1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đà Nẵng: Đề xuất mọi người dân đều đóng quỹ phòng chống thiên tai

(Dân trí) - Ngày 27/11, tại Đà Nẵng, Cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão (Tổng Cục thủy lợi - Bộ NN&PTNT) đã tổ chức lấy ý kiến về Luật phòng chống thiên tai và quy định về thành lập và quản lý Quỹ phòng chống thiên tai.

Theo dự thảo, tất cả các tổ chức kinh tế, cá nhân sẽ phải đóng quỹ hằng năm để hỗ trợ người dân bị thiệt hại trong thiên tai, bão lũ.

Theo đó, các tổ chức kinh tế mức đóng góp bắt buộc một năm là hai phần vạn trên tổng giá trị tài sản theo báo cáo tài chính hàng năm nhưng tối thiểu 1 triệu đồng, tối đa 100 triệu đồng và được hạch toán vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh.

Quỹ phòng, chống thiên tai sẽ trợ giúp người dân khi thiên tai xảy ra
Quỹ phòng, chống thiên tai sẽ trợ giúp người dân khi thiên tai xảy ra

Công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi đến hết tuổi lao động theo quy định của pháp luật về lao động với mức đóng góp: Người lao động trực tiếp trong lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp đóng 10.000 đồng/người/năm. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, lực lượng vũ trang hưởng lương đóng 1 ngày lương/người/năm. Người lao động khác đóng 30.000 đồng/người/năm.

Ngoài ra, dự thảo cũng khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp tự nguyện cho quỹ.

Dự thảo cũng đề cập đến các đối tượng được miễn, giảm, tạm hoãn đóng góp quỹ gồm thương binh, bệnh binh và những người được hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh; cha, mẹ, vợ hoặc chồng của liệt sĩ.

Ngoài ra, quân nhân làm nghĩa vụ trong lực lượng vũ trang đang hưởng phụ cấp sinh hoạt phí; sinh viên, học sinh đang theo học tập trung dài hạn trong các trường ĐH, CĐ, Trung học và dạy nghề; người bị khuyết tật hoặc bị suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên; người đang trong giai đoạn thất nghiệp hoặc không có việc làm từ 6 tháng đến 1 năm trở lên…cũng được miễn, giảm, tạm hoãn đóng góp quỹ.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp thì được xem xét giảm, tạm hoãn đóng góp quỹ phòng, chống thiên tai.

Thẩm quyền miễn, giảm, tạm hoãn được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền quyết định và được tiến hành mỗi năm một lần vào thời điểm giao chỉ tiêu kế hoạch thu quỹ. Trường hợp đối tượng đã đóng góp tiền vào quỹ nếu được xét miễn, giảm, tạm hoãn thì số tiền đã nộp được trừ vào số tiền đóng góp năm sau.

Nguyên tắc hoạt động của quỹ vì mục đích phi lợi nhuận. Đây là quỹ được thành lập ở cấp tỉnh, do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý để sử dụng tại địa phương và trợ giúp các địa phương khác khi có thiên tai xảy ra. Tồn quỹ cuối năm được chuyển sang năm sau. Quỹ chịu sự quản lý Nhà nước về tài chính của cơ quan tài chính cùng cấp.

Theo dự thảo, Nghị định quy định về thành lập và quản lý quỹ phòng, chống thiên tai sẽ có hiệu lực từ ngày 1/5/2014 và sẽ thay thế Nghị định số 50/CP ngày 10/5/1997. 

Công Bính