1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đã có doanh nghiệp xin hoãn tăng lương

(Dân trí) - Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, khẳng định, Bộ vẫn đề nghị Chính phủ thực hiện đúng lộ trình tăng lương ở khu vực doanh nghiệp. Nhưng đã có doanh nghiệp xin hoãn thời hạn tăng lương do gặp khó khăn.

Trao đổi với PV Dân trí, Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho biết, Bộ đã soạn thảo và trình Chính phủ ba phương án tăng lương tối thiểu vùng. Trong đó phương án thấp nhất là mức lương vùng sẽ tăng tối thiểu 20%. Trước đó, Bộ đã đưa ra ba phương án tăng lương tối thiểu gồm: phương án 1, cao nhất là 2,7 triệu đồng (áp dụng cho vùng I); phương án 2, cao nhất là 2,5 triệu đồng và phương án 3 là 2,4 triệu đồng.

Theo lộ trình, Chính phủ sẽ công bố điều chỉnh lương tối thiểu vùng trong các loại hình doanh nghiệp và thực hiện từ ngày 1/1/2013.

“Phía Bộ nghiêng về phương án tăng lương vùng tối thiểu khoảng 20%. Tuy nhiên, nhiều ý kiến doanh nghiệp cho rằng chỉ nên tăng khoảng 15%, do tình hình kinh tế của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Thậm chí, doanh nghiệp lớn gặp khó khăn đã đệ trình lên Chính phủ đề nghị lùi thời hạn tăng lương. Vấn đề này do Chính phủ quyết định”- ông Huân cho biết.

Không tăng lương tối thiểu người lao động sẽ gặp nhiều khó khăn.

Không tăng lương tối thiểu người lao động sẽ gặp nhiều khó khăn.

Hiện doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài (FDI) đang áp dụng mức lương tối thiểu  thống nhất, đối với vùng 1 là 2.000.000 đồng/ tháng; vùng 2: 1.780.000 đồng; vùng 3: 1.550.000 đồng; vùng 4: 1.400.000 đồng. Về đề nghị không tăng lương khu vực hành chính - sự nghiệp của Bộ Tài Chính, ông Huân khẳng định, đây là nhóm đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước, không liên quan đến khu vực doanh nghiệp.

Trên thực tế, việc tăng lương tối thiểu cho người lao động trong khu vực nhà nước từ trước đến nay luôn phải phụ thuộc vào ngân sách. Nói cách khác, ngân sách dư dả thì tăng nhiều, không thì tăng ít. Theo ông Huân, cái khó của việc tính lương cho khu vực nhà nước là đi kèm theo việc tăng trợ cấp cho những người có công, người đang được hưởng các chế độ bảo trợ xã hội… Vì vậy bài toán cân đối ngân sách luôn rất khó. Riêng khu vực doanh nghiệp, việc tăng như thế nào phụ thuộc vào lộ trình đã được quy định và khả năng chấp nhận của doanh nghiệp.
 
Tuy nhiên, theo ông Đặng Quang Điều, Viện trưởng Viện Công nhân- Công đoàn, nếu chậm tăng lương, đời sống của nhiều người lao động trong khu vực nhà nước cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn do không đáp ứng được nhu cầu tối thiểu trong sinh hoạt hàng ngày.

Thanh Trầm