1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Cựu phi công MIG-21 kể khoảnh khắc bắn rơi máy bay F-4 của Mỹ

P.V

(Dân trí) - Xác định cự ly máy bay địch khoảng 1.000 mét, ông Độ bật tăng lực toàn phần, kéo thanh ngắm vào mục tiêu, giảm quá tải máy bay rồi phóng tên lửa khiến chiếc máy bay F-4 của Mỹ bốc cháy.

Khoảnh khắc bắn rơi máy bay F-4 của Mỹ

Ngày 14/12, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" (12/1972 - 12/2022), Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với các đơn vị tổ chức triển lãm "Từ mặt đất đến bầu trời".

Tại triển lãm, buổi tọa đàm, giao lưu cùng các nhân chứng lịch sử là những phi công chiến đấu quả cảm, anh dũng của Phi đội bay đêm đánh máy bay B-52 Mỹ, đã thu hút sự chú ý của đông đảo người dân.

Cựu phi công MIG-21 kể khoảnh khắc bắn rơi máy bay F-4 của Mỹ - 1

Tọa đàm, giao lưu cùng các nhân chứng lịch sử là những phi công chiến đấu của Phi đội bay đêm đánh máy bay B-52 Mỹ. (Ảnh: Ngọc Linh).

Có mặt tại buổi triển lãm, cựu phi công Bùi Doãn Độ (72 tuổi) dáng người khỏe mạnh, ăn mặc chỉnh tề trong bộ quân phục phòng không, không quân có gắn huân, huy chương trên ngực áo. Ông Độ là phi công lái máy bay MIG-21 của quân đội ta đã bắn rơi máy bay F-4 của Mỹ trong chiến dịch 12 ngày đêm bảo vệ bầu trời Thủ đô cuối năm 1972.

Nhớ lại thời điểm bắn rơi máy bay F-4 của Mỹ trong trận chiến cách đây 50 năm với phóng viên Dân trí, cựu phi công Bùi Doãn Độ xúc động kể: Vào khoảng 23h ngày 29/12, ông lái MIG-21 xuất kích từ sân bay Kép (Bắc Giang), sau đó sở chỉ huy thông báo phát hiện một máy bay địch có cự li cách máy bay của ông khoảng 7.000 - 8.000 m và chỉ trong khoảng 5 - 7 giây áp sát ông đã nhìn thấy máy bay của địch.

"Lúc đó, máy bay của địch đang bay bên trên chiếc máy bay tôi đang điều khiển, khi xác định cự ly còn cách máy bay của địch khoảng 1.000 m thì tôi bật tăng lực toàn phần, kéo thanh ngắm vào mục tiêu, giảm quá tải máy bay để phóng tên lửa. 

Ngay sau đó, tôi bắn luôn 2 quả tên lửa vào máy bay địch và thoát ly qua bên phải rồi hô với sở chỉ huy "tôi thoát ly bên phải", lúc này sở chỉ huy đáp lại "anh thoát ly bên trái". 

Cựu phi công MIG-21 kể khoảnh khắc bắn rơi máy bay F-4 của Mỹ - 2

Cựu phi công Bùi Doãn Độ kể lại khoảnh khắc bắn rơi máy bay F-4 của Mỹ. (Ảnh: Ngọc Linh).

Lúc đó, tôi lật lại thì thấy máy bay tôi đang lái và máy bay địch gần như ngang nhau, khi tôi ngoái lại nhìn đã chiếc máy bay F-4 cắm đầu xuống phía dưới khoảng 40 độ rồi lửa bao trùm. Chiếc máy bay của địch bị tôi bắn trúng đã rơi xuống vùng thuộc huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ..." cựu phi công Bùi Doãn Độ kể.

Theo ông Độ, chiếc máy bay F-4 mà ông bắn rơi cũng là chiếc máy bay cuối cùng bị không quân Việt Nam bắn rơi trên bầu trời Hà Nội. Ông Độ cho biết, năm 1972 ông mới 22 tuổi.

Còn ông Nguyễn Đức Chiến, cựu phi công của Trung đoàn không quân tiêm kích 921, Sư đoàn không quân 371 cho biết: Chiến dịch 12 ngày đêm bảo vệ bầu trời Hà Nội vào cuối tháng 12/1972, ông tham gia từ đêm 18/12 đến sáng 22/12.

Theo ông Chiến, các phi công đánh máy bay B-52 là những phi công có kỹ thuật giỏi để bay đêm. Đây là các phi công cấp 1 (phi công bậc cao nhất của phi công chiến đấu). 

Chiến công oanh liệt

Đến tham quan triển lãm, ông Lê Tư (72 tuổi, ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: Thời điểm Mỹ ném bom đánh phá Hà Nội cuối năm 1972, ông đang là sinh viên của Trường Đại học Nông nghiệp và nhận được lệnh sơ tán.

Theo ông Tư, chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" là một trong những chiến công oanh liệt của quân và dân ta.

Cựu phi công MIG-21 kể khoảnh khắc bắn rơi máy bay F-4 của Mỹ - 3

Ông Lê Tư hồi tưởng lại những gì ông chứng kiến khi 12 ngày đêm bảo vệ bầu trời Hà Nội. (Ảnh: Ngọc Linh).

Cũng tới tham quan triển lãm, ông Phạm Quang Huy (78 tuổi, trú tại Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) kể, thời điểm Mỹ dùng máy bay B-52 đánh Hà Nội ông đang công tác tại huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang nhưng luôn theo dõi thông tin về cuộc chiến đấu 12 ngày đêm bảo vệ Hà Nội cuối năm 1972.

Cựu phi công MIG-21 kể khoảnh khắc bắn rơi máy bay F-4 của Mỹ - 4

Ông Phạm Quang Huy chụp lại bức ảnh chân dung của anh hùng Nguyễn Văn Bảy người mà ông đã ngưỡng mộ từ lâu. (Ảnh: Ngọc Linh).

"Khi nhận được tin Hà Nội chiến thắng lúc đó tôi vui lắm, thậm chí đã khóc vì vui mừng", ông Huy nhớ lại.

Cách đây 50 năm, trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, quân và dân Thủ đô đã anh dũng chiến đấu, đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng đường không của đế quốc Mỹ phá hoại miền Bắc Việt Nam, lập nên chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" hào hùng, vang dội và buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, góp phần tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm