1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Ninh Bình:

Cựu binh 67 tuổi đạp xe qua 25 tỉnh thành, vượt gần 2.300 km

(Dân trí) - Chỉ với chiếc xe đạp cà tàng, hai bộ quần áo, ông Dương Văn Định (Ninh Bình) một mình đạp xe xuyên Việt qua 25 tỉnh thành, từ quê vào đất mũi Cà Mau với quãng đường 2.280 km. 21 ngày rong ruổi mọi miền Tổ quốc với ông là những ngày vô cùng thiêng liêng và ý nghĩa.

Cách đây hơn một tháng, ông Dương Văn Định, cựu chiến binh xã Khánh Thịnh, huyện Yên Mô (Ninh Bình) bắt đầu chuyến hành trình xuyên Việt của mình theo tiếng gọi của ký ức với lời thề hứa năm xưa cùng đồng đội đã hy sinh máu xương cho Tổ quốc. Ông quyết tâm đi với nghị lực phi thường cùng bản lĩnh của một người lính cụ Hồ.

Lời thề ước với đồng đội đã hy sinh

Chúng tôi gặp ông Định một tháng sau ngày ông khởi hành chuyến xuyên Việt của mình. Kết thúc chuyến đi thiêng liêng, người cựu binh lại trở về với cuộc sống đời thường tại quê nhà xã Khánh Thịnh. Con cái đi làm ăn xa, vợ phải xa quê chăm con đau ốm, một mình ông gánh vác hết tất cả công việc đồng áng, từ làm đất, cấy lúa, thu hoạch, một tay ông làm thoăn thoắt.

Ông Định với chiếc xe đạp cùng hành trang người lính trong chuyến hành trình xuyên Việt của mình.
Ông Định với chiếc xe đạp cùng hành trang người lính trong chuyến hành trình xuyên Việt của mình.

Ngày bắt đầu xuyên Việt bằng chiếc xe đạp mini mua đã 15 năm, ông Định nặng 47kg, sau gần một tháng ông sụt hơn 1,5kg. Ông bảo, người có gầy đi đôi chút, nhưng từ hôm hoàn thành được ước nguyện của mình ông thấy sống vui vẻ, hạnh phúc hơn nhiều.

“21 ngày rong ruổi theo chiều dài đất nước là 21 ngày thiêng liêng nhất trong cuộc đời tôi. Giờ có chết tôi cũng mãn nguyện vì đã thực hiện được ước nguyện của mình. Được đạp xe vào thăm nơi các đồng đội yên nghỉ, được hòa mình vào nhịp sống đang chuyển mình mạnh mẽ của đất nước”, ông chia sẻ.

Rót nước mời khách, ông Định kể về chuyến đi của mình cho tôi nghe với tinh thần đầy tự hào. Ông mở đầu câu chuyện bằng ký ức, năm 1969, khi đó chỉ nặng 39kg, để được đi lính ông đã tìm cách bỏ đầy đá vào hai túi quần mới đủ cân nặng nhập ngũ. May mắn, ông được lên đường bảo vệ Tổ quốc mà không ai phát hiện sự gian dối của mình. Để rồi, ông làm người lính trinh sát, chiến đấu qua nhiều mặt trận, có lúc cận kề cái chết cũng không chịu lùi bước, quyết tâm cùng đồng đội đánh thắng bằng được kẻ thù.


Chiếc xe đạp mini gắn bó 15 năm với ông Định làm người bạn đồng hành để ông thăm lại chiến trường xưa và rong ruổi khắp mọi miền đất nước.

Chiếc xe đạp mini gắn bó 15 năm với ông Định làm người bạn đồng hành để ông thăm lại chiến trường xưa và rong ruổi khắp mọi miền đất nước.

