Đại biểu nói về app đăng ký tiêm vắc xin, nêu phương án cách ly F0 tại nhà
(Dân trí) - Lấy ví dụ về app đăng ký tiêm phòng vắc xin, đại biểu Phan Đức Hiếu cho rằng có thể công khai các thông tin về các biện pháp phòng, chống dịch và cho người dân có những tiếng nói góp ý, phản biện.
Thảo luận tại hội trường Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội chiều 25/7, đại biểu Phan Đức Hiếu (Thái Bình) đề nghị bổ sung các nội dung tăng cường phối hợp, hợp tác giữa các cơ quan địa phương trong triển khai biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo nguyên tắc công nhận lẫn nhau và công khai thông tin, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin.
"Tại sao tôi lại nói câu chuyện này? Bởi vì trong bối cảnh hiện nay thì dịch bệnh ở các địa phương rất khác nhau và các biện pháp phòng, chống dịch là rất khác nhau. Trong một hoàn cảnh nào đó thì đây là các biện pháp cần thiết. Nhưng nếu như sự khác biệt giữa các biện pháp phòng, chống dịch thì dẫn đến ùn tắc về việc lưu thông hàng hóa và con người"- ông Hiếu lý giải.
Ông Hiếu phản ánh thực tế đang diễn ra trên các tuyến đường quốc lộ bị ùn tắc hàng hóa. Việc phối hợp giữa các địa phương trong trường hợp này là giảm tối đa những điều kiện, biện pháp khác biệt không cần thiết, thì mới dẫn đến sự lưu thông, vận chuyển hàng hóa.
Đáng chú ý, ông Hiếu đưa ra ví dụ về app đăng ký tiêm phòng vắc xin. "Nếu như chúng ta ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, mà theo đó chúng ta công khai các thông tin về các biện pháp phòng, chống dịch, các chính sách hỗ trợ, thậm chí cho người dân có những tiếng nói và ý kiến góp ý phản biện trực tiếp lên các ứng dụng như vậy thì tăng niềm tin của người dân, tăng thông tin chính thống, thậm chí còn giảm bớt được những thông tin xuyên tạc, sai sự thật"- ông Hiếu phân tích.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Hà Nội) khẳng định cách ly tập trung trong bệnh viện dã chiến cần thực hiện nghiêm túc quy trình theo dõi chặt chẽ, điều kiện sinh hoạt bảo đảm. Nếu không được như vậy, ở những vùng dịch bùng phát có thể triển khai cách ly F0 tại nhà với các gói theo dõi ứng dụng khám chữa bệnh từ xa.
Những người nhiễm không triệu chứng có nhà riêng đủ điều kiện cách ly cần được thực hiện gói chăm sóc như nhân viên y tế, điện thoại 2 ngày mỗi lần, sử dụng app chuyên dụng để tự nhận biết các dấu hiệu nguy hiểm và cách xử lý, video call các bác sĩ từ xa. Tủ thuốc điều trị Covid-19 tại nhà sẽ được cung cấp, đánh số và sử dụng theo hướng dẫn của các nhà chuyên môn.
"Khi bệnh trở nặng phát hiện bằng các phương pháp phương tiện từ xa như là bão hòa ôxy cầm tay, máy đo huyết áp nhịp tim thì có xe đón để đưa bệnh nhân tới nhập viện"- ông nói.
Lo lắng về tác động tiêu cực của dịch bệnh lên sức khỏe tinh thần
Ở khía cạnh khác, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đánh giá, thời điểm hiện tại chúng ta mới chỉ quan tâm nhiều đến những thiệt hại về mặt kinh tế và những tác hại trên lĩnh vực sức khỏe thể chất mà dịch bệnh Covid-19 gây ra cho con người. Còn một thiệt hại lớn lao và sâu sắc khác, theo bà, là những thiệt hại và tổn thất về sức khỏe tinh thần.
Những tổn thương về tâm lý, tinh thần mà dịch bệnh gây ra cho con người khó nhận biết hơn, khó tính toán cụ thể nhưng đó là những tác động ngầm gây ảnh hưởng đến tư duy, nhận thức của con người mà hậu quả của nó để lại không kém những tổn thất về kinh tế gây ra.
Đại biểu tỉnh Hải Dương nhận định, đại dịch Covid-19 đã phá vỡ thói quen sinh hoạt, làm việc, học tập của người dân và để kiềm chế sự bùng phát, lây lan của dịch bệnh, chúng ta đã phải thực hiện giãn cách xã hội, cách ly, phong tỏa, những nhu cầu đơn giản của cuộc sống bình thường trước kia đã trở thành xa xỉ không thể thực hiện được khi dịch bùng phát.
Học trực tuyến, làm việc trực tuyến, giãn cách xã hội, cách ly là những giải pháp cần thiết, cấp bách, hiệu quả để chống dịch. Nhưng điều này có phần tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của con người, sự mệt mỏi, lo lắng, bất an khi chứng kiến dịch bệnh kéo dài, nỗi hoảng loạn đối với những người mất người thân, sự u uất, chán chường của những người bị mất việc làm, mất thu nhập, bị phá sản, những kế hoạch cho cuộc sống bị đảo lộn.
"Tất cả những điều này tạo thành tâm lý nặng nề cho con người mà nếu không được quan tâm đúng mức thì chúng ta sẽ thấy có rất nhiều hệ lụy tiêu cực. Nhiều nước trên thế giới có những khảo sát, nghiên cứu công phu, nghiêm túc về tác động tiêu cực của dịch bệnh lên sức khỏe tinh thần của con người, nhưng ở Việt Nam chúng ta chưa có nghiên cứu cụ thể về vấn đề này"- bà Nga lo lắng.
Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XV cũng nêu rất rõ, trong bối cảnh phải cách ly, giãn cách xã hội thì một bộ phận trẻ em không được đến trường lớp và không được vui chơi tương thích với lứa tuổi. Điều này ảnh hưởng rất nhiều tới tâm sinh lý của các em.
Vì vậy, bà đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ban, ngành có liên quan cần có những giải pháp phù hợp để đại dịch Covid-19 không trở thành cuộc khủng hoảng tâm lý xã hội kéo dài, ảnh hưởng tiêu cực đến lối sống, tư duy của nhân dân. Trong đó có những vấn đề cần đặc biệt quan tâm liên quan đến chất lượng các dịch vụ xã hội sau đại dịch; lắng nghe, rà soát, kịp thời xử lý các dư luận xã hội tiêu cực, sai lệch, gây chia rẽ, mất đoàn kết và tăng cường triển khai các chương trình hoạt động truyền thông, truyền cảm hứng để lan tỏa năng lượng tích cực.