1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bà Rịa - Vũng Tàu:

Đã khống chế được giếng “lạ” sau nhiều giờ “vật lộn”

(Dân trí) - Sau nhiều giờ nỗ lực, hơn chục công nhân đã đưa được hệ thống ống nhựa xuống giếng, khống chế cột nước phun cao như vòi rồng. Trên miệng giếng có 2 ống nhựa dẫn nước thoát ra dòng suối gần đó.

Tính đến chiều 4/6, đã có hàng nghìn người từ khắp nơi đổ về nhà ông Nguyễn Văn Bảnh (xã Đá Bạc, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) để xem hiện tượng giếng lạ phun nước lên như vòi rồng.

Đã khống chế được giếng “lạ” sau nhiều giờ “vật lộn”
Cột nước cao 20m đã được khống chế và định hướng dòng nước thoát ra một con suối gần vườn ông Nguyễn Văn Bảnh

Trong khi đó nhiều người dân cho rằng đây là hiện tượng lạ từ trước tới nay ít thấy nên khẳng định nguồn nước trên chữa được bệnh. Từ lời đồn này, người dân khắp nơi liên tục tìm đến để tắm và hứng nước mang về nhà uống dần. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng nhận định đây chỉ là hiện tượng bình thường, có thể mũi khoan sâu đã khoan đúng mạch nước ngầm, áp lực nước tạo thành một dòng chảy lớn phun mạnh lên trên.

Để "hạ nhiệt" sự hiếu kỳ của người dân, các cơ quan chức năng đã huy động nhiều công nhân đến đóng hàng chục mét ống nhựa xuống miệng giếng nhằm khống chế độ cao của nước, cho nước chảy qua các ống nhựa và đổ ra suối.

Theo phương án ban đầu, sẽ có 70 - 80m ống nhựa phi 114 được đưa xuống giếng để củng cố lòng giếng và điều chỉnh hướng phun nước. Sau nhiều giờ “vật lộn” với dòng nước đang phun mạnh, các công nhân đã khống chế độ cao của cột nước thành công. Tuy nhiên, có thể do lòng giếng bị hẹp hoặc bị đá lấp nên chỉ có hơn 30m ống được đưa xuống.

Sau khi đã giảm được độ cao của dòng phun, cơ quan chức năng sẽ hướng dẫn chủ đất dẫn nước tới những nơi cần để người dân sử dụng, tránh tình trạng lãng phí nước.

Người dân quanh khu vực giếng nước lạ cũng phát hiện tình trạng nước sôi và cá chết. Lý giải sự việc trên, bà Phạm Thị Thanh Giao, Trưởng phòng Tài nguyên nước thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết đây chỉ là hiện tượng bình thường. Bởi đây vốn là mảnh đấy khô hạn lâu ngày, khi gặp nguồn nước từ nhà ông Bảnh thấm sâu xuống đất tạo ra khí đẩy lên trên nên nhìn giống như hiện tượng nước đang sôi.

Nguyễn Nam