1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đà Nẵng: “Chúng tôi quản lý người nghiện nhân văn chứ không xé rào”

(Dân trí) - Cho rằng Luật xử phạt vi phạm hành chính không phù hợp với thực tiễn, gây cản trở trong việc thực hiện đưa người nghiện đi cai, Đà Nẵng đã khởi động cách làm riêng và khẳng định cách làm này là đúng luật, sáng tạo, nhân văn chứ không “vượt rào”.

Theo nghị định số 221 của Chính phủ, muốn đưa người nghiện vào trại cai nghiện tập trung phải qua nhiều quy trình và các khâu thủ tục. Quá trình này phải lập hồ sơ qua nhiều cơ quan khác nhau như Tư pháp, Lao động - thương binh - xã hội, Công an. Nghị định cũng quy định tất cả người mới nghiện đều trải qua cai nghiện tại cộng đồng, sau khi cai nghiện tại cộng đồng không thành công mới đưa vào trại tập trung.

Một bệnh nhân được điều trị cai nghiện bằng phương pháp châm cứu kết hợp thuốc nam

Một bệnh nhân được điều trị cai nghiện bằng phương pháp châm cứu kết hợp thuốc nam
Ông Huỳnh Đức Thơ - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - cho biết, sau khi có Luật xử phạt vi phạm và các văn bản liên quan đã gây cản trở cho nhiều địa phương trong cả nước. Các địa phương đang đấu tranh về vấn đề này và hiện Chính phủ đang rà soát lại.
Nhận thức được vấn đề này nên Đà Nẵng đã chủ động làm sớm theo cách của mình. Trước khi thực hiện, thành phố đã làm văn bản báo cáo các khó khăn để xin ý kiến các Bộ, ban ngành trung ương nhưng đến nay vẫn chưa nhận được thông tin phản hồi.

Theo đó, Đà Nẵng đã ra quyết định số 28/2014/QĐ-UBND ngày 6/9/2014 của UBND thành phố ban hành Quy chế phối hợp lập hồ sơ và tổ chức cai nghiện ma túy trên địa bàn TP Đà Nẵng.

Với quy chế này, Đà Nẵng làm theo cách: Tất cả phòng ban, quận huyện, ngành Tư pháp, Công an, Lao động - thương binh - xã hội… ngồi lại với nhau, trong 3 ngày phải thống nhất lập hồ sơ chuyển qua tòa án. Trong vòng 3-5 ngày tòa phải quyết định đưa đi cai nghiện tập trung hay không. Thời gian cai nghiện tại gia đình và cộng đồng cũng được Đà Nẵng rút lại chỉ còn 3 tháng. Ngoài ra, Đà Nẵng còn quyết định thành lập cơ sở quản lý người nghiện ma túy không có nơi cu trú ổn định trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp xử lý hành chính tập trung cai nghiện bắt buộc. Quyết định ban hành chính sách hỗ trợ công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai trên địa bàn…
Ông Thơ khẳng định, việc làm của Đà Nẵng đúng luật, sáng tạo và rất nhân văn chứ không “vượt rào”. Những gì trung ương quy định chưa cụ thể, chưa rõ thì Đà Nẵng quy định. Trình tự qua các ban, phòng Đà Nẵng gộp lại làm luôn một lần. Việc quản lý, giáo dục người nghiện không nơi cư trú trong thời gian chờ lập hồ sơ đưa ra tòa án quy định do xã, phường, giao cho đoàn thể xã hội; nhưng thành phố có cơ sở vật chất đàng hoàng hơn, đầy đủ phương tiện hơn, có lực lượng y bác sĩ hùng hậu hơn nên đưa người nghiện tới đó.
“Chúng tôi chỉ vận dụng chứ không có gì là “xé rào”. Mình làm sáng tạo và có sáng tạo mới làm tốt hơn. Ví dụ một người nghiện mà đưa về xã, phường thì làm sao sướng bằng đưa vào đó. Ở đó có căng tin, sân bóng đá, sân bóng chuyền, cây xanh, bác sĩ… Rất là nhân văn!”, ông Thơ nói.

