1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Cứu nạn, cứu trợ ở nhiều nơi còn thụ động, hình thức

(Dân trí) - Đến ngày 7/10, nhiều vùng trong tỉnh Quảng Bình vẫn bị chia cắt, cô lập trong lũ và tình trạng thiếu lương thực, nước uống kéo dài nhiều ngày. Song công tác cứu nạn, cứu trợ ở nhiều nơi còn thụ động, hình thức.

Từ ngày 3/10, cảnh báo về trận lũ lịch sử đã được chính BCH PCLB&TKCN tỉnh Quảng Bình đưa ra khi chứng kiến nước sông Gianh dâng vùn vụt. Đến ngày 4/10, lời cảnh báo đó đã sớm trở thành hiện thực khi lượng mưa nhiều nơi đạt mức kỷ lục 1.300mm, nước các sông dâng cao vượt xa báo động 3.

6/7 huyện ở Quảng Bình bị ngập chìm trong nước, nhiều nơi như 9 xã vùng nam Quảng Trạch, các xã Tân Hóa, Minh Hóa (huyện Minh Hóa) nước ngập cao tới nóc nhà. Người dân chạy lũ tứ tán, người trèo lên mái nhà, người chạy vào vách núi, hang đá lánh nạn.
 
Cứu nạn, cứu trợ ở nhiều nơi còn thụ động, hình thức - 1
Hàng vạn người đã sống trên mái nhà, trên triền núi nhiều ngày chờ cứu trợ.

Sau 2 ngày theo chân các đoàn chỉ đạo lũ lụt của lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, PV nhận thấy việc chỉ đạo chống lũ vẫn chưa thực sự sâu sát và hiệu quả. Ngày 5/10, đoàn của ông Trưởng BCH PCLB&TKCN đi chỉ đạo lũ Quảng Trạch nhưng đến đoạn giáp ranh với Quảng Trạch thì quay về vì… nước ngập. Thực trạng nhiều đoàn chỉ đạo xuất quân hùng hậu nhưng giữa đường phải quay về xảy ra thường xuyên trước khi nước rút nhanh vào ngày 6 và 7/10.

Ngay trong chiều và đêm 4/10, những lời kêu cứu từ vùng nam Quảng Trạch và hàng chục tàu bè ở ngoài khơi được phát đi. Tuy nhiên, khi trao đổi với ông Chủ tịch huyện Quảng Trạch, ông Chủ tịch chỉ nói “nước xiết, canô không qua được, trông cậy vào lực lượng tại chỗ là chính”. Nhưng “lực lượng tại chỗ” là ai, khi toàn huyện đều ngập sâu, hầu hết mọi gia đình đều lo bồng bế nhau chạy lũ?

Tiếp tục gọi điện cho ông Trưởng BCH PCLB&TKCN, ông khẳng định sẽ chỉ đạo gấp nhưng lời chỉ đạo (nếu có) của ông cũng rơi tõm vào nước lũ.

Cũng trong ngày 4/10, khi nước đang lên với tốc độ chưa từng thấy, chẳng hiểu số liệu thiệt hại ở đâu ra mà một huyện nọ đã thống kê được thiệt hại là 17 tỷ đồng!

Tình hình diễn biến phức tạp từ ngày 4/10, nhưng mãi tới sáng 5/10, sau rất nhiều cuộc họp và chỉ đạo, báo cáo, tỉnh Quảng Bình mới phát công điện khẩn đề nghị Trung ương, Hải quân vùng 3, Quân khu 4 trợ giúp việc cứu người, cứu tàu. Trong khi đó, trước khi nước lũ đạt đỉnh, BCH PCLB&TKCN tỉnh Quảng Bình đã biết trước số lượng tàu chưa vào được đất liền là gần 200 chiếc.
 
Hệ quả là hàng chục tàu bị nạn trong sự bất lực của lực lượng cứu hộ, và mãi đến cuối ngày 5/10 khi đỉnh lũ bắt đầu qua đi các lực lượng chi viện mới tới được Quảng Bình.
 
Cứu nạn, cứu trợ ở nhiều nơi còn thụ động, hình thức - 2
Do không được bọc nylon, bao dứa theo đúng yêu cầu cứu trợ hàng không
nên mỳ tôm khi được ném xuống bị vỡ, chìm phần nhiều.

“Căn cứ tình hình, tỉnh cho rằng đề xuất 2 máy bay trực thăng là phù hợp”, ông Trưởng BCH PCLB&TKCN khẳng định. Tuy nhiên, cuối chiều 5/10 khi hai máy bay cứu nạn đáp xuống sân bay Đồng Hới, một chiếc gần cạn nhiên liệu chỉ còn bay được khoảng… 30 phút, nên chỉ chở được ông Bí thư Tỉnh ủy và 2 tạ mỳ tôm đi rải ở các vùng gần.

Theo phản ánh của người dân Tân Hóa và Quảng Tân, máy bay có thả mỳ tôm xuống, nhưng do thả vào giữa biển nước và dòng chảy nên đa số bị trôi, chìm hoặc nát bươm không thể dùng được.

Trưa ngày 6/10, khi PV tới vùng xóm mới xã Quảng Tân, xe ôtô đã vào đến sát nách xóm nhưng những gói mỳ tôm mà PV mang từ xã về là những món hàng cứu trợ đầu tiên mà người dân nhận được. Bi đát hơn, đến sáng 7/10, khi PV vượt lũ đến vùng cồn bãi xã Quảng Minh thì vẫn chưa có bóng dáng đoàn cứu trợ nào đến dù dân ở đây đã 4 ngày liền ngồi trên xà nhà, nhai gạo sống và nhìn trâu bò, tài sản trôi theo lũ.
 
Cứu nạn, cứu trợ ở nhiều nơi còn thụ động, hình thức - 3
Hình ảnh thiết thực, hiệu quả nhất trong công tác cứu trợ chính là
lực lượng Công an vượt nước lớn, đêm đen để cứu dân bằng ca nô.

Tại huyện Minh Hóa, mặc dù Tân Hóa được coi là rốn lũ với 3.000 con người đang chịu khát, chịu rét mướt dưới những tấm bạt trên lèn đá, trên mái nhà nhưng tỉnh chỉ điều động 2 chiếc canô. Mặc dù đã hoạt động hết công suất, ông Phó Chủ tịch huyện này thường xuyên bắc loa chỉ đạo từng chuyến cứu trợ, nhưng hàng cứu trợ vẫn chất đống ở Trung tâm y tế dự phòng còn hàng về được Tân Hóa nhỏ giọt vì thiếu phương tiện.

Cần nói thêm, rất nhiều đoàn cứu trợ đã sớm đến với Quảng Bình, nhưng cũng rất nhiều đoàn trong số đó chỉ mang mỳ tôm đến cho vào kho của UBND các huyện rồi về, khiến hình ảnh cứu trợ mất nhiều phần ý nghĩa.

Hình ảnh nổi bật và thiết thực nhất đến lúc này, sau 5 ngày lũ dữ chính là lực lượng Công an Quảng Bình, các lực lượng quân đội, biên phòng… Nhiều người trong số họ đã 3 đêm liền lăn lộn giữa lũ cứu dân, cùng ăn mỳ tôm, lương khô, uống nước suối với dân vùng lũ.

Hồng Kỹ