Đà Nẵng nổi gió, mưa to từ 4h sáng

(Dân trí) - Tại Đà Nẵng, từ 4h sáng, trời bắt đầu nổi gió lớn kèm mưa to. Người dân đã có thể cảm nhận gió giật từng hồi. Tuy nhiên, gần về sáng, mức độ gió, mưa lại dịu hơn.

Thông tin mới nhất về cơn bão Haiyan, theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung bộ, hồi 5 giờ ngày 10/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,0 độ Vĩ Bắc - 110,8 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Ngãi – Quảng Trị 250km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, cấp 14 (tức là từ 134 đến 166 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16.

Vị trí hướng đi của bão Haiyan vào sáng nay (10/11)
Vị trí hướng đi của bão Haiyan vào sáng nay (10/11)

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, đi dọc các tỉnh Trung Trung Bộ, mỗi giờ đi được khoảng 30km. Đến 4 giờ ngày 11/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,2 độ Vĩ Bắc; 105,6 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Bắc Trung Bộ và khu vực Nam Đồng Bằng Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88 km một giờ), giật cấp 10, cấp 11.

Tại khu vực Trung Trung Bộ do ảnh hưởng của bão số 14, nên có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to. Trên đất liền có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 10-11.

Trên biển có gió mạnh dần lên cấp 8, cấp 9, sau tăng lên cấp 10 - 11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12 - 14, giật cấp 15, cấp 16. Biển động dữ dội, sóng biển cao 3 – 5m, vùng gần tâm bão 5 - 7m.

Khu vực ven biển cần đề phòng nước dâng do bão kết hợp với triều cường cao từ 2,5-3,5 m.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 14, ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), Cù Lao Chàm (Quảng Nam) và quần đảo Hoàng Sa đã có gió giật cấp 9, TP Đà Nẵng giật cấp 7, Tp.Quảng Ngãi có gió giật cấp 6, ở đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa), có gió giật cấp 10, cấp 11.

Lượng mưa tại các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi phổ biến 30 -70mm, một số nơi cao hơn như Trà Bồng (Quảng Ngãi): 118mm, Bạch Mã (Thừa Thiên - Huế): 136mm.

Người dân quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) di tản đến nơi tránh bão an toàn
Người dân quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) di tản đến nơi tránh bão an toàn

Về công tác sơ tán dân, các tỉnh từ Quảng Bình đến Phú Yên có kế hoạch sơ tán, di dời với số lượng dự kiến khoảng 184.277 hộ với 691.203 nhân khẩu ở các vùng ven biển không an toàn, vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, vùng trũng thấp có nguy cơ bị ngập sâu thuộc 69 huyện, thị đến nơi an toàn.

Các tỉnh, thành phố Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng hoàn thành di dời, sơ tán dân trước 19h ngày 9/11; Quảng Ngãi hoàn thành trước 17h, Bình Định trước 16h ngày 9/11;

Tại TP Đà Nẵng tổ chức neo đậu tàu thuyền, lồng bè an toàn trước 17h ngày 9/11 và tuyệt đối không để người ở lại trên tàu, lồng bè khi bão vào. 

Trong khi đó, theo thông tin mới nhất từ Trung tâm PCLB khu vực miền Trung Tây Nguyên, tính đến 22h tối ngày 9/11, theo thống kê sơ bộ, các tỉnh đã triển khai sơ tán tổng cộng 154.072 hộ với 541.607 nhân khẩu.
 
Đà Nẵng đã nổi gió, mưa to từ 4h sáng
 
Đà Nẵng đã hoàn thành di dời, sơ tán dân trước 19h ngày 9/11; tổ chức neo đậu tàu thuyền, lồng bè an toàn trước 17h và tuyệt đối không để người ở lại trên tàu, lồng bè khi bão vào. Người dân cũng đã chủ động chèn chống nhà cửa và dự trữ lương thực để ứng phó với bão.
 
Khoảng 4 giờ sáng ngày 10/11, trời bắt đầu nổi gió, kèm mưa to.
Khoảng 4 giờ sáng ngày 10/11, trời bắt đầu nổi gió, kèm mưa to.
 
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 14, ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã có gió giật mạnh cấp 9, Cù Lao Tràm (Đà Nẵng) cấp 8; Tp.Đà Nẵng, Tp.Quảng Ngãi có gió giật mạnh cấp 6, ở quần đảo Hoàng Sa đã có gió giật mạnh cấp 9, ở đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa), có gió giật mạnh cấp 10, cấp 11.
Khánh Hồng 
 

Công Bính