Đà Nẵng siết hoạt động vận tải sau vụ taxi đình công ở sân bay
(Dân trí) - Sau vụ nhiều tài xế taxi đình công không đón khách ở sân bay quốc tế Đà Nẵng vào sáng 4/11, UBND TP Đà Nẵng đã giao cho Sở GTVT phối hợp với các đơn vị liên quan đề ra các biện pháp nhằm siết lại hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô tại sân bay này.
Trước đó, như đã đưa tin, sáng 4/11, nhiều tài xế taxi của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn TP Đà Nẵng đã bất ngờ đình công, không đón khách tại sân bay quốc tế Đà Nẵng. Sự việc này khiến nhiều hành khách gặp khó khăn trong việc tìm phương tiện khác để di chuyển.
Nguyên nhân ban đầu theo tìm hiểu là do tài xế của các hãng taxi (Mai Linh, Tiên Sa, Hải Vân, Datranco...) cho rằng xe Grab, xe "dù" hoạt động mạnh khiến các hãng taxi mất khách, dù các hãng đều đăng ký và đóng tiền phí bến bãi chờ đón khách trong khu vực Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng.
Liên quan đến sự việc trên, phóng viên đã liên lạc với ông Nguyễn Ngọc Tuấn – Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng để tìm hiểu thêm thông tin, tuy nhiên, ông Tuấn nói đã giao cho Sở GTVT TP Đà Nẵng xử lý.
Theo ông Bùi Thanh Thuận – Phó Giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng, sau sự việc nói trên, các cơ quan chức năng liên quan đã tổ chức cuộc họp và đi đến thống nhất, đề nghị: Trung tâm an ninh hàng không sân bay quốc tế Đà Nẵng chủ chì phối hợp với Thanh tra Sở GTVT, Hiệp hội Taxi TP Đà Nẵng hoàn thiện quy chế phối hợp tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải tại khu vực sân bay quốc tế Đà Nẵng.
Tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý kiên quyết các trường hợp gây rối, làm mất trật tự tại khu vực sân bay; không để lái xe đỗ trong khu vực chờ đón khách tại sân bay; trường hợp phát hiện lái xe có dấu hiệu vi phạm các điều kiện kinh doanh vận tải, thông báo cho Thanh tra Sở GTVT cử người phối hợp xử lý theo quy định.
Sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để thống kê danh sách các ô tô thường xuyên ra vào sân bay Đà Nẵng để đón trả khách không đúng quy định,…; có văn bản chuyển thông tin, hình ảnh camera ghi lại sự việc xảy ra trong ngày 4/11 đến Sở GTVT để báo cáo UBND thành phố chỉ đạo công an điều tra, xử lý các đối tượng có hành vi lôi kéo, kích động lái xe đình công, gây rối trật tự tại sân bay Đà Nẵng.
Ngoài ra, tại cuộc họp, ông Bùi Thanh Thuận cũng đã giao Thanh tra Sở GTVT và Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái; đề nghị Công an quận Hải Châu và Hiệp hội taxi TP Đà Nẵng; yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe taxi thực hiện một số công việc cụ thể nhằm giải quyết dứt điểm, không để xảy ra tình trạng như phản ánh ở trên.
Đà Nẵng chưa đồng ý cho Grab hoạt động
Cũng liên quan đến sự việc trên, tại buổi làm việc với phóng viên Dân trí, lãnh đạo Hiệp hội Taxi TP Đà Nẵng cho biết, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ taxi và Hiệp hội Taxi không có chủ trương phản ứng như vậy.
Nói về việc xe “dù” và xe Grab tự do hoạt động ở sân bay là nguyên nhân chính dẫn đến các tài xế taxi đình công, vị lãnh đạo Hiệp hội Taxi TP Đà Nẵng thừa nhận: “Các xe taxi đều phải đóng phí mới được hoạt động đón khách ở sân bay và phải xếp hàng theo thứ tự, còn xe “dù”, xe Grab lại tự do hoạt động khiến các tài xế bức xúc. Hiệp hội Taxi Đà Nẵng cũng đang tích cực phối hợp với Sở GTVT và các đơn vị liên quan để giải quyết vấn đề này”.