Chiến tranh quá ác liệt, nhiều đồng đội hy sinh, ông nằm trong số những người may mắn sống sót trở về. Khi còn chiến đấu, ông cùng các đồng đội đều hứa với nhau, hết chiến tranh sẽ cùng nhau đi bộ đến tận miền Nam, nơi cuối cùng của địa đầu Tổ quốc. Nhưng lời hứa ấy chưa thực hiện được thì đồng đội đã ra đi hết làm ông day dứt trong lòng.

Sau bao năm hòa bình lập lại, trở về quê hương xây dựng gia đình. Con cái lớn khôn, đến tuổi về già nhưng lúc nào trong lòng ông Định vẫn đau đáu lời hứa với những người đồng đội năm xưa.

“Khi còn chiến tranh, tiến lên phía trước là bom rơi, đạn lạc, là đổ máu, là hy sinh vì trước mắt toàn là quân thù. Giờ hòa bình, đi về phía trước là đất nước mình bao la rộng lớn, là người dân mình, đường xá thuận tiện, sao mình không thể đi một chuyến để thực hiện ước nguyện. Nói là làm, tôi ấp ủ và quyết thực hiện chuyến đi của mình, càng sớm càng tốt”, ông nói.

Giữ lời hứa với đồng đội, ông Định đạp xe đến thăm chiến trường xưa và may mắn gặp được nhiều người lính năm xưa cùng vào sinh ra tử như mình.
Giữ lời hứa với đồng đội, ông Định đạp xe đến thăm chiến trường xưa và may mắn gặp được nhiều người lính năm xưa cùng vào sinh ra tử như mình.

Để có chuyến hành trình, ông Định đã tập cho mình có một nghị lực, quen với chiếc xe đạp của mình đi khắp xóm làng lâu nay. Cùng với đó, bản lĩnh của người lính “đầu rơi máu chảy” còn không sợ, và ký ức quyết tâm thực hiện bằng được hoàn thành tâm nguyện với đồng đội”.

21 ngày đạp xe dọc chiều dài đất nước

Sáng 6/8/2018, ông Định dậy sớm, dắt chiếc xe đạp ra, khóa cửa nhà rồi thẳng tiến vào miền trong. Không ai tiễn chân ông lên đường, hành trang của người cựu binh chỉ gói gọn trong chiếc giỏ xe đạp với một bộ quần áo, chiếc bơm xe và lọ mắm cáy quê nhà. Tiền lộ phí cũng chỉ có một ít mang theo ông vay được từ tối hôm trước để trang trải cho hành trình của mình.

Ngày đầu tiên ông đạp một mạch từ nhà vào đến hết đất Thanh Hóa với quãng đường hơn 100km. Từ đó, ông hạ quyết tâm, mỗi ngày sẽ phải đạp xe khoảng 100km để chuyến hành trình của mình được hoàn thành đúng dự định.

Ông Định dừng chân ở ngã ba Đồng Lộc, thắp hương thành kính 10 nữ anh hùng đã hy sinh máu xương cho Tổ quốc.
Ông Định dừng chân ở ngã ba Đồng Lộc, thắp hương thành kính 10 nữ anh hùng đã hy sinh máu xương cho Tổ quốc.

Địa điểm đầu tiên người cựu binh 67 tuổi dừng chân thăm viếng là ngã ba Đồng Lộc – nơi 10 nữ anh hùng đã ngã xuốngc. Tại đây, ông đã khấn nguyện, cầu xin các chị phù hộ cho chuyến hành trình về chiến trường xưa của mình được thuận buồn xuôi gió.

“Đúng là các chị đã phù hộ cho tôi, từ ngã ba Đồng Lộc trở đi, tôi đạp xe băng băng trên đường mà không gặp phải khó khăn gì. Sức khỏe, tinh thần cũng phấn chấn hơn rất nhiều. Chỉ ít ngày sau tôi đã vào đến Quảng Trị, đến thăm nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn và Đường 9 Nam Lào. Nơi đây, những đồng đội của tôi đã ngã xuống, cũng nơi đây tôi và các đồng đội đã thề hứa với nhau sẽ đi bộ cùng nhau đến hết chiều dài đất nước khi thống nhất nước nhà” – ông Định bùi ngùi.

