Lâm Đồng:

Đã xác định danh tính những đối tượng xẻ thịt bò tót

(Dân trí) - Tính đến chiều ngày 10/10, Công an huyện Cát Tiên (Lâm Đồng) đã xác định được danh tính của 9 trong số 17 đối tượng vây giết và xe thịt bò tót tại Vườn quốc gia Cát Tiên vào ngày 5/10.

Theo đó, 9 đối tượng này đều là người dân sinh sống tại thôn Phước Sơn, xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên. Hiện cơ quan công an đang tiếp tục lấy lời khai của các đối tượng này để xác định danh tính 8 đối tượng còn lại.

Bò tót tại Vườn quốc gia Cát Tiên (ảnh: VQG Cát Tiên)
Bò tót tại Vườn quốc gia Cát Tiên (ảnh: VQG Cát Tiên)

Theo UBND huyện Cát Tiên, vào ngày 5/10, người dân thôn Phước Sơn phát hiện một con thú rừng theo đàn bò nhà xuống suối uống nước. 17 người dân thôn Phước Sơn đã tập trung vây giết con thú này, sau đó xẻ thịt chia nhau. 1 số người đem bán thịt con thú này với giá 100.000 đồng/kg, còn đầu và mật được bán với giá 3.000.000 đồng.

Sau khi được người dân phản ánh đây là 1 con bò tót, loài thú quý hiếm nằm trong Sách đỏ và là 1 trong 43 loài đang có nguy cơ tuyệt chủng, cơ quan công an đã vào cuộc điều tra.

Hiện Công an huyện Cát Tiên cũng đã xác định được người mua đầu và mật con thú này là ông H.V.T ngụ tại thôn Cát Lâm 2 – xã Phước Cát 1. Đầu và mật con thú này đã được cơ quan công an giao cho Vườn quốc gia Cát Tiên đem đi giám định.

Bò tót là một loài thú hoang dã thuộc bộ móng guốc ngón chẵn nằm trong danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành năm 2011. Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự do Quốc hội ban hành ngày 19/6/2009, những đối tượng có hành vi giết hại, mua bán thịt và các bộ phận cơ thể con bò tót này có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự.

Mục 1, điều 190 của luật này quy định về Tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ghi rõ: “Người nào săn bắt, giết, vận chuyển, nuôi, nhốt, buôn bán trái phép động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc vận chuyển, buôn bán trái phép bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của loài động vật đó, thì bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến năm trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.

Tùng Nguyên