Quảng Bình:
Đá Còi cô đơn
(Dân trí) - Bản Đá Còi ở xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy nằm “biệt lập” với tỉnh lộ 10 - tuyến đường ngang nối hai nhánh đông và tây Trường Sơn huyền thoại. Bao đời nay, hơn 50 hộ dân vẫn sống trong cảnh không điện chiếu sáng, đường sá đi lại hết sức khó khăn…
Bản nghèo nơi rừng sâu
Bản Đá Còi là một trong 14 bản vùng sâu, vùng xa của xã Ngân Thủy. Bản có tất cả 55 hộ dân, với 229 nhân khẩu, gồm hai vùng riêng biệt cách nhau gần 10 cây số đường rừng, trong đó, vùng Hang Còi (có 25 hộ) nằm biệt lập giữa đại ngàn Trường Sơn và Rào Đá (30 hộ) ở vùng ngoài cách tỉnh lộ 10 từ km 5 chừng 15 km.
Cũng giống như người dân ở Rào Đá, hàng chục hộ dân ở Hang Còi vẫn chưa có điện chiếu sáng và phải thắp đèn dầu để sinh hoạt suốt hàng chục năm qua. Không những thế, họ còn phải sống trong cảnh không có nước sạch sinh hoạt. Vì thế, hàng ngày người dân phải đi lấy nước từ khe suối về sử dụng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh. Khi ốm đau muốn đến trung tâm khám bệnh phải đi gần 20 km đường rừng. Con em trong bản đi học chỉ có cách duy nhất là “băng rừng” trọ học.
Đá Còi mong lắm ngày có ánh sáng điện!
Theo Trưởng bản Vừa cho biết, trước đây, muốn đến trung tâm bản chỉ có cách duy nhất là "cuốc bộ" theo tuyến đường độc đạo ven các khe suối. Bây giờ, khu vực Rào Đá, bản Đá Còi đã có chút thay đổi hơn nhờ được đầu tư nâng cấp con đường cấp phối biên hòa nối từ đường 10 tại km 5 vào trung tâm bản.
“Vừa rồi chúng tôi đã vận động 25 hộ dân sống ở Hang Còi di chuyển ra vùng trung tâm và xin đất xây dựng khu tái định cư cho người dân. Sắp tới sẽ đầu tư xây dựng nguồn điện năng lượng mặt trời cho bà con, còn 30 hộ ở khu vực Rào Đá vừa rồi các đơn vị đo đạc cũng đã tiến hành khảo sát để mang ánh sáng điện về cho bà con”, ông Hồ Văn Núi, Phó Chủ tịch UBND xã Ngân Thủy. |
Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Văn Núi, Phó chủ tịch UBND xã Ngân Thủy cho biết, với đặc thù là xã miền núi nên điều kiện kinh tế của người dân vẫn còn nhiều khó khăn. Hiện xã vẫn còn gần 80% hộ nghèo; về xây dựng cơ bản cũng đã được Nhà nước đầu tư theo các chương trình 134, 135 như vấn đề nhà ở, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi cho bà con; xây dựng điểm trường tiểu học tại khu vực Rào Đá (bản Đá Còi); bê tông hóa kênh mương ở bản Cửa Mẹc, đầu tư đường bê tông vào bản Cây Sung… Tuy nhiên, để đưa bà con xã Ngân Thủy thoát khỏi nghèo đói thì vẫn đang rất cần sự quan tâm nhiều hơn nữa của cấp trên.
Đăng Đức – Đặng Tài