Nhớ đồng đội, và cũng là lần đầu tiên ông Định trở lại chiến trường xưa thắp nén nhang cho những người đã ngã xuống, người cựu binh đã không cầm được lòng, và cũng không muốn rời xa nơi máu thịt đồng đội mình đã hòa vào lòng đất mẹ. Nhiều người đã hy sinh ngay trên tay ông, để rồi họ mãi là những liệt sỹ khuyết danh, không có ngày trở về quê hương nơi mình sinh ra.

Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn, nghĩa trang đường 9 Nam Lào... là chiến trường xưa nơi ông Định cùng đồng đội từng chiến đấu và thề hứa với nhau về chuyến hành trình trong mơ, nay ông quyết tâm thực hiện bằng được.
Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn, nghĩa trang đường 9 Nam Lào... là chiến trường xưa nơi ông Định cùng đồng đội từng chiến đấu và thề hứa với nhau về chuyến hành trình trong mơ, nay ông quyết tâm thực hiện bằng được.

Thỏa nguyện được mong ước đến với chiến trường xưa, gặp lại vong linh của các đồng đội, ông Định tiếp tục chuyến đi của mình để đến đất mũi Cà Mau, nơi địa đầu Tổ quốc. Trên chuyến hành trình của mình, đạp xe qua mỗi địa phương, ông lại nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của nhiều người. “Dọc theo chiều dài đất nước, tôi cảm nhận được rằng, đất nước mình quá bao la rộng lớn, đang phát triển từng ngày. Con người Việt Nam mình đâu cũng rất tốt, hiền hòa và bao dung” – ông Định tâm sự.

Ông Định nhớ và kể tên cho tôi nghe từng chủ nhà nghỉ ở địa phương nào miễn phí cho ông tiền ở qua đêm, hay những người không quen biết trả tiền bữa cơm cho ông mà không hề nói một lời. Có anh sửa xe ven đường vá xăm không lấy của ông một nghìn nào rồi lại xin được chụp chung tấm hình để làm kỷ niệm.

Đi đến nơi nào ông Định cũng nhận được nhiều sự giúp đỡ của người dân.
Đi đến nơi nào ông Định cũng nhận được nhiều sự giúp đỡ của người dân.

Ngày 28/8/2018, ông Định đến đất mũi Cà Mau – điểm địa đầu của Tổ quốc. Sau 21 ngày đạp xe, vượt quãng đường 2.280km, qua 25 tỉnh thành, ông đến được đích cuối cùng trong chuyến hành trình của mình. “Niềm vui như vỡ òa với tôi, đến đất mũi tôi cũng không nghĩ mình làm được điều này, nhiều người thấy tôi với chiếc xe đạp nói đi từ quê vào đây họ cũng không tin, nhưng đó là sự thật. Tôi đi để thử sức mình, để hoàn thành ước nguyện của mình chứ không vì ai treo giải để được gì nên tôi mãn nguyện về điều đó” – ông Định tâm sự.

Trở về nhà đã nhiều ngày, hàng xóm nghe tin ông một mình đạp xe xuyên Việt cũng ít người tin đó là sự thật. “Có người bảo tôi khó làm được việc đạp xe, tôi nói lại với họ, nếu đi dọc theo chiều dài đất nước, hỏi thăm được ai thấy tôi không đạp xe mà ngồi lên cho xe khác chở đi tôi mất cho họ một tỷ đồng” – ông Định tự tin nói.

Đất mũi Cà Mau, điểm đến cuối cùng trong chuyến hành trình của cựu binh Định.
Đất mũi Cà Mau, điểm đến cuối cùng trong chuyến hành trình của cựu binh Định.

Cuốn sổ nhật ký ông Định ghi đầy tủ từng ngày trên quãng đường mình đã qua.
Cuốn sổ nhật ký ông Định ghi đầy tủ từng ngày trên quãng đường mình đã qua.

Thái Bá