẻ em tham gia vào rất nhiều các mối quan hệ xã hội được pháp luật điều chỉnh và quyền của các em đã được ghi nhận trong Luật chăm sóc và bảo vệ trẻ em nên Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) cần cân nhắc phạm vi mà các em được trợ giúp pháp lý.

Đại biểu Quốc hội Vương Ngọc Hà (Ảnh: Quochoi.vn).
Đại biểu Quốc hội Vương Ngọc Hà (Ảnh: Quochoi.vn).

Thảo luận tại hội trường Quốc hội về dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) ngày 1/6, đại biểu Vương Ngọc Hà (Hà Giang) cho biết, dự thảo được trình ra lần này đã bổ sung đối tượng được trợ giúp pháp lý là trẻ em trong quá trình tố tụng, xử lý vi phạm hành chính, phục hồi tái hòa nhập cộng đồng và nhóm đối tượng 16-18 tuổi khi bị buộc tội.

Tuy vậy, theo đại biểu Hà, cách quy định như trong dự thảo thì các em chưa được hưởng thụ đầy đủ 3 hình thức trợ giúp pháp lý. Cụ thể, đối với hình thức tham gia tố tụng thì theo quy định của dự thảo, các em đã được hưởng thụ đầy đủ. Nhưng đối với hình thức đại diện ngoài tố tụng thì dường như các em chỉ được hưởng khi bị xử phạt vi phạm hành chính và việc tư vấn pháp luật chỉ dành cho một nhóm trẻ em là khi tái hòa nhập cộng đồng.

“Vì vậy, tôi cảm thấy rất băn khoăn khi các em còn tham gia vào rất nhiều các mối quan hệ xã hội được pháp luật điều chỉnh và quyền của các em đã được ghi nhận trong Luật chăm sóc và bảo vệ trẻ em, trong đó có những quyền rất cần được hướng dẫn, hỗ trợ để các em thực hiện. Ví dụ, quyền được bảo vệ không bị xâm hại tình dục, quyền được bảo vệ không bị bóc lột sức lao động và quyền được bảo vệ để không bị bạo lực bỏ rơi, bỏ mặc... Chính vì vậy, làm thế nào để các em thực hiện được quyền của mình thì các em rất cần được hướng dẫn, được nghe ý kiến của người trợ giúp. Vì vậy, tôi rất mong ban soạn thảo sẽ cân nhắc nội dung, phạm vi mà các em được trợ giúp pháp lý”- đại biểu tỉnh Hà Giang nêu quan điểm.

Trong khi đó, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) lại tán thành với các đối tượng trợ giúp pháp lý được quy định tại dự thảo nhưng cũng nhận thấy việc bổ sung người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo vào đối tượng trợ giúp pháp lý mà không trợ giúp pháp lý cho người thuộc hộ nghèo là người bị hại trong vụ án hình sự là chưa đầy đủ. Việc này là bỏ qua một đối tượng yếu thế khi bị xâm hại bởi hành vi phạm tội mà họ cần được trợ giúp pháp lý.

Đánh giá dịch vụ trợ giúp pháp lý chất lượng còn hạn chế, vẫn bị coi là một dịch vụ hạng hai, chất lượng không cao nhưng đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) khẳng định việc mở rộng đối tượng đến đâu là một vấn đề rất quan trọng và cần phải tính toán cẩn thận để bảo đảm nâng cao chất lượng của dịch vụ này.

“Tôi đọc trong tờ trình của Chính phủ thấy các đối tượng đã được đánh giá tác động. Nếu theo phương án này, số lượng người chúng ta dự kiến khoảng 20.000 người, với dự kiến kinh phí khoảng 155 tỷ đồng. Nhưng nếu mở rộng đối tượng được trợ giúp pháp lý theo ý kiến đề nghị thì số lượng có thể tăng lên gấp đôi số này”- ông Cường nói.

Trả lời đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Luật trợ giúp pháp lý hiện hành có 6 đối tượng và 6 diện người được hưởng trợ giúp pháp lý. Dự thảo luật trình Quốc hội lần này có 14 nhóm người. Những người bây giờ đang thụ hưởng trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật thì không có thay đổi.

“Theo thống kê sơ bộ của chúng tôi, chúng ta bổ sung như vậy thì so với diện người được hưởng trợ giúp pháp lý hiện hành sẽ tăng từ 17 triệu lên 31 triệu. Bản chất ở đây xuất phát từ một nguyên lý là những người được trợ giúp pháp lý phải là những người yếu thế, những người không có khả năng chi trả về mặt tài chính, vấn đề này hoàn toàn phù hợp với quy định của hai công ước quốc tế.

Công ước quốc tế năm 1966 về quyền dân sự và chính trị có khẳng định điều kiện là những người không có khả năng chi trả thì được thụ hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý. Công ước quốc tế về quyền trẻ em thì chỉ hạn chế ở các vụ việc liên quan đến hạn chế tự do, ở đây có một số biện pháp về hành chính và một số biện pháp về hình sự”- ông Long phân tích.

“Xuất phát từ tiêu chí những người có khó khăn về tài chính và điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước và dịch vụ trợ giúp pháp lý cũng phải có chất lượng, trong khi nguồn lực có hạn chế nhất định như vậy thì có gom lại một số đối tượng với các tiêu chí như thế, về mặt pháp lý thì không vi phạm”- Bộ trưởng Long nhấn mạnh.

Thế Kha