Cũng theo vị lãnh đạo Hiệp hội Taxi TP Đà Nẵng, mặc dù TP Đà Nẵng chưa đồng ý cho Grab hoạt động thí điểm, nhưng hiện nay tại thành phố này đã có khoảng 4.000-5.000 xe Grab hoạt động. Trong khi đó, 8 hãng taxi hoạt động trên địa bàn TP Đà Nẵng mới có 1.700 xe theo quy hoạch.
Trước đó, tại công văn số 1000/UBTP-SGTVT ngày 14/2/2017 của UBND TP Đà Nẵng cho biết: Ngày 6/1/2017, Sở GTVT TP Đà Nẵng đã có văn bản số 57/SGTVT-QLVTPTNL báo cáo Thường trực Thành ủy, Thường trực HĐND, UBND TP Đà Nẵng có ý kiến với Bộ GTVT về việc cho phép TP Đà Nẵng chưa thí điểm triển khai ứng dụng Grabcar trên địa bàn thành phố với lý do: So sánh hoạt động kinh doanh vận tải ứng dụng Grabcar với kinh doanh vận tải bằng xe taxi, hai loại hình kinh doanh vận tải này có điểm tương đồng: Cùng sử dụng xe ô tô dưới 9 chỗ; Cùng phạm vi hoạt động trên địa bàn thành phố; Cùng hình thức gọi xe (qua tổng đài và phầm mềm ứng dụng internet); Giá cước, giá hợp đồng tính theo kilomet lăn bánh, hình thức thanh toán linh hoạt (tiền mặt hoặc thẻ).
Như vậy, về cơ bản loại hình kinh doanh vận tải này hoạt động tương tự như kinh doanh vận tải bằng xe taxi, khi đưa vào hoạt động sẽ cạnh tranh trực tiếp với loại hình xe taxi đang được cấp phép hoạt động theo quy hoạch của thành phố với 1.700 xe taxi. Việc thí điểm mô hình Grabcar tại Đà Nẵng vào thời điểm hiện tại sẽ làm gia tăng số lượng ô tô dưới 9 chỗ (cùng với phương tiện đang hoạt động taxi), làm vỡ quy hoạch phát triển mạng lưới taxi đã được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt, gây nên kẹt, ùn tắc giao thông càng nghiêm trọng trên địa bàn. Trong đó, tình hình nhu cầu vận tải hành khách đang hoạt động ổn định,…
Do vậy, tại cuộc họp ngày 12/1/2017, Thường trực Thành ủy thống nhất giao UBND thành phố có văn bản gửi Bộ GTVT về việc thành phố chưa thí điểm triển khai ứng dụng Grabcar.
Dễ dàng gọi xe ô tô dưới 9 chỗ qua phầm mềm Grab tại TP Đà Nẵng.
Một tài xế Grabcar tại Đà Nẵng trò chuyện với phóng viên Dân trí.
Để kiểm chứng trên địa bàn TP Đà Nẵng có nhiều xe Grab hoạt động, ngày 6/11, phóng viên đã có mặt tại thành phố này và rất dễ dàng gọi xe qua ứng dụng phần mềm Grab. Tài xế Grab L.Q.T. điều khiển xe ô tô 7 chỗ mang BKS 43A-3xxxx chở phóng viên di chuyển trên đường phố Đà Nẵng chia sẻ: “Gần đây khách hàng thích lựa chọn đi Grab hơn taxi vì xe của Grab thường đẹp, sạch sẽ và giá cả phải chăng. Thành phố chưa cho Grab hoạt động, bọn em chạy như này mà bị thanh tra phát hiện sẽ bị phạt”.
Hoàng Dũng