1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Cựu binh Trường Sa phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam

(Dân trí) - Liên quan đến việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 và nhiều tàu quân sự hoạt động bất hợp pháp tại khu vực thuộc lô dầu khí 143 thềm lục địa Việt Nam, nhiều cựu binh từng chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Trường Sa đã cực lực lên tiếng phản đối.

Cựu binh Trường Sa phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam
Ông Lê Xuân Bạ - Đại tá, nguyên Chủ tịch HĐND huyện Trường Sa (năm 1994-1999), nguyên Phó Lữ đoàn trưởng về Chính trị Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân trò chuyện cùng PV Dân trí.

Nói về hành động ngang ngược của Trung Quốc những ngày gần đây trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, ông Lê Xuân Bạ - Đại tá, nguyên Chủ tịch HĐND huyện Trường Sa (Khánh Hòa), nguyên Phó Lữ đoàn trưởng về Chính trị Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân - nêu quan điểm: “Trung Quốc là nước lớn nhưng tư duy hẹp hòi. Hành động này khiến dân thường cũng coi thường!”.

Nguyên Chủ tịch HĐND huyện Trường Sa từ năm 1994 đến 1999 cũng cho rằng hành vi của Trung Quốc là phi pháp khi đưa giàn khoan Hải dương 981 vào thềm lục địa Việt Nam. “Nếu là biển mình, đất mình thì cần gì phải cần đến 80 tàu ra bảo vệ?”, ông Bạ chia sẻ.

Không chỉ lên án Trung Quốc xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, vi cựu binh từng chiến đấu ở Trường Sa cũng bày tỏ lo ngại khi nhiều ngư dân miền Trung thường xuyên bị tàu Trung Quốc xua đuổi, quấy phá ngay trên vùng biển của ta. Mới đây nhất, các tàu cá của ngư dân Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã bị tàu Trung Quốc xua đuổi, làm hư hỏng nhiều phương tiện và ngư cụ.

“Ngư trường của ta, ngư dân ta đi đánh cá là lẽ thường, trong khi không phải là biển của anh (Trung Quốc-PV), không phải đất của anh, tại sao anh lại đi xua đuổi như vậy?”, cựu binh Bạ bức xúc.

Ông Bạ (thứ 3 bìa trái) cùng các đồng đội.
Ông Bạ (thứ 3 bìa trái) cùng các đồng đội.

Đại tá Bạ cũng bày tỏ nguyện vọng mong muốn Đảng, Nhà nước ta sẽ có sách lược đối phó hợp lý, bảo vệ chủ quyền biển đảo và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Cũng theo ông Bạ, trong cuộc đấu tranh với các hành động xâm phạm vùng biển Việt Nam, chúng ta cần phải dựa vào sự ủng hộ của bạn bè quốc tế.

“Cái gì của ta thì ta phải giữ, không thể bỏ và không thể để cho kẻ khác xâm lấn”, ông Bạ nói.

Trong khi đó, trao đổi với PV Dân trí, cựu binh Trương Văn Hiền (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), người từng chiến đấu và bị Trung Quốc bắt làm tù binh trong trận hải chiến năm 1988 bảo vệ đảo chìm Gạc Ma (quần đảo Trường Sa), cho biết, anh không khỏi lo ngại trước sự ngang ngược của Trung Quốc.

Trong trận chiến bảo vệ đảo chìm Gạc Ma năm ấy, 64 chiến sĩ hải quân của ta đã anh dũng hy sinh. Riêng anh Trương Văn Hiền bị thương nặng, gãy một sườn bên phải, gãy cẳng tay trái, mắt trái không còn nhìn thấy rõ.

Cựu binh Trương Văn Hiền.
Cựu binh Trương Văn Hiền.

Nói về hành động ngang ngược của Trung Quốc những ngày qua trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, anh Hiền bức xúc: “Năm nào Trung Quốc cũng tranh giành lãnh thổ, biển đảo của mình. Trước đây bao nhiêu chiến sỹ đã hi sinh vì Trung Quốc, nay họ lại đặt giàn khoan trên vùng biển Việt Nam là động bành trướng, không thể chấp nhận được. Cũng như nhân dân cả nước, bản thân tôi cực lực phản đối hành động này của Trung Quốc”.

Cựu binh Trường Sa Trương Văn Hiền cũng gửi lời động viên chân thành đến các chiến sỹ, cán bộ đang làm nhiệm bảo vệ chủ quyền biển đảo. Anh Hiền nói: “Từng là một cựu binh Trường Sa, tôi muốn nói với các anh em chiến sỹ của ta đang làm nhiệm vụ trên biển cần bình tĩnh, bình tâm để giữ vững chủ quyền biển đảo”.

Viết Hảo