1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Không thể vì nhân văn với người nghiện mà để xã hội bất ổn”

(Dân trí) - Đa số các ý kiến phản hồi đều chia sẻ, đồng tình với việc đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM xin Quốc hội cơ chế đặc biệt để xử lý vấn đề người nghiện tràn phố. Tuy nhiên, quy trình nào để giải quyết kiến nghị “vượt rào” của TPHCM?

Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi: Người bị bệnh phạm tội cũng phải chặn

Tôi ủng hộ kiến nghị của đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM. Nhân đạo của con người phải có giới hạn. Nhân đạo với người đáng nhân đạo. Trước đây, khi TPHCM thực hiện Nghị quyết 16 đã đưa vào các trung tâm cai nghiện 32.000 người nghiện. Xã hội lúc đó trở lên bình yên. Tức là chúng ta phải chấp nhận trừng phạt một nhóm người nhỏ để bảo đảm bình yên cho số đông nhân dân. Xã hội phải đi theo nguyên tắc đó. Không thể vì một số người mà để xã hội bị bất ổn.

Nghiện ma túy phải xác định là bệnh lý. Từ bệnh lý mà ra tội phạm. Vậy thì những tội phạm đó phải được quản lý, phải được xem xét và tính toán để ngăn chặn những hành vi trộm cắp, phá hoại, gây thương tích cho xã hội. Nếu chúng ta không làm thì sẽ rất bất ổn. Nếu chúng ta không bảo đảm xã hội trật tự yên ấm thì làm sao phát triển được kinh tế. Kinh tế không phát triển được thì lại dẫn đến tiêu cực trong xã hội. Cả 2 vấn đề này phải song hành. Mà TPHCM lại là đầu tàu kinh tế của cả nước nên càng phải quan tâm.

Thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 về cai nghiện ma túy là chúng ta rất nhân đạo, đã bàn nhiều, điều đó là đúng. Nhưng ra thực tiễn thì ai cũng thấy, thủ tục hành chính quá nhiều, vì thế không đáp ứng được nhu cầu để xử lý nhanh chóng. Trong khi đó, cai nghiện là vấn đề phải xử lý tức thời.

Với kiến nghị của TPHCM, tới đây các cơ quan chức năng phải ngồi với nhau để xử lý một phương pháp thực thi. Về mặt pháp luật, tôi nghĩ các cơ quan chức năng sẽ cơ bản sẽ ủng hộ. Vấn đề là bàn cách thức tổ chức thực hiện ra sao để  bảo đảm nhanh gọn, không trái luật. Có thể ngay trong kỳ họp này, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội sẽ đứng ra làm trung gian để mời các cơ quan chức năng thảo luận về kiến nghị của TPHCM.
Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai:

Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai: Quốc hội cần có Nghị quyết

Liên quan đến vấn đề cai nghiện, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên do Tòa án nhân dân cấp huyện xem xét. Tôi cho rằng cần tính toán lại. Vì trong thực tiễn các cơ quan thực thi pháp luật rất khó khăn trong vấn đề xử lý cai nghiện ma túy và giáo dục tại cộng đồng.
 
Theo tôi, trên cơ sở xem xét từ tình hình thực tiễn, Quốc hội không cần phải sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính mà có thể có Nghị quyết để điều chỉnh vấn đề này. Nghị quyết sẽ khắc phục được những khó khăn trong thực tiễn mà các địa phương, cơ quan thực thi pháp luật đang vấp phải trong xử lý cai nghiện. 
 
Tôi đồng tình với kiến nghị của đoàn ĐBQH TPHCM về việc Quốc hội có Nghị quyết hoặc lồng ghép vào nội dung của Nghị quyết về kinh tế xã hội tại kỳ họp thứ 8 để TPHCM xử lý vấn đề này.

Phó đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH Bình Dương - ông Huỳnh Ngọc Đáng: Không sợ ảnh hưởng đến nhân quyền

Tôi đồng ý với đề xuất của đoàn ĐBQH TPHCM. Tôi cho rằng, nếu thực thi kiến nghị đó thì không có gì ảnh hưởng đến vấn đề nhân quyền của con người. Một cơ chế để xử lý vấn đề cai nghiện sẽ tốt cho TPHCM cũng như một số địa phương khác khi có quá nhiều người nghiện gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội, quản lý Nhà nước trên địa bàn và làm người dân bất an.

P.Thảo (ghi)