1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Quảng Bình:

Cựu chiến binh 30 năm sưởi ấm linh hồn đồng đội

(Dân trí) - Không phải bà con thân thích, nhưng vì “tình đồng đội, tình đồng chí” mà mấy mươi năm nay, người cựu binh Nguyễn Thanh Bình (SN 1954) ngày ngày vẫn hương khói, chăm sóc, sưởi ấm những mộ phần liệt sĩ tại nghĩa trang.

“Bỏ mặc đồng đội là có tội với Tổ quốc!”

Dưới cái nắng oi bức của những ngày cuối tháng 7, chúng tôi tìm về nghĩa trang xã Quảng Thạch, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình để tìm gặp ông Bình, năm nay đã 60 tuổi. Ở độ tuổi xế chiều, lẽ ra ông đã được nghỉ ngơi, sum vầy với con cháu, nhưng hằng ngày ông vẫn làm một công việc đều đặn như những người quản trang là trông coi, hương khói, vệ sinh sạch sẽ, chu đáo cho những phần mộ liệt sĩ, những người đã vì Tổ quốc quên cả bản thân mình.

Hằng ngày cựu binh Nguyễn Thanh Bình hương khói đều đặn cho các phần mộ liệt sỹ
Hằng ngày cựu binh Nguyễn Thanh Bình hương khói đều đặn cho các phần mộ liệt sỹ

Ngược về quá khứ, ông Bình hồi tưởng: Vào 1972, khi ấy vừa tròn 18 tuổi, ông Bình xung phong đi bộ đội chiến đấu tại Quân khu 4, thuộc Sư đoàn 341, chiến trường Đông Nam Bộ. Trong những năm kháng chiến, đơn vị của ông đã lập được nhiều chiến công vang dội mà tiêu biểu là phá tuyến phòng thủ thép ở Xuân Lộc (Đồng Nai).

Sau ngày hòa bình, ông Bình nghỉ hưu rồi về công tác tại UBND xã Quảng Thạch. Khi mới về quê hương, những phần mộ liệt sĩ được quy kết tập trung tại khu vực đồi núi thuộc Chiến khu Trung Thuần, thời đó nghĩa trang xã Quảng Thạch còn rất hoang sơ. Nhiều ngôi mộ của các liệt sĩ lúc đó là những nấm đất nổi được đánh dấu thứ tự, bia mộ là những khúc gỗ với những chữ viết tên tuổi, quê quán của các liệt sĩ không rõ ràng, xung quanh nghĩa trang lau lách, cỏ mọc um tùm. Sau nhiều đêm thức trắng suy nghĩ, ông đã bàn với chính quyền địa phương huy động quân dân tôn tạo, làm vệ sinh sạch sẽ cho những phần mộ.

Di tích lịch sử Chiến Khu Trung Thuần
Di tích lịch sử Chiến Khu Trung Thuần

Vào năm 1995, khi nghĩa trang đã xây dựng khá quy mô, việc quy tập mộ liệt sĩ cũng hoàn thành, ông đã đệ đơn xin chính quyền cấp đất xây dựng nhà ở gần nghĩa trang để thuận tiện cho việc hương khói cho những đồng đội mình. Từ đó đến nay mặc dù ở nghĩa trang vẫn có những người thay nhau trong coi nhưng ông Bình ngày ngày đều đặn ra đây chăm sóc phần mộ các liệt sĩ như một người quản trang đúng nghĩa.

Trò chuyện với chúng tôi, ông tâm niệm: “Những liệt sĩ mặc dù không chiến đấu cùng nhau trên một mặt trận nhưng đều là đồng đội vào sinh ra tử cùng nhau. Mình là người may mắn sống sót qua bom đạn thì những công việc như thế này là làm tròn trách nhiệm của mình với các đồng chí, nếu không làm như vậy thì tôi cảm thấy có tội với Tổ quốc…”.

Ông Bình hướng dẫn những người viếng mộ
Ông Bình hướng dẫn những người viếng mộ

Từ đó đến nay, gần 60 mộ phần liệt sĩ trong nghĩa trang được ông Bình hương khói đầy đủ.

Mong muốn tìm hài cốt cậu ruột

Trong những ngôi mộ tại nghĩa trang, ngoài những liệt sĩ có quê quán ở địa phương, vẫn còn nhiều ngồi mộ là các liệt sĩ chưa biết tên và của liệt sĩ có quê quán ở các tỉnh Miền Bắc như Hà Nam Ninh (cũ), Thái Bình, Thanh Hóa…

Dẫn chúng tôi đến viếng phần mộ của những người đã khuất, ông Bình dùng vật dụng quen thuộc là chiếc chổi mang từ nhà đến quét dọn vệ sinh trong khuôn viên nghĩa trang sạch sẽ và sắp xếp những nén hương của những người đến viếng vào trong bát hương thật gọn gàng, sau đó mới yên tâm về nhà.

Được biết, ông Bình có một người cậu là liệt sĩ Trần Quang Bính, không rõ năm sinh, trong giấy báo tử được gửi về gia đình ghi rõ là mất vào ngày 26/3/1968 tại mặt trận phía Nam. Mặc dù chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm nhưng ông Bình vẫn luôn day dứt khi nghĩ về người cậu ruột còn nằm lại ở nơi núi rừng xa xôi nào đó.

Với tâm nguyện làm sao đưa được cậu về với gia đình, gần 30 năm nay ông vẫn thường xuyên thông báo tin tức và đi tìm kiếm người cậu đã khuất ở một số tỉnh phía Nam dựa theo những thông tin thu thập được nhưng vẫn chưa có kết quả.

Nghĩa
Nghĩa trang liệt sĩ Quảng Thạch - nơi ông Bình làm những công việc thầm lặng

“Tôi luôn coi những phần mộ liệt sĩ yên nghỉ ở nghĩa trang là người thân của mình. Bản thân tôi cũng có người thân mà chưa tìm thấy nên rất hiểu hoàn cảnh của họ. Chính vì vậy hằng ngày tôi đều dốc lòng đến viếng hương khói cho các anh bớt buồn và hi vọng một ngày người nhà của các anh sẽ tìm được mộ để đón về quê ” - ông Bình tâm sự.

Hoàng Phúc - Đặng Tài