Tại buổi đánh giá tình hình triển khai thực hiện quy chế phối hợp lập hồ sơ và tổ chức cai nghiện ma túy chiều 5/11, ông Nguyễn Văn Hoa - Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an TP Đà Nẵng) - cho biết, thành phố đang tồn đọng 45 vụ án về ma túy mà tòa án trả hồ sơ yêu cầu công an phải điều tra bổ sung. Nguyên nhân là do vướng quy định mới, đó là tang vật ma túy ngoài việc xét nghiệm định lượng và định tính còn phải xét nghiệm hàm lượng để đủ cơ sở kết tội. Tuy nhiên, việc xét nghiệm hàm lượng hiện tại không thể thực hiện tại địa phương mà phải mang ra Hà Nội.

Ông Thơ cho biết, vì "sự nghiệp" này, thành phố sẵn sàng bỏ ra mấy tỷ để mua máy phục vụ không chỉ cho Đà Nẵng mà cả khu vực miền Trung.

Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng, sau hơn một tháng thực hiện các quy định mới về cai nghiện ma túy, UBND các xã, phường chuyển hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc 7 trường hợp, trong đó Tòa án thụ lý và đã xét xử 5 trường hợp, còn 2 trường hợp đang được Tổ thẩm định yêu cầu cơ quan thiết lập hồ sơ bổ sung, hoàn chỉnh các thủ tục theo quy định riêng. Riêng cai nghiện tại gia đình - cộng đồng chưa có trường hợp nào.

 
Về tệ nạn mại dâm, ông Nguyễn Hùng Hiệp - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đà Nẵng - cho biết, toàn thành phố có 948 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng hoạt động mại dâm với hơn 4.000 nhân viên nữ. Ước tính nữ nhân viên có biểu hiện, nghi vấn hoạt động mại dâm là 150 người.
 
Các cô gái bị bắt trong một đường dây mua bán dâm (ảnh: Công Bính)

Các cô gái bị bắt trong một đường dây mua bán dâm (ảnh: Công Bính)
Với nỗ lực và quyết tâm của các cấp, các ngành và sự đồng thuận của nhân dân, Đà Nẵng đã triển khai đồng bộ các giải pháp, qua đó đã kiềm chế được sự phát sinh tệ nạn mại dâm trên địa bàn. Năm 2013, tỷ lệ xã, phường đạt tiêu chuẩn xã, phường không có tệ nạn mại dâm đã tăng lên 96%; toàn thành phố không có điểm nóng về tệ nạn mại dâm. Các vụ án về mại dâm được phối hợp chặt chẽ giữa các ngành công an, Viện kiểm soát, Tòa án các cấp trong quá trình giải quyết nên việc xử lý kịp thời và có hiệu quả, đảm bảo trình tự tố tụng cũng như các quy định về pháp luật.
“Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình hình mại dâm diễn biến phức tạp, nhất là từ khi Quốc hội có Nghị quyết số 24/2012/QH 13, trong đó có nội dung không đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với người có hành vi bán dâm thì tệ nạn mại dâm có chiều hướng gia tăng và lan rộng, nhất là tình trạng người mại dâm ra đường chèo kéo, mời gọi khách gây phản cảm, mất mỹ quan đô thị. Đa số người bán dâm đường phố rất chây ỳ, không có tiền nộp phạt, không khai lai lịch rõ ràng, không có nơi cư trú ổn định. Trong khi đó biện pháp xử lý đối với hành vi vi phạm của các cơ sở kinh doanh vụ dịch còn nhẹ”, ông Hiệp nói.
Ông Hiệp dẫn chứng, đó là quy định của pháp luật về phòng, chống tệ nạn mại dâm chưa đầy đủ, toàn diện, chưa có biện pháp chế tài đối với người hoạt động mại dâm, hệ thống văn bản thi hành pháp luật còn chồng chéo, thiếu tính nhất quán”.  
 
Khánh Hồng